Khởi nghiệp từ trà túi lọc dược liệu ở Hải Phương

08:08, 04/08/2022

Không chỉ góp phần bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý của địa phương, anh Trần Ngọc Cầm - Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Dược liệu Hải Hậu tại xóm 2, xã Hải Phương còn là người đầu tiên của huyện Hải Hậu sản xuất trà túi lọc dược liệu như: gừng, đinh lăng, đông trùng hạ thảo, tâm sen…

Vận hành máy đóng túi trà tự động khép kín tại Công ty Cổ phần Dược liệu Hải Hậu ở xã Hải Phương.
Vận hành máy đóng túi trà tự động khép kín tại Công ty Cổ phần Dược liệu Hải Hậu ở xã Hải Phương.

Dẫn chúng tôi tham quan kho, xưởng, anh Cầm cho biết, năm 2018, trở về lập nghiệp tại quê hương, anh nhận thấy đồng đất địa phương rất thích hợp trồng các cây dược liệu quen thuộc của quê hương mà có tác dụng chữa được nhiều bệnh. Các cây dược liệu này vốn được trồng khá phổ biến. Tuy nhiên sản phẩm chỉ được các cơ sở chế biến dược liệu và người dân sơ chế thông thường bằng cách sao khô nguyên cây, nguyên lá và đóng gói sơ sài để bán. Người sử dụng mua về phải rửa sạch, đun sắc khá mất thời gian. Nhiều khách hàng mong muốn có sản phẩm tinh chế hơn, thuận tiện sử dụng. Sau khi tìm hiểu về nhu cầu thị trường, nguồn cung nguyên liệu dồi dào, anh bắt tay ngay vào thực hiện quy trình sản xuất trà túi lọc. Anh liên kết nhận bao tiêu sản phẩm với một số hộ dân trong xã và thành lập Công ty Cổ phần Dược liệu Hải Hậu. Anh tâm sự: “Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của địa phương về dược liệu, tôi mong muốn mở hướng phát triển bền vững với các loại cây dược liệu quý hiếm trên địa bàn huyện. Song từ trước đến giờ, những sản phẩm từ dược liệu chỉ được người dân sơ chế thủ công, phơi nắng và bán với giá khá rẻ. Việc bảo quản các dược liệu khô, thô chỉ được trong thời gian ngắn, dễ ẩm mốc hư hỏng vào mùa mưa nồm, ẩm. Chính vì vậy, tôi mày mò nghiên cứu, xây dựng ý tưởng sử dụng các dược liệu thô từ cây đinh lăng, gừng, sen, đông trùng hạ thảo để chế biến trà túi lọc”. 

Với số vốn đầu tư ban đầu trên 1 tỷ đồng cùng với sự hỗ trợ đắc lực từ các anh em họ hàng hoạt động trong ngành Dược, anh bắt tay vào thực hiện kế hoạch chế biến sâu các loại thảo dược. Công ty đã ký hợp đồng bao tiêu với 10 hộ trồng gừng, đinh lăng, nhân trần, đỗ đen. Nguyên liệu chính để sản xuất trà dược liệu túi lọc là các sản phẩm từ các thảo dược quen thuộc từ hàng nghìn đời nay của cha ông ta để lại như gừng, nhân trần, trinh nữ hoàng cung, đông trùng hạ thảo, đinh lăng, hà thủ ô, đậu đen, cam thảo... Công ty đã xây dựng quy trình sản xuất, giám sát, theo dõi chặt chẽ quá trình sản xuất cũng như thu hoạch, bảo quản tại các hộ dân để có được hàm lượng dược liệu trong nguyên liệu cao nhất. Nguyên liệu khi được sơ chế sạch sẽ, được sấy, sao khô và đem vào máy nghiền nát. Nghiền nguyên liệu theo tiêu chuẩn không được mịn quá và cũng không được thô quá, như vậy nguyên liệu khi đưa vào túi lọc sẽ đảm bảo chất lượng của trà khi đóng gói. Sau đó đóng gói bằng hệ thống tự động, định lượng từ 2-4gram/gói (tùy từng sản phẩm). Các công đoạn đóng gói từ luồn chỉ, đính tem trà được máy tự động đưa vào theo lập trình sẵn cho đến khi cho ra sản phẩm cuối cùng, vì vậy đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trao đổi về quy trình sản xuất trà, anh Cầm khẳng định luôn chú trọng quan tâm đến chất lượng tạo nên uy tín và thương hiệu của Công ty. Đó là dược liệu phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không sử dụng hóa chất, không chất phụ gia và chất bảo quản hay các thành phần khác trong toàn bộ các khâu từ trồng, thu hoạch, sơ chế ban đầu. Quy trình chế biến và đóng gói phải đảm bảo vệ sinh, như vậy mới bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng với mục tiêu đem tinh hoa nhất của dược liệu vào những túi trà. 

Thời gian đầu, Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất các loại túi trà do mỗi loại nguyên liệu lại có phương thức bảo quản và sao chế khác nhau. Không ngại khó, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn về chế biến dược liệu do Đại học Dược Hà Nội tổ chức tại địa phương; đồng thời lặn lội vào tận Đắc Lăk, Đà Lạt, Lai Châu, Sơn La, Thái Nguyên để tìm hiểu kỹ về đặc tính sinh trưởng cũng như dược tính, cách sản xuất từng loại trà riêng biệt. Mất hơn 1 năm ròng rã, anh đã xây dựng quy trình sản xuất riêng với nhiều công đoạn phức tạp cho từng loại trà phù hợp với đồng đất của địa phương đảm bảo các tiêu chuẩn về thực phẩm an toàn của chương trình OCOP. Những đơn hàng trà túi lọc dược liệu của Công ty từng bước được người tiêu dùng lựa chọn bởi kiểu dáng, mẫu mã sang trọng, lịch sự, tiện dụng và hữu hiệu được nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hàng ngày để chăm sóc sức khỏe người dùng. Mỗi dịp Tết cổ truyền, các đơn hàng của Công ty tăng mạnh. Hiện tại, Công ty đang cung ứng ra thị trường 8 sản phẩm trà dược liệu chính gồm: dưỡng phế, ngủ ngon, hồi xuân, tiền liệt thông, nhân trần, hoạt huyết dưỡng não, gừng đen, mát gan. Các sản phẩm đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Anh Cầm cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này của thị trường rất lớn, hiện 100% sản phẩm của cơ sở sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó, với giá cả hợp lý, phù hợp nhu cầu nhiều đối tượng khách hàng, nhất là dân công chức văn phòng và người già. Để mở rộng quy mô sản xuất, đưa sản phẩm vươn ra thị trường cả nước, Công ty đã mở 1 cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội và sẽ tiếp tục liên kết với các hộ dân để mở rộng diện tích trồng dược liệu. Đồng thời, tăng cường đầu tư máy móc, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến để đưa ra thị trường những sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng”. Trà túi lọc dược liệu mang thương hiệu Ogatea hiện đã có mặt tại một số thị trường lớn như Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình và có chỗ đứng tại các siêu thị trên toàn quốc như Co.opmart, Go, được đánh giá cao tại Hội chợ Nông sản sạch, Hội chợ thúc đẩy xúc tiến thương mại đồng bằng sông Hồng… Bình quân mỗi tháng, Công ty tiêu thụ được hơn 1.000 hộp trà dược liệu Ogatea các loại, đem về doanh thu hàng năm từ 500-700 triệu đồng. Công ty giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động và việc làm thời vụ cho 10 lao động với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/ người/tháng.

Từ thành công bước đầu, anh Cầm chia sẻ: “Trước nhu cầu ngày càng lớn, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, Công ty đang có phương án mở rộng, cải tạo nhà xưởng, đầu tư thêm một số trang thiết bị như: máy rửa, máy sấy dược liệu, máy sao, máy đóng gói. Tất cả đều hướng đến mục tiêu: sản phẩm an toàn tuyệt đối, khách hàng có thể dùng lâu dài. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường góp phần tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân trồng dược liệu địa phương”. Với tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, anh Cầm và Công ty Cổ phần Dược liệu Hải Hậu là tấm gương tiêu biểu trong chương trình OCOP của huyện khi biết tận dụng lợi thế địa phương, tạo ra sản phẩm nâng cao giá trị nông sản, đem lại thu nhập khá cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com