Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

08:08, 18/08/2022

Những năm gần đây, cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả khá tích cực và toàn diện, góp phần giải quyết khâu lao động nặng nhọc cho nông dân; đảm bảo tính thời vụ, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản. Từ đó, thúc đẩy quá trình hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, phát triển các dịch vụ: làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản... ở nông thôn; tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Nông dân xã Trực Hùng (Trực Ninh) cơ giới hóa khâu làm đất, phục vụ sản xuất nông sản hàng hóa.
Nông dân xã Trực Hùng (Trực Ninh) cơ giới hóa khâu làm đất, phục vụ sản xuất nông sản hàng hóa.

Để tạo ra sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên đầu tư cơ giới hóa các khâu lao động nặng nhọc trước như làm đất, thu hoạch. Để tạo đòn bẩy thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Ngày 23-6-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 21/2020/QĐ-UBND về việc quy định hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh, trong đó từ năm 2020 trở đi sẽ ưu tiên hỗ trợ mô hình mạ khay, máy cấy và các mô hình cơ giới hóa phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã tập trung hỗ trợ nông dân đầu tư đưa máy móc vào các khâu làm đất, thu hoạch. Đến nay, trong trồng lúa, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt trên 98%, khâu gieo cấy đạt khoảng 20%. Trong chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại đều áp dụng hệ thống chuồng trại khép kín từ cung cấp nước sạch, thức ăn tự động, trong đó 100% cơ sở nuôi lợn quy mô công nghiệp sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con, hệ thống máng ăn, núm uống tự động, hầm biogas. Trong nuôi thủy sản, hầu hết các hộ nuôi theo phương thức quảng canh và bán thâm canh, 100% diện tích nuôi được cơ giới hóa đồng bộ ở các khâu: đào ao, hồ, cung cấp nước, sục khí, chế biến thức ăn…

Là đơn vị phân phối các loại máy nông nghiệp chiếm thị phần lớn tại Nam Định, ông Đỗ Văn Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất xuất nhập khẩu Đức Nam khẳng định: Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Khi đưa các loại máy móc hiện đại vào sản xuất sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và đáp ứng yêu cầu mùa vụ. Từ năm 2021 đến nay, Công ty đã bán ra thị trường hơn 50 chiếc máy gặt đập liên hợp, gần 100 chiếc máy cày, 15 chiếc máy cấy. Điều đó cho thấy, tốc độ cơ giới hóa trong nông nghiệp ở tỉnh Nam Định khá mạnh. Bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư các loại máy có giá trị cao nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu sản xuất trong điều kiện nguồn lao động ở khu vực nông thôn đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất đã và đang được coi là bước đột phá để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hoá. Tuy nhiên mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp có sự chênh lệch về tỷ lệ áp dụng cơ giới giữa các ngành, lĩnh vực sản xuất cây, con hay giữa các khâu trong một loại cây trồng. Cụ thể, trong sản xuất lúa, tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo cấy còn thấp bởi nhiều nguyên nhân: kinh phí đầu tư mua máy cấy khá cao, một số loại máy cấy ngồi lái có giá từ 500-600 triệu đồng, vượt quá khả năng tài chính của nông dân, trong khi ruộng đất sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả đầu tư tài chính không cao; ở một số địa phương, tỷ lệ nông dân gieo sạ còn nhiều. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo cấy và bảo quản nông sản sau thu hoạch còn khá hạn chế. Hàng năm, số lượng máy cấy cung cấp ra thị trường còn khá “khiêm tốn”, chủ yếu là máy cấy dắt tay với công suất nhỏ. Chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi trồng thủy sản theo phương thức quảng canh còn chiếm tỷ lệ lớn nên mức độ trang bị động lực còn thấp... 

Để đưa cơ giới vào sản xuất một cách đồng bộ, hiệu quả, thời gian tới các ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo thuận lợi cho việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư cơ giới hóa sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản theo hướng phù hợp với điều kiện từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi. Phát triển các tổ chức kinh doanh dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp, hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn trong nông nghiệp. Nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp, bảo quản nông sản sau thu hoạch; nhất là cơ giới hóa khâu cấy lên 30%. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được ứng dụng cơ giới hóa và theo nhu cầu thị trường. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho khâu chế biến, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, ổn định mặt hàng. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao; tăng chế biến từ các phụ phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị, cải tạo nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm; có 50% số cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng, thủy sản, muối... sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến. Các sở, ban, ngành, các địa phương cần tập trung hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa khâu gieo cấy, nhất là máy cấy bốn bánh có tốc độ cấy nhanh, có nhiều tính năng bổ sung như bón phân tự động và sử dụng phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm nhân công trong quá trình gieo cấy. Ngoài các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, các doanh nghiệp cung cấp các loại máy nông nghiệp cần quan tâm làm tốt dịch vụ sau bán hàng như giảm giá mua phụ tùng, miễn phí nhân công bảo dưỡng máy… để hỗ trợ khích lệ nông dân đầu tư đẩy mạnh tốc độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com