Nghịch lý giá xăng dầu giảm mạnh, giá các mặt hàng thực phẩm vẫn tăng cao

06:08, 07/08/2022

Trong kỳ điểu chỉnh gần đây, giá xăng dầu trong nước liên tiếp giảm sâu với tổng mức giảm hơn 7.000 đồng/lít. Tuy nhiên, khác với khi giá xăng tăng, mặt bằng giá sinh hoạt lập tức tăng theo. Lần này, khi giá xăng dầu đã giảm sâu liên tiếp giá các mặt hàng thực phẩm, rau xanh tại các chợ truyền thống vẫn giữ ở mức cao.

Xăng giảm nhưng giá thịt lợn vẫn ở mức cao (Ảnh chụp tại một cửa hàng ở thành phố Nam Định).
Xăng giảm nhưng giá thịt lợn vẫn ở mức cao (Ảnh chụp tại một cửa hàng ở thành phố Nam Định).

Khảo sát của phóng viên tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Nam Định cho thấy giá các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá các loại, rau củ quả... vẫn ở mức cao khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống từ 110-160 nghìn đồng/kg tùy loại tăng từ 30-40 nghìn đồng/kg; thịt gà có giá 80-130 nghìn đồng/kg; thịt bò cũng tăng 20-30 nghìn đồng/kg; trứng gà ta 30-40 nghìn đồng/chục quả, tăng 5-7 nghìn đồng/chục. So với thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá những nhóm hàng thực phẩm này không giảm, thậm chí có mặt hàng còn tăng thêm 10-20%. Chị Trần Thị Thủy ở đường Ngô Quyền, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) cho biết: “Mặc dù giá thịt lợn có giảm hơn so với 1 tháng trước nhưng hiện vẫn ở mức cao, như sườn lợn giá 140-160 nghìn đồng/kg, thịt lợn ba chỉ giá 130-140 nghìn đồng/kg. Tính cả với các loại rau, dầu ăn, khí gas… và các chi phí khác thì mỗi ngày chi tiền ăn uống 3 bữa cho 4 người trong gia đình cũng hết 200-300 nghìn đồng. Cộng với tiền xăng xe, chi tiêu cá nhân, thuốc men mỗi tháng cũng hết hơn chục triệu đồng”. Người tiêu dùng “méo mặt”, người kinh doanh cũng chẳng sung sướng gì. Chị Nhàn, một tiểu thương ở chợ Hoàng Ngân, phường Phan Đình Phùng (thành phố Nam Định) cho biết, đi lấy hàng về giá vẫn vậy, không thấy ai nói đến giá xăng giảm, giá hàng hóa phải giảm tương ứng. Theo chị Nhàn, giá hàng hóa do người bán sỉ quyết định. “Bữa chợ được, bữa chợ ế, mình nhìn hàng mà bán thôi chứ không tính toán theo giá xăng lên/xuống được. Nhiều hôm ế hàng còn lỗ chết chứ giảm giá làm sao được hả em” - chị Nhàn cho biết thêm. Nhiều tiểu thương, doanh nghiệp tại Nam Định cho biết, các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa điều chỉnh giá vì còn nghe ngóng tình hình và còn nhiều yếu tố khác.

Xăng giảm nhưng giá thịt lợn vẫn ở mức cao (Ảnh chụp tại một cửa hàng ở thành phố Nam Định) (ảnh trái); Người dân mua sắm nông sản, thực phẩm tại siêu thị Go, thành phố Nam Định (ảnh phải). Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Người dân mua sắm nông sản, thực phẩm tại siêu thị Go, thành phố Nam Định. 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng dầu giảm sâu có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế. Bởi đây là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng, là chi phí đầu vào của hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh. Giảm giá mặt hàng này sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, giảm chi phí trong khâu vận chuyển, như vậy giá thành hàng hóa cũng giảm. Tuy nhiên, trái với mong đợi của người tiêu dùng, thị trường vẫn tồn tại nghịch lý; đó là khi giá xăng tăng, hàng hóa đồng loạt tăng giá theo nhưng khi xăng giảm thì giá hàng hóa vẫn giữ mặt bằng cao và đang tiếp tục leo thang, điển hình là giá thực phẩm liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của bà con. Lý giải về vấn đề này, theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, giá xăng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành của sản phẩm, trong khi mọi thứ đầu vào khác đều tăng giá nên khó có thể giảm giá ngay khi giá xăng giảm. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện tại giá các loại rau, củ, quả nếu so với các loại mặt hàng khác không phải là cao khi thời gian qua giá các loại vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, có mặt hàng phân bón tăng từ 2-3 lần. Các loại rau chính vụ như rau muống, bí xanh, mùng tơi… chỉ cao hơn một chút so với năm trước chứ không phải giá tăng đột biến. Đối với các loại rau đang khan hiếm “cung không đủ cầu” như cà chua, dưa chuột, xà lách… đang có giá bán cao do sản xuất trái vụ, gặp nhiều rủi ro, năng suất thường thấp hơn và đòi hỏi sự đầu tư về kỹ thuật cũng như chi phí sản xuất cao hơn. Với các sản phẩm rau, củ, quả sạch, an toàn hiện đang được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chủ yếu được các cửa hàng kinh doanh nhập tại Đà Lạt và các địa phương khác nên cước vận chuyển cao, tỷ lệ hao hụt cũng nhiều hơn dẫn đến giá bán cao. Theo Giám đốc Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh Nguyễn Trọng Tấn, sở dĩ giá thịt lợn tăng cao do giá thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% cấu thành của thành phẩm thịt lợn hơi. Trong khi đó, từ đầu năm 2021 đến nay thức ăn chăn nuôi 15 lần tăng giá. So với giá cuối năm 2020, đến nay giá thức ăn chăn nuôi đã tăng lên 70-80%. Có một thực tế là giá xăng dầu chỉ quyết định đến cước vận chuyển, trong khi nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu là nhập khẩu, phụ thuộc vào nước ngoài. Với giá thức ăn chăn nuôi hiện tại thì giá thịt lợn hơi phải trên 60 nghìn đồng/kg thì người chăn nuôi mới bắt đầu có lãi. Bên cạnh đó, năm 2021 dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở nhiều nơi, vắc-xin dịch tả lợn châu Phi vẫn đang trong quá trình tiếp tục thử nghiệm; do phải chịu khó khăn kép về sản xuất “lợi nhuận thấp - rủi ro cao” nên người chăn nuôi không mạnh dạn tái đàn. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu hụt thịt lợn cung ứng ra thị trường, từ đó giá cũng bị đẩy lên cao hơn. “Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân chủ động tận dụng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước thay thế được nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn nhằm giảm tối đa giá thành chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi” - anh Tấn cho biết thêm.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cùng rà soát, kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ và tăng giá bất hợp lý. Đối với giá lương thực, thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu sản xuất để ổn định giá cả thị trường. Với mặt hàng thịt lợn, tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện công tác phòng, chống dịch. Tổ chức tái đàn phù hợp, bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu. Đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến người bán cuối cùng trực tiếp cho người tiêu dùng. Làm rõ các bất cập, hạn chế để đề xuất các giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán. Tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn, hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com