Tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở hành nghề y tế tư nhân

07:10, 18/10/2011

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 469 cơ sở hành nghề y tế tư nhân, trong đó có 153 cơ sở hành nghề y học hiện đại (gồm 1 bệnh viện tư nhân 70 giường, 2 cơ sở đăng ký vận chuyển cấp cứu, 16 phòng khám đa khoa, 67 phòng khám chuyên khoa và các dịch vụ y tế khác) và 316 cơ sở hành nghề y học cổ truyền. Về cơ bản, các cơ sở KCB tư nhân đã thực hiện tương đối tốt các quy định của Nhà nước trong công tác KCB, góp phần tích cực vào việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, giảm tải cho các bệnh viện công lập. Các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền đăng ký hành nghề và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề. Đặc biệt ở các huyện, thành phố đều có tổ chức Hội y dược học cổ truyền hoạt động; 205/229 xã, phường, thị trấn có chi Hội y dược học cổ truyền với các phòng chẩn trị của hội viên, tích cực tham gia KCB cho nhân dân địa phương. Hiện tại các phòng khám y học hiện đại đều bố trí đội ngũ cán bộ chuyên môn như bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn. Một số phòng khám đa khoa như Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định, Phòng khám Đa khoa Sông Hồng, Hoàng Hoa Thám, Việt - Mỹ (TP Nam Định), Phòng khám Hoành Sơn (Giao Thủy)… đã đầu tư trang thiết bị máy móc cận lâm sàng hiện đại phục vụ công tác khám, chẩn đoán bệnh như máy chụp X.quang, máy siêu âm các loại, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, kính hiển vi… Các cơ sở có máy X.quang đều có giấy phép sử dụng thiết bị, giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo an toàn bức xạ do Sở KH và CN cấp, có chứng chỉ học tập an toàn bức xạ. Hệ thống y tế tư nhân đã và đang dần khẳng định vai trò trong hệ thống y tế chung, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, đóng góp thiết thực, hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, độ bao phủ của y tế tư nhân trong toàn tỉnh chưa đều, tập trung chủ yếu trên địa bàn Thành phố Nam Định và trung tâm các huyện. Đối tượng tham gia hoạt động y tế tư nhân chủ yếu là cán bộ nghỉ hưu và một số cán bộ chuyên môn không tham gia trong hệ thống y tế Nhà nước, số cán bộ đương chức chỉ tham gia KCB ngoài giờ. Đối với các cơ sở KCB y học cổ truyền, đa số đều có diện tích phòng khám bệnh chật, hoặc còn bố trí chung với sinh hoạt gia đình... Một số cơ sở KCB y học hiện đại chưa bố trí, sắp xếp phòng khám bệnh riêng, người khám bệnh, người phục vụ, trang phục còn đơn giản, chưa đúng quy định. Đặc biệt, các phòng khám, bệnh viện có đủ hồ sơ của cán bộ công nhân viên, nhưng trong hồ sơ còn thiếu quyết định phân công, hợp đồng lao động hoặc giấy khám sức khỏe. Một số phòng khám còn thực hiện ủy quyền về xử lý rác thải y tế, chưa có hợp đồng hỗ trợ chuyên môn của y tế tuyến trên, cơ số thuốc chưa đúng, thuốc thông thường vượt quá cơ số thuốc cấp cứu. Bên cạnh đó, phần lớn các cơ sở KCB đã được cấp giấy phép vẫn còn tồn tại những hình thức kinh doanh, hành nghề tư nhân chưa được cấp giấy phép hoặc chưa đủ điều kiện cấp giấy phép. Nguyên nhân là do việc quản lý hệ thống hành nghề y dược tư nhân chưa được chặt chẽ; các cơ sở kinh doanh, hành nghề quá nhiều trong khi hệ thống cán bộ quản lý y tế địa phương (Phòng Y tế các huyện, thành phố) lại quá ít. Do vậy, vẫn còn tình trạng nhiều cơ sở hành nghề y dược tư nhân chưa được cấp giấy phép vẫn hoạt động lén lút, không kiểm soát được chất lượng KCB.

Để khắc phục thực trạng trên, đối với các cơ sở hành nghề y tư nhân, cần nghiêm túc thực hiện các quy định như: Đăng ký hành nghề, xin cấp, đổi gia hạn Chứng chỉ hành nghề, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khi sắp hết hạn; thực hiện các quy chế chuyên môn, thường xuyên kiểm tra tủ thuốc cấp cứu, hộp thuốc chống sốc, cơ số thuốc, hạn sử dụng...; thực hiện chế độ tự kiểm tra các quy chế, chế độ chuyên môn, cập nhật kiến thức mới, chế độ báo cáo, mối quan hệ với y tế địa phương, y tế công lập và y tế tuyến trên. Đối với các cơ quan quản lý, bên cạnh việc tạo điều kiện trong việc thẩm định, làm thủ tục hồ sơ cần chú trọng công tác thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống y dược tư nhân; Sở Y tế và phòng Y tế các huyện, thành phố, trạm Y tế các xã, phường, thị trấn cần phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý hành nghề y tư nhân cũng như việc khảo sát, thẩm định điều kiện hành nghề, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề… Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiên quyết xử lý các cơ sở KCB không có bằng cấp chuyên môn, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, chứng chỉ hành nghề, chữa bệnh bằng các phương pháp bất thường. Đối với các cơ sở được Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cần phải có quy định đăng ký qua phòng Y tế để quản lý./.

Thu Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com