Vai trò nông dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Nghĩa Hưng

08:06, 21/06/2022

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, thời gian qua cán bộ, hội viên nông dân huyện Nghĩa Hưng đã tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm cho cảnh quan môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, kết cấu hạ tầng ngày càng khang trang.

Nông thôn mới xã Nghĩa Sơn.
Nông thôn mới xã Nghĩa Sơn.

Các cấp Hội Nông dân (HND) trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM bằng nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đóng góp công sức, tiền của xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng, điện chiếu sáng, nhà văn hoá xóm, tổ dân phố; tham gia vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm, chỉnh trang khuôn viên gia đình sáng - xanh - sạch - đẹp. Để cải thiện, nâng cao đời sống người dân nông thôn, các cấp HND trong huyện đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Các xã: Nghĩa Bình, Nghĩa Phú, Nghĩa Tân và thị trấn Rạng Đông duy trì hoạt động thường xuyên Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. Năm 2021, toàn huyện có trên 26 nghìn hộ nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều hội viên tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi như hộ ông Nguyễn Văn Thỉnh, thị trấn Quỹ Nhất nuôi cá chạch đồng kết hợp chế biến “Cá chạch kho niêu” được công nhận là sản phẩm OCOP, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động. Hộ ông Hoàng Văn Minh, thị trấn Rạng Đông nuôi tôm, sản xuất giống cá bớp, trồng cây đinh lăng hàng năm thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 5-6 lao động có thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Hộ ông Đoàn Văn Tiên, xã Nghĩa Hải chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, tổ chức tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, sử dụng thức ăn trong chăn nuôi, hỗ trợ gà giống cho hội viên khác. Hộ ông Trần Văn Đoàn, xã Nghĩa Bình nuôi tôm trừ chi phí thu lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm…  Các cấp Hội còn quyên góp tiền, tặng 1.500 con giống giúp đỡ 32 hội viên nghèo; ủng hộ Quỹ “Mái ấm nông dân” trên 105 triệu đồng; vận động mỗi chi hội giúp từ 1-3 hộ thoát nghèo...

Thực hiện tiêu chí môi trường, các Hội cơ sở cũng đã vận động hội viên thu gom, phân loại, xử lý rác thải mềm tại hộ gia đình; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng; vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống thoát nước; đảm nhận trồng, bảo vệ, chăm sóc tuyến đường hoa, hàng cây do HND tự quản. Đặc biệt, mô hình phân loại rác sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tiếp tục được duy trì, nhân rộng đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường; trang bị cho hội viên nông dân các kiến thức, kỹ năng về phân loại, xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón. Đến nay, toàn huyện có 14 đơn vị có mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”. Ngoài ra, các cấp HND trong huyện còn phát động cán bộ, hội viên hưởng ứng phong trào cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2021, HND xã Nam Điền phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm trồng mới 130 chậu hoa giấy tại Nghĩa Hải trên tuyến đường dài 1.200m trị giá 75 triệu đồng, xây dựng mới mô hình trồng 2 sào cây hồng xiêm, bưởi Diễn cho 1 hộ hội viên, trồng 40 cây cau tại tổ dân phố 5 của thị trấn Rạng Đông. Đặc biệt, để đảm bảo môi trường trong phát triển sản xuất, các cấp HND trong huyện luôn chú trọng tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất theo hướng an toàn, sử dụng các loại chế phẩm sinh học, chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học… trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Năm 2021, các cấp HND trong huyện đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, ban nông nghiệp xã tổ chức 65 lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc lúa, cây trồng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho 9.500 lượt  hội viên. Nhiều xã, thị trấn đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho các hộ nông dân có nhu cầu mở rộng diện tích trang trại, đồng thời thuận tiện cho quy hoạch hệ thống xử lý nước thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các gia trại, trang trại chăn nuôi thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường thông qua việc xử lý chất thải bằng hầm biogas và phun các hóa chất khử trùng thường xuyên. Nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tạo ra nguồn sản phẩm sạch, an toàn, được thị trường tin tưởng lựa chọn như hộ anh Trần Văn Khá, thị trấn Quỹ Nhất với mô hình trồng cà chua, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột baby Hà Lan theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà kính với hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt tiết kiệm nước của Israel. Trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, 100% chi hội trong huyện còn tổ chức cho 39.326 hộ nông dân đăng ký gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn văn hoá; vận động cán bộ, hội viên gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. 100% thôn xóm và các dòng họ đã xây dựng được hương ước, quỹ khuyến học để giáo dục, động viên con cháu chăm ngoan học giỏi. Năm 2021 toàn huyện có 293 làng, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hoá. 

Các hoạt động thiết thực của cán bộ, hội viên nông dân trong huyện Nghĩa Hưng đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương, nâng cao đời sống người dân nông thôn. Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; trong đó chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, thân thiện với môi trường; chỉnh trang khuôn viên gia đình khang trang, sạch đẹp; nhân rộng mô hình thu gom, phân loại, xử lỷ rác hữu cơ tại gia đình; thu gom vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn./. 

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com