Phở Việt Nam ở Hàn Quốc

08:02, 28/02/2012

Ở Hàn Quốc (HQ), nếu như “Udon”, một món mì khá nổi tiếng của Nhật Bản đã gần như được Hàn Quốc hóa và có mặt ở hầu như tất cả các nhà hàng từ bình dân đến cao cấp, thì phở VN lại được “phổ cập” theo một hệ thống khác khá bài bản. Đó là nếu muốn ăn phở và các món ăn truyền thống khác của VN thì thực khách phải vào hệ thống các cửa hàng “Pho Mein”, “Pho Saigon”, “Pho Hòa”, “Pho Bay”…

Sẽ là một lựa chọn hợp lý cho mọi thực khách “du lịch ba-lô” của VN khi phải giải quyết bữa ăn ở ngoài phố, nếu như vào các quán phở của VN. Thứ nhất là giá cả: Một bát phở với 8.500won sẽ làm thỏa mãn cả về khẩu vị lẫn dạ dày của khách hơn rất nhiều so với khoảng 5.000 – 8.000 won một bát mỳ kiểu HQ ở ngoài phố. Nước dùng trong, ngọt, mềm của phở VN khác hẳn với nước mì ngọt lờ lợ của mỳ HQ. Thịt bò cũng vậy, là thứ thịt trần chín tới, không qua chế biến sẵn và giữ nguyên mùi vị nguyên bản. Chỉ có bánh phở là được làm khác – nó được làm như bánh đa sợi nhỏ, nhưng không cứng như bánh đa. Rau thơm, rau mùi, hành tây… được bày riêng trên một chiếc đĩa đi kèm, chứ không cho thẳng vào bát như ở ta.

Tôi hỏi Han Ji Hyung (45 tuổi) chủ quán Pho Mein trên đường Seopangyo tại một khu phố mới ở Seoul: Tại sao là phở VN mà không chế biến hoàn toàn theo kiểu VN bằng cách cho các gia vị đầy đủ vào bát phở? Ông ta bảo: Vì phở VN nhưng chủ yếu phục vụ người HQ nên vẫn tránh cho những gia vị đặc trưng như ngũ vị hương hay hành và gừng nướng vào nước dùng. Người HQ chưa quen với các mùi gia vị đó. Han Ji Hyung cũng cho biết: Ngoài phở, quán của ông còn bán cả nem rán, cơm rang theo kiểu VN.  

Điều gây ngạc nhiên cho chúng tôi là chủ nhân hệ thống các cửa hàng phở ở HQ  không có ai là người VN cả. Nhãn hiệu “Pho Mein” là độc quyền của Cty Dailyking Inc - một công ty chuyên kinh doanh mặt hàng ăn uống. Ahn Byung Jin, một quản lý của Cty cho biết: Hiện hệ thống “Pho Mein” có 102 nhà hàng trên toàn quốc, riêng ở khu thủ đô (gồm Seoul, TP.Incheon và tỉnh Gyeonggi) có 70 nhà hàng. “Pho Mein” có quy định riêng về cách bài trí cũng như cách chế biến các món ăn VN, trong đó có phở. Nhà hàng của Han Ji Hyung được đặt tại một ngã ba  thuận tiện cho việc đỗ xe và được trang trí rất đẹp, nhìn ngoài cửa không ai nghĩ đó là quán ăn, nếu như không có biển đề “Pho Mein” – Vietnamese Cuisine. Các nhà hàng khác như “Pho Bay”, “Pho Hòa”, “Pho Saigon”… cũng là do người HQ làm chủ, thậm chí đầu bếp cũng là người HQ luôn.

Một cửa hàng phở VN tại Hàn Quốc
Một cửa hàng phở VN tại Hàn Quốc

Dù được thưởng thức bát phở “khá ổn” sau những giờ lang thang ngoài phố lạnh, nhưng tôi vẫn thấy thoáng buồn vì một món ăn đã từng được nhiều nhà văn đưa vào tác phẩm của mình như phở - đã không còn giữ được cách chế biến của nó ở HQ. Một bát phở với màu xanh của hành thơm, màu đỏ của ớt, màu hồng của thịt, màu trắng của bánh đa cùng với hương vị hòa quyện của các loại gia vị và nước dùng được bày trước thực khách sẽ rất khác với một bát phở mà chỉ thấy thịt và bánh… và e rằng, đến một giai đoạn nào đó, phở VN sẽ biến thành một món ăn được HQ hóa như mỳ udon.  Trong khi đó, ẩm thực HQ đang đi từng bước vững chắc vào thị trường VN với nguyên hương vị của nó, không cần phải thay đổi, chiều theo thị hiếu của người Việt.

Theo: laodong.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com