Để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước ta

07:07, 10/07/2012

Sau khi Đại hội Đảng XI nhấn mạnh một lần nữa "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu" và chủ trương tiến hành "đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân", "đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt", nhiều người hy vọng ngành giáo dục sẽ có chuyển biến. Lúc này mong đợi của xã hội là cán bộ quản lý và giáo viên có nhận thức mới, và ở trong tâm thế sẵn sàng chuẩn bị cho một công cuộc đổi mới sâu rộng, làm cho chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước. Nhưng nhiều việc diễn ra trong ngành giáo dục, chỉ từ đầu mùa hè đến nay, khác xa hy vọng của xã hội. Chuyện thiếu trường, chạy trường vẫn tiếp diễn... rồi đến thực trạng tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Cách nhìn nhận và xử lý đối với sự việc xảy ra của các cơ quan có trách nhiệm trong ngành chứng tỏ: chẳng có sự chuyển biến gì trong công tác quản lý, các đồng chí chịu trách nhiệm quản lý còn tránh né sự thật và ngành giáo dục vẫn đang trượt theo nếp cũ. Điều đau lòng là, vì thành tích chủ nghĩa, tại chính nơi có sứ mạng đào luyện trẻ em thành những công dân trung thực, thì người lớn lại bày cách cho trẻ em thực hiện các hành vi dối trá. Trước những sự việc xảy ra, những ai kỳ vọng ở chủ trương "đổi mới căn bản và toàn diện" - mà thực chất phải là một cuộc cải cách giáo dục - đều cảm thấy lo lắng.

Giáo viên Trường THCS Lộc An (TP Nam Định) hướng dẫn học sinh ôn tập trong những ngày hè. Ảnh: Xuân Thu
Giáo viên Trường THCS Lộc An (TP Nam Định) hướng dẫn học sinh ôn tập trong những ngày hè. Ảnh: Xuân Thu

Nếu chúng ta tránh né sự thật, không dám nhìn thẳng vào thực trạng giáo dục thì làm sao có thể đổi mới căn bản và toàn diện? Sự thật ở đây là, mặc dù nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cùng với học sinh, sinh viên có những cố gắng nhất định, mặc dù Nhà nước không ngừng tăng tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo, mặc dù nhân dân bỏ nhiều công sức và tiền của đầu tư vào việc học hành của con em, song nền giáo dục nước ta vẫn không thoát ra khỏi tình trạng bất cập và lạc hậu. Theo nhận định chính thức của các kỳ Đại hội Đảng, gần đây nhất là Đại hội XI, "chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển... Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cấp chất lượng, giữa dạy chữ và  dạy người. Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lạc hậu...; cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo... Quản lý nhà nước về giáo dục còn bất cập. Xu hướng thương mại hóa và sa sút đạo đức trong giáo dục khắc phục còn chậm...". Trước thực trạng như thế về giáo dục, xã hội cảm thấy bất an và hết sức lo lắng khi nghĩ tới yêu cầu cao về dân trí, nhân lực, nhân tài để phát triển đất nước... Trong khi các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh của nhân tố con người - kết quả của giáo dục - trong khung cảnh toàn cầu hóa thì chúng ta càng lo lắng hơn vì Việt Nam đang đứng ở vị trí 116 trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người vừa được UNDP công bố năm nay, trong đó riêng về số năm đi học bình quân của người dân dưới mức trung bình thế giới(1).

Rõ ràng, nếu không đánh giá đúng thực trạng cũng như không thấy được yêu cầu cấp bách của đất nước đối với giáo dục, thì không thể có quyết tâm cần thiết cũng như không thể có được cách tổ chức hiệu quả để thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Nhiều nhà giáo, nhà khoa học đã thấy rõ điều đó và nhiều lần cảnh báo, nếu tiếp tục cách làm đổi mới từng phần, chắp vá như thời gian qua, thì sẽ không có sự chuyển biến gì đáng kể, thậm chí chỉ làm cho giáo dục càng ngày càng tụt lùi.

Để giáo dục lâm vào tình trạng bất cập và lạc hậu, tất nhiên các đồng chí lãnh đạo của ngành có trách nhiệm lớn, nhưng cũng không thể không nói đến những hạn chế do sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước mà cái gốc là chưa có sự quan tâm đúng mức trên thực tế, dù giáo dục đã được xác định trong các văn kiện là quốc sách hàng đầu.

Để thực hiện cho được việc đổi mới căn bản và toàn diện trong ngành giáo dục, thì trước hết cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên cần nhận thức lại nhiệm vụ và mục tiêu giáo dục, để thấy điều cốt lõi là phát triển phẩm chất và năng lực làm người, từ đó ý thức đầy đủ yêu cầu đổi mới nội dung và phương pháp trong chương trình giáo dục sẽ đổi mới sau năm 2015 là nhằm vào "giáo dục nhân cách và hướng dẫn học sinh cách nghĩ, cách làm..." như dự kiến của kế hoạch vừa được vạch ra.

Hơn bao giờ hết, lúc này cần quán triệt quan điểm giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; đồng thời cần nhận thức đổi mới giáo dục là một công cuộc to lớn, sâu rộng, ảnh hưởng đến toàn xã hội nên không thể xem là việc của riêng ngành giáo dục, để ngành giáo dục đơn độc tự thân giải quyết mà tất cả các ngành đều có phần trách nhiệm. Vì vậy, để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, cần có một tổ chức chỉ đạo chung của Đảng và Chính phủ, đủ sức huy động sự tham gia của các chuyên gia am hiểu về giáo dục và những lĩnh vực liên quan giáo dục, chẳng những có kinh nghiệm mà còn phải có quyết tâm đổi mới, nhằm xây dựng và triển khai một đề án tổng thể. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện, để việc triển khai đề án tổng thể thành công, rất cần ưu tiên bố trí về nhân sự và đầu tư về tài chính.

Hiện nay, trước những khó khăn, thách thức gay gắt của đất nước về kinh tế, văn hóa, xã hội... càng phải thấy, đặt giáo dục vào vị trí quốc sách hàng đầu là một tư tưởng chiến lược cực kỳ quan trọng và kiên trì, quyết liệt thực hiện điều đó mới bảo đảm để đất nước phát triển nhanh và bền vững. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, từ chỗ kém phát triển, thiếu tài nguyên, thậm chí đổ nát sau chiến tranh... nhưng các nước ấy đã vươn lên đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển cao mà khi phân tích về nguyên nhân thành công, hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều thừa nhận, chính là vì các nước ấy đã tận lực phát triển giáo dục, tập trung đầu tư vào con người, xem phẩm chất và năng lực của công dân là nguồn lực quý báu nhất của xã hội. Đối với nước ta, đã đến lúc cần một quyết tâm chính trị như thế để bảo đảm cho sự thành công của chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục./.

Theo nhandan.com.vn

(1) Theo Báo cáo phát triển con người của UNDP 2012, mức trung bình là 6.3, Thái-lan: 6.6, Cam-pu-chia: 5.8 còn Việt Nam là 5.5.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com