Sàng lọc các điểm Bưu điện văn hóa xã

02:02, 23/02/2012

Cách đây khoảng 10 năm, điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) được nhắc đến như một điểm sáng điển hình trong việc đưa văn hóa về nông thôn. Bởi lẽ, ngoài việc cung cấp các dịch vụ bưu chính - viễn thông, các điểm BĐVHX còn góp phần thiết thực vào công tác xây dựng văn hóa cơ sở, là kênh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân một cách nhanh chóng, gần gũi và hiệu quả. Tuy nhiên, trong khoảng vài năm trở lại đây, hầu hết các điểm BĐVHX, đặc biệt là các khu vực thành thị lại rơi vào tình trạng "sống dở chết dở" vì không có khách đến giao dịch, cơ sở vật chất xuống cấp, doanh thu thì èo uột. Đơn cử như tại Nghệ An, một trong những tỉnh, thành có số lượng điểm BĐVHX lớn của cả nước, doanh thu của các điểm BĐVHX lần lượt giảm từ 7 triệu đồng/tháng xuống còn 700 ngàn đồng/tháng rồi 70 ngàn đồng/tháng. Thậm chí, cá biệt có những điểm BĐVHX có doanh thu chỉ từ 10-23 ngàn đồng/tháng. Trước thực trạng "lắt lay" các điểm BĐVHX, đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng các điểm BĐVHX đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Nếu tiếp tục duy trì các điểm BĐVHX trong tình trạng trên, khi mà người dân không còn nhu cầu đến giao dịch sẽ là một sự lãng phí lớn tài sản của Nhà nước. Thay vào đó, nên mạnh dạn nhìn thẳng vào thực tế để "khai tử" cho các điểm BĐVHX này vì chúng đã làm tròn vai trò lịch sử. Nhưng cũng có ý kiến khác lại cho rằng: Không thể xóa sổ các điểm BĐVHX vì việc xóa bỏ nó cũng sẽ đồng nghĩa với việc tước đi quyền được thụ hưởng văn hóa của người dân, đặc biệt là người dân tại các vùng nông thôn, các huyện nghèo, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.

Khách quan mà nói thì việc "khai tử" tất cả hay "cứu" tất cả điểm BĐVHX như ý kiến trên đều có những cơ sở nhất định. Tuy nhiên, nếu chỉ thiên về ý kiến này hoặc ý kiến kia thì rất dễ dẫn đến những quyết định mang tính cực đoan. Vì thế, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ TT và TT nên giải quyết một cách hài hòa vấn đề này theo hướng không "khai tử" tất cả nhưng cũng không "cứu" tất cả. Trước mắt, Bộ nên giao cho Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông - đơn vị chủ quản của các điểm BĐVHX - rà soát lại tất cả các điểm BĐVHX trên toàn quốc. Trên cơ sở đó sàng lọc, xác định rõ điểm BĐVHX nào cần cho dân thì tiếp tục duy trì, đầu tư, còn điểm BĐVHX nào dân không còn có nhu cầu thì có thể xóa bỏ. Ví như tại các tỉnh, thành phố lớn, nếu xét thấy các điểm BĐVHX nào không còn cần thiết cho dân thì có thể xóa bỏ. Còn tại các vùng biên giới, hải đảo, các huyện nghèo nơi người dân có nhu cầu thì nên tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện hoạt động cho điểm BĐVHX. Mặt khác, cũng cần bổ sung thêm cho các điểm BĐVHX này những chức năng mới để có thể vừa đáp ứng được với nhu cầu mới của người dân, vừa phù hợp với xu thế mới của thời đại. Từng bước đa dạng hóa các loại hình dịch vụ cung cấp tại điểm BĐVHX để chúng có thể hoạt động như một thiết chế văn hóa cơ sở theo hướng tận dụng điểm BĐVHX làm nơi sinh hoạt công cộng; là nơi cung cấp thông tin, tài liệu hướng dẫn các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Có như vậy, các điểm BĐVHX mới thật sự góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân vùng sâu, vùng xa./.

Theo: cand.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com