Hỗ trợ công nhân tiếp cận dịch vụ tài chính tiêu dùng chính thống

08:07, 13/07/2022

Không ít công nhân tại các khu công nghiệp đã sập bẫy những lời mời gọi hấp dẫn như “lãi suất 0%”, “giải ngân nhanh 10 phút” hay “không cần thế chấp” của các hình thức “tín dụng đen”. Vì thế, thời gian qua, các ngành chức năng, ngân hàng đã tích cực vào cuộc bằng các giải pháp thiết thực hỗ trợ công nhân tiếp cận với các dịch vụ tiêu dùng tài chính chính thống.

Một xưởng sản xuất chăn ga tại Công ty CP May Sông Hồng ở xã Hải Phương (Hải Hậu).
Một xưởng sản xuất chăn ga tại Công ty CP May Sông Hồng ở xã Hải Phương (Hải Hậu).

Quanh các xóm trọ gần các khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều công nhân lao động, nhan nhản các tờ rơi, quảng cáo dán trên tường có nội dung “Cho vay lãi suất thấp”, “Trả góp lãi suất 0%” hay “Vay tiền không cần thế chấp”… Không chỉ cho vay trực tiếp, “tín dụng đen” hiện nay còn nở rộ khi núp bóng các ứng dụng vay tiền trực tuyến. Thủ tục vay vô cùng đơn giản, chỉ cần ảnh chụp chứng minh thư của người vay là được giải ngân ngay một khoản tiền với những lời quảng cáo “có cánh” mà không cần gặp mặt hay ký kết bất kỳ giấy tờ vay nợ nào. Một số công nhân đã rơi vào bẫy tín dụng đen do gia đình gặp khó khăn đột xuất như con đau ốm, cần tiền đóng học cho con, trả tiền thuê nhà. Ngoài ra, nhiều công nhân trẻ chưa có kế hoạch chi tiêu hợp lý, thậm chí sa vào tệ nạn lô đề, cờ bạc. Trong khi đó, thu nhập bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào tăng ca cùng hàng loạt khoản chi phí cho gia đình, con cái khiến những người công nhân, nhất là những công nhân ngoại tỉnh, đã dính phải bẫy “tín dụng đen” và chìm trong vòng xoáy nợ nần (vì là người ngoại tỉnh, không có hộ khẩu, không có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thống). Nếu không thanh toán được tiền gốc trong thời hạn cam kết thì số tiền sẽ ngày càng nhân lên, lãi mẹ đẻ lãi con khiến lãi suất thực sự có thể lên tới 90-100% mỗi tháng. Khi quá hạn trả nợ, công nhân vay bị chủ nợ hăm dọa, hoặc với hình thức vay trực tuyến là nhắn tin, gọi điện “khủng bố” tinh thần, thậm chí uy hiếp cả gia đình, bạn bè. Trước khi cho vay, các ứng dụng trực tuyến thường duyệt hồ sơ bằng cách yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, nơi làm việc cũng như yêu cầu quyền truy cập danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện… để thuận tiện cho việc đòi nợ. Khi công nhân chậm trả lãi hay không thanh toán sẽ lập tức nhắn tin gọi điện đòi nợ đồng thời cả công nhân và người thân với tần suất hàng trăm cuộc mỗi ngày, thậm chí đăng ảnh và bài viết xúc phạm lên mạng xã hội để đe dọa, gây áp lực về tinh thần, bất ổn trật tự xã hội. “Vay 10 triệu nhưng thực tế chỉ cầm về 9 triệu, 1 triệu là tiền lãi trong vòng 20 ngày. Chậm trả thì tính phạt một ngày 500 nghìn đồng, 15 ngày mà không đóng tiền thì lại đóng lại từ đầu”, một công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Hoà Xá cho biết. Không những đòi nợ táo tợn, các đối tượng kinh doanh tín dụng đen còn mạo danh nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính để đòi nợ một cách công khai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín các tổ chức tài chính truyền thống và làm nhiễu loạn thị trường tài chính tiêu dùng. Nghiêm trọng hơn là sự mất lòng tin của người dân, gây nhầm lẫn giữa cho vay tiêu dùng chính thống và “tín dụng đen”, đồng thời cứ nhắc đến “khủng bố đòi nợ” thì một số công nhân đều lầm tưởng đó là của các công ty tài chính.

Theo các chuyên gia tài chính, những hình thức cho vay nặng lãi có thể tồn tại và hoành hành vì đánh trúng tâm lý công nhân thường gặp khó khăn về tài chính và cần tiền ngay để xử lý công việc gấp. Việc tiếp cận vay vốn ngân hàng phải qua nhiều quy trình, ngược lại vay tín dụng đen thủ tục đơn giản và rất nhanh có tiền. Thêm vào đó, hiện nay nhiều ngân hàng chưa có phòng giao dịch tại các khu công nghiệp, do đó công nhân càng khó tiếp cận với thông tin về các gói tín dụng ưu đãi phù hợp, thiếu kinh nghiệm khi đối phó với các hình thức biến tướng của tín dụng đen. Ngoài ra, đa phần số công nhân hiểu biết về công nghệ và kiến thức tài chính chưa cao nên càng dễ bị rơi vào bẫy tín dụng đen. Đặc biệt là trong bối cảnh các ứng dụng cho vay trực tuyến xuất hiện tràn lan và khó kiểm soát, khiến khách hàng không thể phân biệt ứng dụng cho vay chính thống và các ứng dụng cho vay tiền núp bóng tín dụng đen.

Để ngăn chặn “tín dụng đen” len lỏi vào đời sống công nhân, về phía các ngân hàng đã tích cực tung ra các gói tín dụng tiêu dùng phù hợp, cho vay thấu chi không cần tài sản đảm bảo, giải ngân các gói vay tiêu dùng trực tuyến với hạn mức phù hợp thông thường từ 50 triệu đồng trở xuống tuỳ thuộc vào điều kiện của công nhân. Ngoài ra, các ngân hàng cũng ký kết chương trình hợp tác với các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp cung cấp các dịch vụ tài chính hiện đại, đơn giản như trả lương qua tài khoản, thanh toán không dùng tiền mặt các nhu cầu thiết yếu như: tiền điện, nước, cước viễn thông; cho vay trả góp hoặc thẻ rút tiền mặt khẩn cấp. Các chương trình ký kết này nhằm đưa các hoạt động hỗ trợ tài chính xuống tận cơ sở, đến được với đoàn viên, người lao động hiệu quả, thiết thực nhất, giúp công nhân kịp thời giải quyết những khó khăn, áp lực trong cuộc sống để yên tâm làm việc. Ngoài ra, các ngân hàng cũng tích cực phối hợp với các công ty, các cấp công đoàn trong tỉnh từng bước đẩy mạnh truyền thông, giáo dục kiến thức tài chính tiêu dùng trong cộng đồng, nhằm tạo điều kiện tiếp cận của công nhân nói riêng tới nguồn tín dụng an toàn chính thống, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Cùng với đó, tạo điều kiện cho công nhân tiếp cận với các gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi như Quỹ “Vì nữ công nhân lao động nghèo” có dư nợ là 1,487 tỷ đồng với 151 công nhân còn dư nợ, hỗ trợ công nhân tiếp cận gói nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh và các gói tín dụng tiêu dùng ưu đãi khác của hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh… Về giải pháp lâu dài, Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp cũng tích cực đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền cho công nhân, lao động hiểu được mối nguy hại từ việc cho vay nặng lãi bên ngoài; đồng thời, khuyến cáo công nhân tiếp cận Quỹ Công đoàn để có thể hỗ trợ tiếp cận vay ngân hàng lãi suất thấp. Tuyên truyền trên hệ thống bảng tin, phát thanh nội bộ công ty về kiến thức tài chính cá nhân cho công nhân, hướng dẫn các cách chi tiêu hợp lý và cách xử lý tình huống xấu khi bị đối tượng tín dụng đen đòi nợ.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hơn 2 năm qua ảnh hưởng lớn đến đời sống và việc làm của công nhân lao động; đến nay lại thêm, giá xăng và các loại mặt hàng tăng giá từng ngày khiến cuộc sống của người lao động trở nên khó khăn. Nhu cầu bức thiết về gói tín dụng dành cho công nhân lao động với các quy định vay nhanh gọn là cần thiết hơn bao giờ hết; giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch, đồng thời, giúp người lao động trụ vững tránh xa bẫy “tín dụng đen”./.

Bài và ảnh: Đức Toàn


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com