Truy thu bảo hiểm thất nghiệp - Khó khăn từ nhiều phía

08:10, 14/10/2011

Tháng 9 vừa qua, khi đi rút tiền lương bằng thẻ ATM, chị Hương - một cán bộ công tác tại Thành phố Nam Định cảm thấy "hẫng" khi bị trừ gần 600 nghìn đồng do truy thu bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 30 tháng. Mặc dù đã được báo trước về khoản truy thu này, song nhiều người đều có tâm trạng như chị Hương.

Cán bộ phòng Thu (BHXH tỉnh) triển khai công tác thu những tháng cuối năm.
Cán bộ phòng Thu (BHXH tỉnh) triển khai công tác thu những tháng cuối năm.
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 102 Luật BHXH, các đối tượng  tham gia BHTN, hằng tháng người lao động đóng 1% tiền lương, tiền công tháng; người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng và Nhà nước hỗ trợ 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đồng thời mỗi năm chuyển một lần. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, từ tháng 1-2009 đến nay, việc triển khai thu BHTN chưa thực hiện được ở nhiều đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động, dẫn đến tình trạng khi bị truy thu, người lao động gặp không ít khó khăn, nhất là trong thời điểm hiện nay. Đối với cơ quan BHXH, việc thực hiện thu và truy thu BHTN cũng gặp nhiều trở ngại. Năm 2010, tỉnh ta chưa thu được BHTN của người lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục, TDTT do văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng. Thực hiện Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN; Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTB và XH ngày 25-10-2010 của Bộ LĐ-TB và XH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 127/2008; Nghị định 06/2010/NĐ-CP ngày 25-1-2010 của Chính phủ, từ tháng 4-2011, BHXH tỉnh đã triển khai thu BHTN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, thời gian truy thu từ tháng 1-2009. Tuy nhiên, tính đến hết quý II-2011, toàn ngành BHXH tỉnh mới thu đạt 46% kế hoạch được giao. Sở dĩ, số thu đạt thấp, ngoài lý do một số doanh nghiệp chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN còn do các đơn vị sự nghiệp công lập chưa nộp khoản kinh phí 2% BHTN từ tháng 1-2009 đến tháng 4-2011. Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh cũng chưa chuyển khoản kinh phí 1% BHTN hỗ trợ hằng năm cho các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách tỉnh.

Theo số liệu quyết toán của BHXH các huyện, thành phố, đến hết 30-6-2011, hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập mới chỉ chuyển được 2% kinh phí đóng BHTN phát sinh từ tháng 5-2011, còn 2% kinh phí BHTN truy thu thời gian từ tháng 1-2009 đến 31-3-2011 và số phát sinh trong tháng 4-2011 (tháng đầu tiên triển khai thu BHTN của đối tượng này) vẫn chưa nộp với lý do chưa nhận được kinh phí ngân sách tỉnh cấp bổ sung. Tổng số tiền phải nộp là trên 45,3 tỷ đồng, trong đó số kinh phí 1% do ngân sách tỉnh hỗ trợ hằng năm cho các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách tỉnh là trên 15,1 tỷ đồng.

BHTN là chính sách mới song đã thể hiện rõ tính ưu việt trong việc giải quyết tình thế trước mắt (nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động) và chiến lược lâu dài của nền kinh tế - xã hội (hỗ trợ nâng cao tay nghề, chuyển dịch lao động giữa các thành phần kinh tế…) nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm có nhu cầu làm việc nhưng chưa tìm được việc làm mới. Qua thời gian triển khai thực hiện chế độ BHTN cho thấy người lao động thất nghiệp đã được hưởng những quyền lợi như: hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm mới, hỗ trợ học nghề, góp phần giảm "gánh nặng" cho Nhà nước về giải quyết hậu quả do thất nghiệp, giúp người sử dụng lao động tập trung tốt hơn cho sản xuất thay vì phải chịu trách nhiệm giải quyết việc làm, trợ cấp mất việc làm cho người lao động như trước đây, đồng thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2010, BHXH tỉnh đã tiếp nhận 361 hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, 360 hồ sơ hỗ trợ tìm việc làm, chi trợ cấp thất nghiệp hơn 766,8 triệu đồng. Tuy nhiên, do việc giải quyết trợ cấp BHTN liên quan đến vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; những cơ quan, doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ trích nộp, cố tình nợ đọng thì người lao động ở đơn vị đó cũng chưa đủ điều kiện xác nhận, làm thủ tục hưởng BHTN. Bên cạnh đó, theo quy định, người lao động phải tiến hành đăng ký thất nghiệp trong thời hạn 7 ngày và nộp đủ hồ sơ hợp lệ cho Trung tâm giới thiệu việc làm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký, nếu quá các thời hạn này người lao động sẽ bị từ chối thụ hưởng các chế độ BHTN. Thời hạn trên được cho là quá ngắn, gây sức ép cho cả người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan BHXH, dẫn đến việc đăng ký thất nghiệp trễ hạn. Chính những tồn tại, hạn chế này khiến cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN còn thấp, việc thu và truy thu BHTN gặp nhiều khó khăn.

Để chính sách BHTN ngày càng đi vào cuộc sống, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hiện pháp luật lao động, BHXH, BHTN để người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ quyền và trách nhiệm tham gia BHTN cần giải quyết kịp thời trợ cấp BHTN. BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB và XH cũng nên sớm có phương án sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp. Các cơ quan chức năng cần đánh giá hiệu quả việc đào tạo nghề và hỗ trợ người lao động thất nghiệp nhanh chóng có cơ hội trở lại thị trường lao động, chứ không phải trông chờ vào khoản trợ cấp thất nghiệp./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com