Phát triển kinh tế biển ở Giao Hải

08:06, 21/06/2022

Xã Giao Hải (Giao Thủy) có 1,8km bờ biển và vùng bãi triều rộng gần 600ha, trong đó có hơn 200ha bãi bồi. Tận dụng tiềm năng, thế mạnh, người dân nơi đây đã đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản. Năm 2021, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản của xã đạt gần 9.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản hơn 6.000 tấn, nuôi trồng thủy sản hơn 3.000 tấn (hơn 600 tấn cá nước ngọt, hơn 2.000 tấn ngao).

Người dân đang mua, bán hải sản tại bến cá Giao Hải.
Người dân đang mua, bán hải sản tại bến cá Giao Hải.

Hiện xã xây dựng vùng nuôi thủy sản nội đồng tập trung rộng 42ha với 37 hộ dân tham gia. Nhiều hộ dân nuôi cá truyền thống đạt hiệu quả kinh tế cao như hộ ông: Mai Văn Nam, Nguyễn Quốc Khánh… Hộ ông Mai Văn Nam có hơn 2ha nuôi cá truyền thống. Ông đầu tư cải tạo hút bùn đáy, xây dựng lại bờ ao, tu sửa bờ cống cấp thoát nước, phủ bạt quanh sườn ao để ngăn cá rúc làm sạt lở bờ, đầu tư máy sục khí, máy cấp nước... Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ông còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về nuôi thủy sản nước ngọt do xã, huyện và một số cơ quan chức năng khác tổ chức. Vừa nuôi cá, ông Nam còn kết hợp nuôi lợn trên bờ để có thêm nguồn thu; trung bình mỗi năm gia đình ông thu lãi 200 triệu đồng từ nuôi cá, lợn. Bên cạnh nuôi thủy sản nội đồng, xã còn duy trì và phát triển gần 200ha nuôi ngao ven biển. Anh Phan Văn Thịnh có hơn 10ha nuôi ngao chia sẻ: “Nuôi ngao như “đánh bạc với trời”. Nếu thuận lợi, nuôi ngao lãi rất cao, có vụ lãi gấp 2 đến 3 lần so với vốn đầu tư. Tuy nhiên, chỉ một cơn bão to đi qua, hay một đợt dịch bệnh kéo dài là nhiều hộ có thể trắng tay”.

Bên cạnh nuôi trồng, khai thác thủy hải sản cũng là nghề truyền thống, thế mạnh của xã Giao Hải. Hiện đội tàu của xã khá phát triển với 157 tàu thuyền khai thác thuỷ hải sản, trong đó có 152 tàu khai thác gần bờ đi về trong ngày và 5 tàu đánh bắt xa bờ. Các ngư dân khai thác gần bờ cho biết: Trung bình mỗi chuyến đi biển kéo dài khoảng 12 tiếng, thu nhập khoảng 7-9 triệu đồng, trừ những ngày vào mùa mực, mùa sứa thì lượng đánh bắt được nhiều hơn. Số phương tiện đánh bắt nhiều thêm, lượng hải sản khai thác mỗi ngày cũng tăng lên với đa dạng sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ phát triển nghề đánh bắt, chợ cá Giao Hải đã được đầu tư xây dựng hoạt động tấp nập, giúp tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động với thu nhập trung bình 300-400 nghìn đồng/người/ngày. Không chỉ nghề đánh bắt, nghề nuôi thủy sản phát triển mà chế biến thủy, hải sản tại địa phương cũng ngày càng phát triển với các sản phẩm chủ yếu là cá mai khô, tôm khô, tép khô, sứa, nước mắm, mắm tôm… Toàn xã hiện có 37 cơ sở chế biến thủy, hải sản hoạt động ổn định, đem lại thu nhập cao như cơ sở của ông: Nguyễn Hùng Vương, Trần Trung Trực, Nguyễn Văn Trường… Cơ sở của ông Trần Trung Trực chuyên thu mua hải sản tươi sống, chế biến nước mắm, mắm tôm, sứa biển. Mỗi năm, cơ sở của ông Trực thu mua khoảng 100 tấn tôm, 200 tấn cá, gần 2.000 tấn sứa ướp mặn cung cấp cho thị trường và khoảng 30 tấn nguyên liệu đầu vào để chế biến nước mắm, mắm tôm. Các sản phẩm nước mắm, mắm tôm được ông Trực đăng ký thương hiệu từ năm 2011, được tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình… Doanh thu hàng năm của gia đình ông ước đạt trên 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Thời điểm này đang là mùa sứa, số lao động mùa vụ tăng lên khoảng 30-40 người. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế biển ở xã Giao Hải vẫn đang gặp phải nhiều thách thức do thị trường tiêu thụ chưa thực sự ổn định, giá nhiên liệu, vật tư tăng cao. Trước kia, một tàu khai thác gần bờ mỗi chuyến sẽ phải đổ khoảng 240 lít dầu, tương đương hơn 2 triệu đồng. Thời gian gần đây, giá xăng, dầu lên cao, trung bình mỗi chuyến biển gần bờ, ngư dân phải chi hơn 4 triệu đồng để mua nhiên liệu. Trong khi đó, giá thủy, hải sản khai thác được vẫn giữ mức giá cũ, không tăng lên. Đồng chí Nguyễn Bách Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Giao Hải cho biết: Để kinh tế biển ngày càng phát triển, trở thành mũi nhọn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian tới, thực hiện sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con ngư dân chuyển đổi, cải hoán phương tiện công suất lớn hơn vươn khơi khai thác, mang lại nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển. Bên cạnh đó, xã cũng tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ chế biến thủy sản tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Năm 2022, xã Giao Hải phấn đấu tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 9.000 tấn với tổng giá trị ước đạt là 159,2 tỷ đồng./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com