Thực trạng môi trường nước trên địa bàn tỉnh ta

02:02, 23/02/2012

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, tỉnh ta đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng về nước. Với hệ thống sông ngòi dày đặc, trong đó có 4 sông lớn là: sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Đào, tỉnh ta được đánh giá là có nguồn tài nguyên nước tiềm năng, tuy nhiên trong thực tế có nhiều yếu tố tác động làm cho nguồn tài nguyên nước không bền vững. Do nằm ở cuối nguồn nên tỉnh ta rất khó chủ động trong việc bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước. Từ nhiều năm nay trong các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản và sinh hoạt, người dân thường có thói quen xả nước thải chưa được xử lý ra môi trường. Nhiều nơi, người dân còn tự do xả chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp ra ao hồ, sông, ngòi. Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, chất lượng nước mặt ở các con sông qua địa bàn tỉnh có nồng độ BOD, COD (chất thải hữu cơ, chất thải hoá học bị ôxy hoá đang phân huỷ) tăng cao do sông Hồng tiếp nhận nhiều nguồn ô nhiễm dọc hai bên bờ sông đổ vào. Tại các điểm quan trắc của sông Đào đều cho thông số COD, BOD, chất rắn lơ lửng, dầu mỡ vượt tiêu chuẩn cho phép. Tại sông Ninh Cơ, các thông số COD, BOD, Phosphat... đều vượt tiêu chuẩn. Tại sông Đáy, hầu hết các vị trí quan trắc đều có dấu hiệu ô nhiễm, các thông số COD, BOD, chất rắn lơ lửng, Phosphat... đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Tại một số vị trí, thông số tổng dầu mỡ, Phenol, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 2,7 lần. Nước thải tại các khu, CCN, hầu hết các thông số COD, BOD, chất rắn lơ lửng, Amoni, Sunfua, Colifom đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,4 đến 4,4 lần. Việc khai thác và sử dụng không hợp lý nguồn nước ngầm như: khai thác giếng không theo quy hoạch, các giếng đã khai thác xong hoặc không sử dụng không được san lấp đã làm suy thoái cả về trữ lượng lẫn chất lượng nguồn nước ngầm. Ô nhiễm nước mặt và tình trạng rác thải tồn lưu bị phân huỷ tại các bãi chứa tạm thời cũng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Riêng tại vùng biển, do chịu tác động của hoạt động đánh bắt nuôi trồng hải sản, vận tải hàng hoá, bãi tắm du lịch cùng với sự ô nhiễm của các dòng sông đổ về đã gây tác động không nhỏ đến chất lượng môi trường nước biển ven bờ; chỉ tiêu BOD vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,4 đến 3,6 lần; hàm lượng cặn lơ lửng lớn làm nước có mầu đục. Trong báo cáo thực hiện giai đoạn 1 dự án “Nâng cao năng lực đánh giá quản lý tài nguyên nước”, các chuyên gia Đức và Việt Nam đã đưa ra nhận định đáng báo động đối với nguồn tài nguyên nước: nước ngầm đã bị nhiễm bẩn do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải làng nghề; tại các huyện ven biển nước ngầm còn bị nhiễm mặn; bình quân mỗi năm mực nước ngầm sẽ giảm 0,5-0,7m.

Tu sửa cống thoát nước theo dự án nâng cấp đô thị trên tuyến đường Trần Hưng Đạo của Thành phố Nam Định.
Tu sửa cống thoát nước theo dự án nâng cấp đô thị trên tuyến đường Trần Hưng Đạo của Thành phố Nam Định.

Việc nguồn nước đang bị ô nhiễm và dần suy kiệt, đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã sớm thành lập Ban chỉ đạo nước sạch và vệ sinh môi trường. Sở TN và MT đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể tập trung tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu được vai trò, thực trạng của nguồn tài nguyên nước và vệ sinh môi trường đối với sức khoẻ, đời sống sinh hoạt, sản xuất của con người; tổ chức các phong trào bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường rộng khắp trong nhân dân như: Phong trào xanh, sạch, đẹp; xây dựng tuyến phố, thôn xóm văn hoá; xã hội hoá công tác thu gom rác thải… Các ngành chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử phạt việc vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Việc xử phạt 72 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải trực tiếp ra môi trường của Cty CP Dệt may Sơn Nam mới đây đã tác động trực tiếp đến nhận thức, hành động về thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường của người dân cũng như các doanh nghiệp. Nhờ đó, đến nay, công tác bảo vệ môi trường nước từ phía người dân và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã có sự chuyển biến tích cực. Tại các địa phương có sông ngòi, ao hồ, người dân đã chủ động tham gia các chương trình cải tạo, bảo vệ nguồn nước do các tổ chức, đoàn thể phát động như: không vứt rác xuống lòng sông, vớt rác dưới sông vào ngày thứ 7… Tại khối các doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã tự giác thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường như: xin cấp giấy phép xả thải, đóng phí bảo vệ môi trường, quan trắc, giám sát định kỳ… Hiện toàn tỉnh đã có 47,3% doanh nghiệp nộp phí bảo vệ môi trường, 17,3% doanh nghiệp đã đăng ký cấp sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại, 18,2% doanh nghiệp thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ, 13,1% doanh nghiệp lập báo cáo về công tác bảo vệ môi trường định kỳ gửi về cơ quan quản lý, 1,6% doanh nghiệp được cấp giấy phép xả thải. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất các doanh nghiệp cũng luôn chủ động đầu tư, đổi mới hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất có công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường và di chuyển, đầu tư sản xuất mới tại các khu, CCN bảo đảm việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường được thực hiện tập trung và đồng bộ. Tại các địa phương, việc huy động và sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như dự án cải tạo nguồn nước kênh S40, đoạn qua Thị trấn Lâm (Ý Yên), các dự án cải tạo, bảo vệ môi trường nước tại các làng nghề Vân Chàng, Bình Yên (Nam Trực)… Hằng năm, tỉnh  cũng huy động kinh phí, đầu tư hàng chục tỷ đồng, triển khai nhiều dự án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp công trình đê điều, thủy lợi, góp phần hạn chế tình trạng thẩm thấu, lãng phí nguồn nước.

Để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước, tỉnh đang tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế theo hướng bền vững; không chỉ chú ý tới hiệu quả kinh tế mà phải xem xét phát triển một cách tổng thể ở cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Khi xây dựng, triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh đều cân nhắc về điều kiện đất đai, các nguồn tài nguyên và các điều kiện môi trường trước khi phê duyệt. Trong công tác quản lý, đã chú trọng nâng cao nhận thức về giá trị của nguồn tài nguyên nước đối với phát triển bền vững ở cấp độ liên ngành để đưa đến những quyết định đầu tư liên quan đến tài nguyên nước mang tính tổng hợp, đạt hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và đảm bảo bền vững. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi hành vi sử dụng hợp lý và bảo vệ bền vững các nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com