Trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

06:10, 15/10/2021

Những năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các cấp Công đoàn trong tỉnh triển khai đến đông đảo công nhân, viên chức, lao động, nhất là lực lượng công nhân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có sáng kiến tiêu biểu trong lao động, sản xuất giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống công nhân lao động.

Anh Lại Văn Hòa, Trưởng nhóm Quản lý thiết bị, Công ty Cổ phần Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy với sáng kiến “Chế tạo máy cắt chun -  vạch dấu ứng dụng trong hoạt động sản xuất của công ty”.
Anh Lại Văn Hòa, Trưởng nhóm Quản lý thiết bị, Công ty Cổ phần Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy với sáng kiến “Chế tạo máy cắt chun - vạch dấu ứng dụng trong hoạt động sản xuất của công ty”.

Anh Lại Văn Hòa, Trưởng nhóm Quản lý thiết bị, Công ty Cổ phần Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy có sáng kiến “Chế tạo máy cắt chun - vạch dấu ứng dụng trong hoạt động sản xuất của công ty” giúp doanh nghiệp làm lợi thêm gần 1,3 tỷ đồng/năm. Anh Hòa cho biết, trong lĩnh vực may mặc, cắt dây chun và vạch dấu là công đoạn sử dụng nhiều lao động diễn ra liên tục với sản lượng lớn. Trước đây, người lao động thực hiện công việc thủ công bằng kéo, cụ thể quy trình thao tác: kéo chun đến điểm đo, cắt chun thủ công bằng kéo, sau đó đưa chun đã cắt vào cữ gá dùng bút đánh dấu các vị trí để nhận biết. Để đáp ứng yêu cầu, dây chuyền sản xuất phải cần đến 5 lao động thực hiện công đoạn này; khi thao tác mất nhiều sức khi phải cầm kéo cắt liên tục nhưng hiệu suất vẫn thấp. Từ thực tế sản xuất, anh Hòa đã nghiên cứu áp dụng công nghệ điều khiển điện - khí nén để chế tạo thiết bị cắt chun - vạch dấu giúp công việc của người lao động đơn giản hơn, năng suất nâng cao. Hiện sáng kiến đang được áp dụng rộng rãi tại 3 xưởng may của Công ty Cổ phần Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy. Năm 2021, anh Lại Văn Hòa được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tặng Bằng khen.

Sáng kiến “Cải tiến quy trình đóng áo sơ mi vào thùng cát tông để tránh nhầm lẫn và sai sót khi xuất khẩu hàng đi nước ngoài” của anh Nguyễn Hoàng Long, quản lý bộ phận hoàn thành, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Smart-Shirts Garment Manufacturing Bảo Minh (Vụ Bản) có ý nghĩa thiết thực. Trước đây mỗi khi sản xuất và đóng một đơn hàng để xuất đi nước ngoài phải cần nhiều người và qua nhiều công đoạn. Bộ phận đóng thùng có khoảng 30 người để phân loại áo, xếp từng size vào các thùng nhựa chuyên dụng, sau đó lấy từng áo đưa lên máy và máy sẽ scan mã vạch từng sản phẩm rồi mới cho vào thùng cát tông sau đó máy sẽ in nhãn mác để dán lên thùng. Làm theo cách này tốn nhiều nhân công và năng suất lao động thấp. Từ thực trạng trên, anh Long đã áp dụng sáng kiến khi đóng đơn hàng, công nhân không quét mã vạch trên từng áo như quy trình cũ mà sẽ đóng trước đủ số áo trong thùng cát tông. Khi đưa lên, máy sẽ nhận dạng và quét toàn bộ mã vạch của các áo trong thùng bằng phần mềm nhận dạng mã vạch do anh phải cải tiến lại từ phần mềm cũ. Với cách làm này, chỉ cần 1 người làm trực tiếp trên máy và rút gọn số người làm các công đoạn khác, vừa tiết kiệm được nhân công, vừa tăng sản lượng. Ngay sau khi đưa phương pháp mới vào, năng suất lao động được cải thiện rõ rệt, không bị ùn ứ hàng hóa, đáp ứng tiến độ xuất hàng. Về hiệu quả kinh tế, trước khi chưa đưa sáng kiến cải tiến vào thì mất 30 người/ngày chỉ được 10 nghìn sản phẩm. Sau khi đưa cải tiến vào sản xuất thì chỉ mất 15 người/ngày được 15 nghìn sản phẩm làm lợi về cho công ty trên 1,2 tỷ đồng/năm.

Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đoàn viên công đoàn, công nhân lao động đã góp phần hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Để động viên công nhân lao động áp dụng sáng kiến cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, LĐLĐ tỉnh đã khen thưởng kịp thời và đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen... Hưởng ứng chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, có 481 công nhân lao động tham gia, trong đó có 263 sáng kiến được ban tổ chức thông qua. Hội đồng khen thưởng LĐLĐ tỉnh đã xét duyệt, lựa chọn 4 sáng kiến tiêu biểu đề nghị công nhận sáng kiến cấp Tổng LĐLĐ Việt Nam. Bên cạnh đó, để khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của công nhân lao động, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã vận động công nhân lao động tích cực học tập, rèn luyện kỹ năng tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó mỗi năm có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất.

Thời gian tới, các cấp Công đoàn trong tỉnh tiếp tục phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức giúp công nhân lao động làm chủ quy trình sản xuất, tiếp cận với ứng dụng và kỹ thuật mới nhằm nâng cao tính sáng tạo trong công việc. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều gương công nhân lao động tiêu biểu say mê lao động, sáng tạo, tận tụy, tâm huyết với công việc được giao./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com