Qua 1 năm thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

08:10, 18/10/2021

Triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 3-9-2020 của UBND tỉnh, ngành Ngân hàng đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp và bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.

Người dân quét mã QR Code của Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Nam Định để thanh toán mua sắm.
Người dân quét mã QR Code của Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Nam Định để thanh toán mua sắm.

Kết quả bước đầu

Ngành Ngân hàng đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của tài chính toàn diện vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh tỉnh tập trung thực hiện nghiêm chính sách tiền tệ, tín dụng đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, góp phần hạn chế tín dụng đen; tiếp tục mở rộng thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công theo Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 7-1-2019 của UBND tỉnh, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tiếp vốn để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu. Tổng số vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 3.690 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách 19,8%, vốn tín dụng 62,6%, vốn cộng đồng dân cư 8,9%, vốn lồng ghép 3,8%, vốn doanh nghiệp 3,5% và vốn khác 1,4%. Công tác huy động tổng hợp các nguồn lực đã góp phần quan trọng trong kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và chương trình OCOP năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 78 xã, thị trấn đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 65 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2020. Hiện đã có 357 thôn, xóm, tổ dân phố đã được UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Năm 2020, toàn tỉnh có 146 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao (vượt 46% so với chỉ tiêu kế hoạch); 10/10 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP. Dự kiến năm 2021, toàn tỉnh tiếp tục có trên 80 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Cùng với đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của tài chính toàn diện đến các cơ quan quản lý Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, trường học, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, người dân và doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp; có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng; công khai quy trình khiếu nại, tranh chấp cho các đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng; dịch vụ ATM; hoạt động thanh toán qua ngân hàng đảm bảo thông suốt, chính xác và an toàn, không có sự cố nổi cộm xảy ra; các thắc mắc, khiếu nại luôn được giải đáp, xử lý một cách nhanh nhất, tạo được niềm tin cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng. Tích cực phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục cho vay, nâng cao năng lực thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay nhằm gia tăng mức độ sẵn có, đa dạng về dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng.

Để người dân thuận tiện trong tiếp cận với dịch vụ tài chính, các tổ chức tín dụng đã tăng cường đầu tư, mở rộng hệ thống các điểm giao dịch, hạ tầng dịch vụ tiện ích ngân hàng. Đến nay, toàn tỉnh có 22 chi nhánh tổ chức tín dụng cấp I, 42 Quỹ tín dụng nhân dân, 14 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp II, 4 đơn vị tổ chức tài chính vi mô, 113 phòng giao dịch, 215 ATM và 401 điểm chấp nhận thẻ POS. Các tổ chức tín dụng đã tích cực mở rộng mạng lưới hoạt động, đặc biệt là phát triển về khu vực nông thôn. Với trên 800 điểm giao dịch ngân hàng, bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có trên 3,5 điểm giao dịch ngân hàng, cơ bản đã đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng của người dân trên địa bàn tỉnh. Các dịch vụ tài chính về thanh toán và chất lượng dịch vụ không ngừng được các tổ chức tín dụng nâng cấp, phát triển phù hợp với xu thế chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Công tác thanh toán không dùng tiền mặt được ngành ngân hàng đẩy mạnh trên cơ sở ứng dụng rộng rãi các sản phẩm, phương thức thanh toán mới, hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (tokenization), thanh toán di động (mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc (contactless); hỗ trợ khách hàng mở tài khoản, thẻ ATM thông qua định danh điện tử (eKyc) và mở rộng trả lương, thu nhập qua tài khoản; tiếp cận các đơn vị cung ứng dịch vụ công như Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước Nam Định triển khai quy trình, thủ tục đăng ký, hướng dẫn thanh toán trực tuyến các dịch vụ công qua ngân hàng đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện để cán bộ, công chức, người lao động đang nhận lương qua tài khoản dễ dàng sử dụng, dần hướng tới các khách hàng không có tài khoản ngân hàng. Đến nay, 1.206 đơn vị (đạt 98,8%) hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đã trả lương qua tài khoản. Có 262 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện trả lương qua tài khoản với 147.788 tài khoản. Đẩy mạnh phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan tỉnh thực hiện thu thuế điện tử; tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử đạt 98%, tỷ lệ số tiền nộp thuế điện tử đạt 99% (riêng địa bàn thành phố Nam Định đạt 99,8%). Phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai thu học phí, viện phí qua ngân hàng và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Đến nay, đã có nhiều trường học áp dụng dịch vụ thanh toán tiền học phí qua ngân hàng; đã ký kết hợp đồng triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt với 2 bệnh viện. 

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, theo NHNN Chi nhánh tỉnh, việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, siêu nhỏ, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp nên còn gặp nhiều khó khăn tiếp cận vốn tín dụng. Tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán còn thấp do thói quen dùng tiền mặt còn khá phổ biến. Việc triển khai thanh toán học phí, viện phí qua ngân hàng còn chậm do nhiều trường học, bệnh viện chưa có hạ tầng kỹ thuật số, phần mềm và dữ liệu tập trung, chuẩn hóa nên khó kết nối với ngân hàng để thực hiện thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, một số bệnh viện, trường học chưa sẵn sàng áp dụng thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt do ngại thủ tục, quy định của pháp luật, phí dịch vụ nên ngân hàng khó tiếp cận, triển khai. Hạ tầng kỹ thuật thiết bị công nghệ trên địa bàn nông thôn còn chưa đầy đủ dẫn đến người dân hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ tiện ích tài chính hiện đại. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính nói riêng và tài chính toàn diện nói chung còn thiếu dẫn đến khó đo lường, đánh giá thực trạng tài chính toàn diện, nguyên nhân và khả năng thúc đẩy trong tương lai.

Thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về tài chính. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng - tài chính của người dân, bảo vệ người tiêu dùng tránh các rủi ro không đáng có khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng - tài chính, hạn chế việc người dân phải tìm đến các kênh cung ứng dịch vụ tài chính phi chính thức. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng phát triển mạnh mẽ hơn mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, ATM và POS ở vùng nông thôn. Tăng cường quản lý hệ thống tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả. Mở rộng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và các doanh nghiệp siêu nhỏ, quyết tâm hiện thực hoá các mục tiêu Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com