Chuyển biến tích cực về vệ sinh cá nhân ở các trường mầm non

08:02, 29/02/2012

Giờ ra chơi của lớp mẫu giáo lớn Trường Mầm non Văn Miếu (TP Nam Định), các cháu đều thỏa sức vui đùa trong khuôn viên nhà trường. Tuy nhiên, chỉ sau hiệu lệnh báo giờ ra chơi đã kết thúc, các cháu đều ngoan ngoãn xếp hàng rửa tay trước khi vào lớp. Có được thói quen tưởng chừng như rất đơn giản này của các cháu là sự nỗ lực không nhỏ của các cô giáo trong nhà trường. Là một trong 7 trường điểm của tỉnh được thụ hưởng chương trình “Tăng cường tuyên truyền, giáo dục vệ sinh cá nhân và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ mầm non” do Quỹ Unilever và Vụ Mầm non (Bộ GD và ĐT) tổ chức, từ năm 2007, nhà trường đã phân công giáo viên tham dự các lớp tập huấn, triển khai xây dựng và tu sửa công trình vệ sinh cho trẻ, đồng thời cung cấp các thiết bị như: xà phòng, khăn mặt, nước lau nhà, xây dựng máng nước rửa tay cho các em, thực hiện vệ sinh môi trường trong trường học. Nhà trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về tác dụng của việc vệ sinh đối với việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ, vì vậy nhận thức của học sinh và phụ huynh đã nâng lên rõ rệt. Ngoài việc quan tâm đến vệ sinh cá nhân cho con trẻ, các phụ huynh còn tích cực hưởng ứng các chủ trương của nhà trường trong việc xây dựng các công trình vệ sinh cho con em mình. Nhờ được sự hỗ trợ của nhà trường và gia đình, học sinh của trường đã có ý thức và biết tự lập trong khâu vệ sinh cá nhân.

Các cô giáo mầm non tham khảo mô hình hoạt động của chương trình tuyên truyền giáo dục vệ sinh và chăm sóc bảo vệ sức khoẻ trẻ mầm non.
Các cô giáo mầm non tham khảo mô hình hoạt động của chương trình tuyên truyền giáo dục vệ sinh và chăm sóc bảo vệ sức khoẻ trẻ mầm non.

Không chỉ ở Trường Mầm non Văn Miếu mà tất cả các trường được thụ hưởng chương trình đều thực hiện tốt các mục tiêu mà chương trình đã đặt ra. Các bậc phụ huynh, nhất là phụ huynh ở vùng nông thôn đã quan tâm đến việc vệ sinh cá nhân cho trẻ như giữ đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ, tắm, gội đầu, rửa tay cho trẻ… Trẻ cũng đã sớm có thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân ở nhà cũng như khi ở trường. Với 2.097 trẻ trực tiếp được thụ hưởng từ chương trình, đến nay đã có 88,81% số trẻ đã có thói quen rửa tay thường xuyên, 88,86% phụ huynh được tuyên truyền về giáo dục vệ sinh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ, đưa số trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống còn 2%, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 3%. Xuất phát từ những nghiên cứu khoa học cho thấy 80% bệnh tật ở trẻ nhỏ liên quan tới chăm sóc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và trên thực tế, việc rửa tay bằng xà phòng có thể giúp trẻ tránh được các bệnh thường gặp như: tiêu chảy, giun sán, cúm A(H1N1), bệnh chân - tay - miệng… Ngành GD và ĐT đang chỉ đạo các trường mầm non trong toàn tỉnh áp dụng thực hiện chương trình này nhằm làm thay đổi và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em, đồng thời hình thành cho trẻ thói quen tốt trong vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh môi trường.

Hiện tại, toàn tỉnh có 260 trường mầm non, trong đó có 102 trường đạt chuẩn quốc gia; 230 trường có mô hình phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ.  Hằng năm, ngành học giáo dục mầm non phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục về công tác chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng mở rộng, chống suy dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân và phòng chống ngộ độc cho trẻ trong các trường mầm non. Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố thường kỳ mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho giáo viên dinh dưỡng tại các trường mầm non. Ngoài ra, Sở GD và ĐT phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thức ăn trong các trường mầm non, đồng thời chỉ đạo việc thực hiện xây dựng bếp ăn một chiều, bếp ít khói, hợp vệ sinh, công trình vệ sinh, nước sạch đúng quy cách và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh và người trực tiếp tiếp xúc với nguồn thực phẩm ở các nhà trường nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh. Các vấn đề liên quan đến việc giáo dục vệ sinh cá nhân và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ mầm non đều được các nhà trường quan tâm chú trọng. Chính vì vậy, nhiều năm qua, ngành học giáo dục mầm non của tỉnh không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm cho trẻ và hạn chế tối đa được dịch bệnh lây lan trong học đường, góp phần tích cực trong việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD và ĐT ban hành, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở các nhà trường, nhất là đối với các trường còn gặp khó khăn./.

Bài và ảnh: Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com