Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống tệ nạn mại dâm

02:03, 01/03/2012

Theo các ngành chức năng, hiện nay, toàn tỉnh có 194 cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện tệ nạn mại dâm; 48 đối tượng có biểu hiện nghi vấn là chủ chứa mại dâm; 15 đối tượng có biểu hiện nghi hoạt động môi giới dẫn dắt mại dâm; 52 người là gái mại dâm có hồ sơ quản lý, 149 người hiện đang là nhân viên các nhà hàng karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, quán trọ, gội đầu… có biểu hiện nghi vấn là gái bán dâm. Hình thức tổ chức, đối tượng hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, phức tạp nhất là việc lợi dụng mạng internet để môi giới, chào hàng, dẫn khách. Ngoài hoạt động mại dâm theo phương thức cũ như tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh các dịch vụ vui chơi, giải trí, xu hướng hoạt động mại dâm theo hình thức “gái gọi” thoát ly khỏi sự quản lý của chủ chứa để khó bị phát hiện, dễ bề thoát tội ngày càng tăng.

Ra quân tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Thành phố Nam Định. Ảnh: Minh Thuận
Ra quân tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Thành phố Nam Định. Ảnh: Minh Thuận

Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm, tăng cường công tác phòng chống tệ nạn mại dâm và triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó công tác truyền thông được xác định là một biện pháp quan trọng trong phòng ngừa. Hoạt động truyền thông được lồng ghép trong nhiều chương trình hoạt động của các ngành chức năng, đoàn thể nhằm tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng ý thức của cộng đồng chung tay đấu tranh với tệ nạn này. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… đã thành lập các CLB phòng, chống tệ nạn xã hội, xây dựng mô hình hoạt động theo tổ nhóm, tập huấn, tổ chức hội nghị… tuyên truyền cho cán bộ, hội viên và nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống mại dâm, phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, ngăn chặn hoạt động tội phạm xâm hại trẻ em. Các địa phương thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, đài truyền thanh; tổ chức cho các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lĩnh vực “nhạy cảm” ký cam kết không vi phạm các quy định về phòng, chống tệ nạn xã hội; tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu giữa các đoàn thể khu dân cư với Đoàn Thanh niên, Công đoàn của các trường học, cơ quan về phòng, chống tệ nạn xã hội. Nội dung tuyên truyền tập trung tạo dư luận xã hội lên án mạnh mẽ tệ nạn mại dâm; phát hiện, tố giác đấu tranh với bọn môi giới, dẫn dắt, tổ chức hoạt động mại dâm; phát hiện, vận động, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng nhưng không định kiến với phụ nữ bán dâm; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho những cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Năm 2011, tỉnh ta đã xây dựng thí điểm mô hình “Phòng ngừa tệ nạn mại dâm” tại xã Trung Đông (Trực Ninh). Qua triển khai, các hoạt động của mô hình đã nâng cao nhận thức và hành động của các ngành, đoàn thể và nhân dân xã Trung Đông về thủ đoạn, nguyên nhân, hậu quả của tệ nạn mại dâm và động viên sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm. Hội Phụ nữ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt CLB phòng, chống mại dâm tại phường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định). Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh và các cấp Hội cơ sở duy trì dạy nghề cho một số đối tượng có nguy cơ cao, hỗ trợ chị em vay vốn tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Tại các địa phương đã triển khai lồng ghép tiêu chí phòng, chống tệ nạn xã hội vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; thành lập các CLB phòng, chống tội phạm và ma tuý, mại dâm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường đấu tranh triệt phá các ổ nhóm mại dâm. Năm 2011, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng chống mại dâm tại 76 cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn. Qua kiểm tra, đã phát hiện 19 cơ sở có vi phạm hành chính và đã xử phạt hơn 10 triệu đồng. Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành và địa phương kiểm tra 322 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện; đã phát hiện 87 cơ sở vi phạm, xử lý cảnh cáo 47 cơ sở; phạt tiền 27,75 triệu đồng; đình chỉ kinh doanh 40 cơ sở (trong đó 5 cơ sở lưu trú, 33 cơ sở karaoke, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ xoa bóp). Lực lượng công an đã triệt phá 21 vụ, bắt giữ 66 đối tượng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, nhà trọ, ki-ốt, kinh doanh karaoke; lập hồ sơ truy tố 20 vụ, 23 bị can (16 chủ chứa, 7 môi giới); xử lý hành chính 1 vụ , 43 đối tượng mua, bán dâm.

Tuy nhiên, công tác truyền thông về phòng, chống tệ nạn mại dâm vẫn còn những hạn chế như nội dung truyền thông chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có các biện pháp hữu hiệu phòng ngừa trước tác động từ mặt trái của mạng internet. Nhiều thông tin về thực trạng mại dâm được đăng tải trên mạng quá sa đà vào câu khách dẫn đến “hiệu ứng ngược”, chỉ dẫn địa chỉ, thủ đoạn đối phó hoặc các kiểu “ăn chơi” gây tò mò cho một bộ phận người đọc thiếu bản lĩnh. Do vậy, công tác truyền thông cần chú trọng tuyên truyền biện pháp phòng ngừa, xây dựng văn hóa, lối sống lành mạnh trong cộng đồng. Mỗi gia đình phải là một kênh truyền thông quan trọng, tiên quyết trong phòng ngừa tệ nạn này qua việc giáo dục đạo đức, lối sống cũng như các kỹ năng ứng phó trước nguy cơ “tấn công” của tệ nạn mại dâm hoặc các hình thức “tiền” mại dâm./.

Trần Vân Anh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com