Sinh viên với việc làm thêm

02:12, 29/12/2011
Nhiều sinh viên làm thêm tại Siêu thị Big C Nam Định với các việc: bán hàng, thu ngân…
Nhiều sinh viên làm thêm tại Siêu thị Big C Nam Định với các việc: bán hàng, thu ngân…

Hiện nay, nhiều sinh viên làm việc bán thời gian, vừa có thêm khoản tiền sinh hoạt hàng tháng, vừa nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử và tích lũy kinh nghiệm trước khi làm việc trong các doanh nghiệp. Đa số sinh viên làm thêm mang tính thời vụ, nhưng nhà tuyển dụng có những yêu cầu khá cao: tuyển nhân viên bán hàng, yêu cầu phải có ngoại hình khá, giao tiếp tốt; nhân viên nghiên cứu thị trường, ngoài việc siêng năng, cần có tính năng động, khả năng nhận biết về thị trường… Sinh viên Nguyễn Thị Lợi (năm thứ 4) khoa Kế toán, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định cho biết, các nhà tuyển dụng thường đặt ra yêu cầu cao nên khi đi xin việc, em phải chuẩn bị những kiến thức cơ bản, đặc biệt là khả năng giao tiếp, ứng xử. Các công việc Lợi thường làm như: phát tờ rơi, nhân viên tổ chức sự kiện, nhân viên kinh doanh…, giúp em tự tin hơn trong giao tiếp và có kinh nghiệm xử lý tình huống. Phạm Thị Thảo, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định cho biết, kỳ nghỉ hè vừa qua em đi dạy kèm cho học sinh, mỗi ca khoảng 50.000 đồng, tổng thu nhập mỗi tháng của em khoảng 2 triệu đồng. Ở lớp em có khoảng 20% số sinh viên đi làm thêm, trong đó có khá nhiều bạn làm gia sư.

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên đã đi làm thêm khi làm việc ở các doanh nghiệp đều tỏ ra có năng lực. Nhưng không phải sinh viên nào cũng may mắn tìm được công việc ưng ý, bên cạnh những cái lợi thu được, không ít sinh viên ngoài sự nhọc nhằn còn là những nỗi buồn và cả những cạm bẫy. Hiện, một bộ phận sinh viên làm tiếp thị bia, rượu, thuốc lá ở các quán cà phê, nhà hàng, quán karaoke, quầy bar… là môi trường nhiều cám dỗ. Sinh viên Nguyễn Thị H từng làm tiếp thị rượu tại sàn nhảy cho biết, khi vào làm việc, nhân viên được hướng dẫn cách đi lại, giao tiếp với khách và phải biết uống rượu, bia… Bên cạnh đó, việc làm thêm ảnh hưởng nhiều đến học tập. Đặc biệt là những ngày cuối năm, nhu cầu tuyển lao động bán thời gian của các siêu thị, nhà hàng,… tăng cao nhưng cũng là thời điểm sinh viên bước vào kỳ thi nên khó sắp xếp việc học tập và làm thêm hợp lý.

Làm thêm là nhu cầu chính đáng của không chỉ sinh viên mà của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, với sự phức tạp của các mối quan hệ xã hội, các bạn sinh viên cần xây dựng cho mình ý thức học tập, lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể cần tăng cường phối hợp quản lý giáo dục học sinh, sinh viên. Tháng 10-2010, CLB Gia sư sinh viên được Đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định thành lập với mục tiêu giúp sinh viên củng cố, trau dồi kiến thức chuyên môn, tiếp xúc với thực tiễn giáo dục, tích luỹ kinh nghiệm phục vụ cho học tập và công tác giảng dạy sau này, đặc biệt mang ý nghĩa thiết thực hỗ trợ sinh viên có thêm thu nhập./.

Bài và ảnh: Thúy Ngần



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com