Thực hiện dạy học phổ thông theo hướng giảm tải

03:10, 15/10/2011

Từ năm học 2011-2012, Bộ GD và ĐT đã chỉ đạo triển khai thực hiện điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản để việc dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng và mục tiêu giáo dục, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế của các nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp thu kiến thức, kỹ năng và giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. 

Giờ thực hành môn Hoá học ở Trường THCS Bình Hoà (Giao Thuỷ).
Giờ thực hành môn Hoá học ở Trường THCS Bình Hoà (Giao Thuỷ).

Một trong các nguyên tắc của việc giảm tải chương trình giáo dục phổ thông là không phá vỡ cấu trúc chương trình SGK hiện hành. Ngành GD và ĐT tỉnh đã yêu cầu các nhà trường chỉ đạo giáo viên điều chỉnh nội dung dạy học, cắt giảm những phần không hợp lý nhưng vẫn đảm bảo giữ được mạch của chương trình, tính lô-gích của kiến thức và tính thống nhất của các bộ môn. Đồng thời, căn cứ vào tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD và ĐT, ngành GD và ĐT tỉnh chỉ đạo các trường thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng hạn chế tình trạng dạy học quá tải; tạo điều kiện để tổ chức kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Việc hướng dẫn, điều chỉnh nội dung dạy học trong SGK đều bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình mỗi môn học. Một trong những điều kiện thuận lợi đối với tỉnh ta khi thực hiện dạy học phổ thông theo hướng giảm tải là hiện nay ở hầu hết ở các trường, học sinh đã được học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên thường xuyên được tham dự các lớp bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy học nên đã thích ứng nhanh với yêu cầu tinh giản nội dung chương trình. Mặt khác, đối với mỗi môn học, Sở GD và ĐT hướng dẫn cụ thể việc thực hiện điều chỉnh chương trình SGK, giáo viên cần nghiên cứu, hướng dẫn học sinh đánh dấu những bài, những phần không yêu cầu phải học. Cô Minh Nguyệt, giáo viên Trường THCS Quang Trung (TP Nam Định) cho biết: Việc giảm tải nội dung, chương trình SGK khắc phục khó khăn cho học sinh khi thời gian học tập ít mà vẫn phải học các kiến thức trùng lặp, hay bài tập yêu cầu quá cao phải dạy thêm, học thêm các em mới hiểu được bài… Giảm tải chương trình SGK sẽ giúp giáo viên có thêm thời gian dạy và học tốt hơn các kiến thức phổ thông cần thiết hoặc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh...

Trong việc thực hiện điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD và ĐT đã căn cứ vào 5 nhóm nội dung chính như: Những nội dung trùng lặp trong chương trình, SGK của nhiều môn học khác nhau; Những nội dung trùng lặp, có cả ở chương trình, SGK của lớp dưới và lớp trên do hạn chế của cách xây dựng chương trình, SGK theo quan điểm đồng tâm; Những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK không thuộc nội dung của chương trình hoặc yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; Những nội dung trong SGK trước đây sắp xếp chưa hợp lý và những nội dung mang đặc điểm địa phương, không phù hợp với các vùng miền khác nhau. Khi tinh giản, sắp xếp lại chương trình, giáo viên sẽ dành thời lượng cho nội dung khác hoặc sử dụng để luyện tập, hướng dẫn học sinh thực hành, tuy nhiên, giáo viên và học sinh vẫn có thể tham khảo các nội dung đó để có thêm sự hiểu biết. Trên cơ sở khung phân phối chương trình của môn học, giáo viên điều chỉnh phân phối chương trình chi tiết đảm bảo cân đối giữa nội dung và thời gian thực hiện, phù hợp với điều chỉnh nội dung dạy học của bộ môn, dựa trên hướng dẫn cụ thể của Sở GD và ĐT. Với việc thực hiện điều chỉnh chương trình theo hướng tinh giản, ngành GD và ĐT hy vọng sẽ ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục. Nhà trường và giáo viên có điều kiện hơn trong việc rèn luyện nhân cách, đạo đức, đồng thời rèn luyện kỹ năng sống, khả năng vượt khó, tự lập, phát huy khả năng sáng tạo và giải quyết các vấn đề trong học tập, trong cuộc sống. Việc điều chỉnh nội dung dạy và học còn giúp giảm thời gian học kiến thức hàn lâm, lý thuyết thuần tuý, tăng thời gian thực hành… điều đó sẽ giúp học sinh có điều kiện được vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, hình thành năng lực nhận thức và năng lực hành động./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com