Phát triển kinh tế sinh vật cảnh ở Xuân Kiên

08:12, 17/12/2021

Hội Sinh vật cảnh (SVC) xã Xuân Kiên (Xuân Trường) thành lập năm 2006 có 13 chi hội với tổng số 65 hội viên; trong đó có 1 nghệ nhân SVC Việt Nam và 1 nghệ nhân SVC tỉnh. Để nâng cao chất lượng hoạt động, những năm qua, Hội SVC xã thường xuyên tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của SVC trong phát triển kinh tế. Việc phát triển kinh tế SVC không chỉ góp phần làm xanh - sạch - đẹp cảnh quan môi trường, xây dựng nông thôn mới mà còn mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình, cải thiện đời sống người dân.

Nghệ nhân sinh vật cảnh Phạm Hồng Thái, xóm 14 chăm sóc cây sanh dáng “ngũ lão giáng đình”.
Nghệ nhân sinh vật cảnh Phạm Hồng Thái, xóm 14 chăm sóc cây sanh dáng “ngũ lão giáng đình”.

Từ năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc phát triển kinh tế SVC gặp nhiều khó khăn về sản xuất, doanh thu, thị trường tiêu thụ... Hội SVC xã Xuân Kiên đã định hướng kịp thời cho hội viên trong quá trình phát triển sản xuất, tổ chức tiêu thụ, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm. Để đảm bảo thu nhập theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, cùng với việc tạo hình các sản phẩm cây cảnh, cây thế, cây bon sai theo lối cổ, lối mới phù hợp nhu cầu của thị trường, nhiều hội viên đã tích cực chuyển đổi sang trồng các loại cây trang trí, hoa, cây bóng mát, cây ăn quả... Hội SVC xã đã đẩy mạnh giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội viên, các vùng miền; tranh thủ sự ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, phối hợp với Trung tâm GDTX-GDNN huyện mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho hội viên nhằm tạo ra nhiều tác phẩm cây cảnh đẹp, có giá trị.

Nghệ nhân SVC Phạm Hồng Thái ở xóm 14 nổi tiếng trong và ngoài tỉnh bởi ông là tác giả của nhiều sản phẩm cây cảnh nghệ thuật có trị giá từ vài chục triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Ngoài danh hiệu nghệ nhân SVC Việt Nam do Trung ương Hội SVC phong tặng năm 2015, ông còn được huyện Xuân Trường công nhận nghệ nhân tài năng. Ông Thái cho biết: “Gắn bó với nghề trồng các loại hoa: cúc, đào, vạn tuế… từ hàng chục năm trước, khi nhận thấy thu nhập từ trồng hoa không cao, năm 1990, tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng hoa sang trồng các loại cây cảnh nghệ thuật. Ban đầu tôi tự tham khảo tài liệu sách, báo viết về cây cảnh và dành nhiều thời gian tìm về làng nghề cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) để học hỏi kỹ thuật cắt tỉa, chăm sóc, uốn cây từ các nghệ nhân kinh nghiệm”. Với bản tính cần cù, chịu khó nên chỉ sau một thời gian ngắn, ông Thái đã nhanh chóng khẳng định được tay nghề qua các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật sáng tạo, độc đáo. Đến nay, ông đã có hàng chục tác phẩm cây cảnh tham gia các cuộc triển lãm SVC ở các tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Dương, Thái Bình…; trong đó, có hơn 20 tác phẩm cây cảnh giành giải thưởng với 15 giải Vàng. Năm 2007, cây sanh Nam Điền trên 80 năm tuổi dáng “long hóa thạch” là tác phẩm đầu tay của ông giành giải Vàng ngay lần đầu tham dự Triển lãm SVC tỉnh. Năm 2010, 2 tác phẩm cây sanh dáng “lão mai” và “phượng vũ” có tuổi đời trên 70 năm giành giải cao tại Triển lãm SVC nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tham gia Triển lãm SVC Việt Nam năm 2018 tại Hà Nội, bộ đôi cây sanh dáng “long” có tuổi đời trên 50 năm của ông giành giải Vàng và lọt vào top 100 cây đẹp nhất triển lãm. Trải qua nhiều thăng trầm cùng nghề, đến nay, gia đình ông Thái đã có một cơ ngơi đồ sộ với 3 nhà vườn tại xã Xuân Kiên và các tỉnh: Hải Dương, Vĩnh Phúc với tổng diện tích trên 3.600m2, hơn 3.000 cây cảnh nghệ thuật các loại: sanh, tùng, lộc vừng, hoa lan… Doanh thu từ nghề trồng cây cảnh của ông Thái mỗi năm từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông Thái còn tích cực tham gia nhiều hoạt động của Hội SVC huyện, tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, ông tham gia giảng dạy 22 lớp trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh, cây bon sai, cây thế cho 800 hội viên. Nghệ nhân SVC cấp tỉnh Phạm Văn Thắng ở xóm 14 đến với SVC từ năm 2006. Vừa làm, vừa học kinh nghiệm từ người cha - nghệ nhân SVC Phạm Hồng Thái, đến nay anh Thắng sở hữu 3 nhà vườn, quy mô 15 nghìn m2 với tổng số hơn 4.000 cây cảnh dáng “long lão”, “ngũ lão giáng đình”, “phụ tử”, “long giáng”, “trực quân tử”…; trong đó có hàng trăm cây hội tụ đầy đủ yếu tố “cổ, kỳ, mỹ”. Với đôi bàn tay tài hoa và niềm đam mê, các tác phẩm cây cảnh của anh Thắng được khách hàng đánh giá cao và nhiều lần tham gia trưng bày Triển lãm SVC tỉnh và khu vực.

Xã Xuân Kiên hiện có khoảng 15ha đất màu để trồng cây cảnh; trong đó xóm 8 và xóm 16 có tới 80% diện tích đất dành cho trồng cây cảnh; tổng thu nhập từ SVC toàn xã đạt trên 5 tỷ đồng/năm. Cùng với việc mở rộng diện tích trồng cây cảnh, Hội SVC xã đẩy mạnh đào tạo, truyền nghề cho hội viên, tích cực vận động người dân các xóm tận dụng diện tích đất xấu, đất bỏ hoang để trồng cây cảnh, cây thế cho thu nhập cao. Từ năm 2006 đến nay, Hội SVC xã đã tổ chức 15 buổi hội thảo về trồng, chăm sóc cây cảnh cho các chi hội cây cảnh trong xã. Bên cạnh đó, hàng năm, Hội SVC xã còn tổ chức các cuộc giao lưu kinh nghiệm với Hội SVC các địa phương khác nhằm bổ sung kỹ thuật và kiến thức thị trường SVC. Cùng với phát triển kinh tế, Hội SVC xã Xuân Kiên thực hiện tốt việc tặng, trồng cây cảnh khuôn viên các công sở, nhà văn hóa, trường học, nghĩa trang liệt sĩ, đường giao thông, đình, chùa, nhà thờ... làm đẹp môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp - góp phần thay đổi diện mạo quê hương trong xây dựng nông thôn mới.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới Hội SVC xã Xuân Kiên tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức về xây dựng tổ chức hội. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về kinh tế SVC, nhất là chủ trương đưa SVC trở thành ngành kinh tế, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên, nhân dân. Tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo, mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời làm tốt công tác đào tạo nghề, truyền nghề cho hội viên, đưa phong trào SVC địa phương ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com