Xã hội hóa giáo dục ở Trường Tiểu học Trực Cường

07:10, 30/10/2012

Xã Trực Cường (Trực Ninh) là địa phương điều kiện kinh tế còn nghèo, ngân sách khó khăn, đa số người dân làm nông nghiệp, thu nhập thấp. Nguồn lực hỗ trợ giáo dục của cấp trên eo hẹp, trong khi nhu cầu về cơ sở vật chất cho giáo dục đòi hỏi ngày càng cao. Trước thực tế này Trường Tiểu học Trực Cường đã tìm tòi hướng phát triển, trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tranh thủ các nguồn lực cho giáo dục.

Cô và trò Trường Tiểu học Trực Cường trong giờ lên lớp.
Cô và trò Trường Tiểu học Trực Cường trong giờ lên lớp.

Để khai thác, phát huy sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, năm 2010, nhà trường đã mời các cựu học sinh, các doanh nhân thành đạt, các tổ chức đoàn thể của địa phương và con em quê hương ở mọi miền đất nước về dự buổi gặp mặt, kêu gọi xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học của thầy trò nhà trường. Ngay trong buổi họp, hàng chục cá nhân đã ủng hộ nhà trường, trong đó có người ủng hộ hàng trăm triệu đồng. Trên cơ sở đó, trường đã thành lập quỹ xây dựng trường và tiếp tục nhận được sự quan tâm đóng góp về kinh phí của nhiều con em thành đạt của quê hương, giáo viên, học sinh cũ của trường và nhiều tổ chức, cá nhân… Ngoài nguồn kinh phí, đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhân dân địa phương còn ủng hộ nguyên vật liệu và công sức để xây dựng lại ngôi trường. Với tổng kinh phí xây dựng là 3,6 tỷ đồng, công trình bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm học 2010-2011 gồm 5 phòng học, được trang bị 100 bộ bàn ghế mới, bảng từ chống lóa của Hàn Quốc và hệ thống điện, hệ thống chiếu sáng hiện đại. Hội phụ huynh học sinh nhà trường đã tự nguyện lắp toàn bộ hệ thống quạt và điện của 15 phòng học, trị giá 32 triệu đồng; ủng hộ nhà trường hệ thống ang, chậu cây cảnh trang trí trường lớp, trị giá 15 triệu đồng và toàn bộ ghế đá trong sân trường. Trường còn xây dựng được quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục do con em quê hương và các doanh nhân thành đạt là người của xã đóng góp. Riêng năm học 2011-2012, quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục của trường đã thưởng 57 triệu đồng cho giáo viên và hàng chục triệu đồng cho các em học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập với mức thưởng cao nhất cho giáo viên là 5 triệu đồng, cho học sinh là 2 triệu đồng. Đến nay ngoài 20 phòng học, nhà trường đã có tương đối đầy đủ các phòng chức năng đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục toàn diện như: phòng tin học gồm 18 máy vi tính, phòng âm nhạc có 10 đàn ocgan, phòng thư viện với hệ thống giá sách, bàn ghế chất lượng cao và hàng trăm đầu sách, phòng mỹ thuật với nhiều bức tranh đẹp…

Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của nhà trường về cảnh quan trường lớp và điều kiện học, điều kiện dạy của thầy trò nhà trường; tác động tích cực đến tâm lý học sinh. Các em có ý thức hơn trong việc gìn giữ trường lớp xanh, sạch, đẹp; trân trọng sự giúp đỡ của các tổ chức cá nhân, từ đó tự giác phấn đấu rèn luyện, vươn lên trong học tập. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng lên: Chất lượng đại trà thường xuyên đứng đầu huyện, chất lượng học sinh giỏi đứng thứ 4 toàn huyện. Năm học 2011-2012 em Trần Quang Vinh đạt giải nhất cấp huyện, giải ba cấp tỉnh trong cuộc thi giải toán trên mạng internet; các em Vũ Mạnh Tuấn, Nguyễn Thanh Thảo được dự giao lưu học sinh giỏi xuất sắc bậc tiểu học cấp tỉnh; Hoàng Thị Diệu đạt giải nhất Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, giải khuyến khích Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Chất lượng học sinh lớp 5 vào lớp 6 đứng thứ 3 toàn huyện (riêng năm học 2011-2012, trường có 15 em đứng trong tốp dẫn đầu trong tổng số 45 em thi đỗ vào trung tâm chất lượng cao của huyện đặt tại Trường THCS xã Trực Đại). Nhiều năm liên tục, trường đứng trong tốp đầu các trường tiên tiến của toàn huyện. Năm học 2012-2013, Trường Tiểu học Trực Cường đã và đang tiếp tục tranh thủ các nguồn lực xã hội để xây dựng cơ sở vật chất nhằm đạt lộ trình xây dựng chuẩn 2 vào năm học tới: huy động các tổ chức, cá nhân tặng nhà trường hệ thống giá vẽ và một số thiết bị ở phòng dạy mỹ thuật, phòng âm nhạc; hoàn thiện sân chơi bãi tập, nhà để xe, lát nền 10 phòng học; hoàn thành xây dựng vườn trường, nhà bảo vệ, phòng y tế... Dự kiến đến năm 2014, trường sẽ xây dựng và đưa vào sử dụng khu nội trú với đầy đủ phòng ăn, phòng nghỉ phục vụ cho học sinh bán trú. Còn nhiều việc phải làm, song theo thầy Phạm Văn Thuận, hiệu trưởng nhà trường, công tác xã hội hóa giáo dục sẽ góp phần xây dựng nhà trường phát triển trong tương lai./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com