Xuân Trường nỗ lực phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh

07:10, 18/10/2021

Thời gian qua, huyện Xuân Trường đã tích cực đồng hành, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng trong 9 tháng đầu năm 2021, kinh tế của huyện vẫn chuyển biến tích cực; nhất là sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ duy trì ổn định, thị trường xuất khẩu tiếp tục được giữ vững, bảo đảm việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay Xuân Trường đặt mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 tổng vốn thu hút đầu tư toàn huyện đạt trên 3.442 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của người dân và doanh nghiệp tư nhân đạt trên 3.130 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng từ 2-2,5%; giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng đạt 17.640 tỷ đồng, tăng bình quân 16,1%/năm; giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ đạt 4.492 tỷ đồng, tăng bình quân 9-10%/năm. Phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu giá trị sản xuất của huyện là: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ 92%, nông nghiệp - thủy sản 8%.

Phát triển nghề may túi siêu thị tại xã Xuân Trung (Xuân Trường).  Ảnh: Lam Hồng

Phát triển nghề may túi siêu thị tại xã Xuân Trung (Xuân Trường).

Ảnh: Lam Hồng

Để đạt mục tiêu huyện đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm như: nâng cao hiệu quả lập, điều chỉnh, quản lý các quy hoạch nhằm đảm bảo không gian phát triển lâu dài, quỹ đất đủ lớn, vị trí thuận lợi thu hút các nhà đầu tư. Tổ chức điều chỉnh quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Thông báo số 74/TB-UBND ngày 11-5-2021 của UBND tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ, làm cơ sở để triển khai quy hoạch xây dựng chung của xã, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), khu đô thị, khu dân cư tập trung… trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng quy hoạch các phân khu chức năng dọc tỉnh lộ 489C mới từ Lạc Quần đến cầu Sa Cao và tuyến nhánh đi Giao Thủy và các tuyến đường mới được tỉnh nghiên cứu quy hoạch gồm: Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, Lạc Quần - Yên Định, Lạc Quần - Ngô Đồng. Tổ chức lập quy hoạch xây dựng chung các xã trên địa bàn trên cơ sở quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện đã được phê duyệt. Trình UBND tỉnh phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung một số quy hoạch phát triển khu, CCN trên địa bàn gồm: KCN Xuân Hồng, CCN mới tại tổ 12, 13 thị trấn Xuân Trường (CCN Bắc Câu) quy mô 16ha theo điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung thị trấn Xuân Trường đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2812/QĐ-UBND ngày 26-11-2020; mở rộng CCN Xuân Tiến giai đoạn 3; đề xuất chuyển KCN Xuân Kiên về CCN Thượng Thành để quy hoạch KCN Thượng Thành cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt và định hướng phát triển các khu, CCN của huyện đến năm 2030. Tổ chức lập quy hoạch chi tiết các khu dân cư tập trung trên địa bàn nhằm tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó chú trọng các vị trí đã có trong quy hoạch chung thị trấn Xuân Trường, quy hoạch NTM, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình phát triển nhà ở được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác sau quy hoạch xây dựng đảm bảo đồng bộ các quy hoạch, kiên quyết không để các vướng mắc, bất cập về quy hoạch làm kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư dự án phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch trên địa bàn.

Huyện tiếp tục tranh thủ và huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước các cấp, vốn nước ngoài và vốn xã hội hóa để đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ hiện đại theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trong năm 2021 đảm bảo hoàn thành thi công các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Xuân Thủy - Nam Điền, đường Phú - Đài; tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường huyện, xã. Đồng thời, quản lý chặt chẽ quỹ đất dọc các tuyến đường đi qua huyện được tỉnh quy hoạch và chủ động đề xuất triển khai một số dự án giao thông quan trọng có khả năng kết nối vùng như đường cao tốc Ninh Bình - Quảng Ninh, cầu cứng Sa Cao - Thái Hạc, đường Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, Trực Tuấn - Yên Định, Lạc Quần - Ngô Đồng. Phối hợp quy hoạch và chuẩn bị mặt bằng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp hạ tầng điện, nước, thông tin truyền thông... đáp ứng yêu cầu phát triển. Kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, CCN; cụm, điểm thương mại, dịch vụ. Từ nay đến năm 2022 phấn đấu có doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Thượng Thành, CCN Nam Điền và xây dựng hạ tầng khu dịch vụ thương mại tổng hợp chân cầu Lạc Quần trên phần diện tích 2 xã Xuân Kiên, Xuân Ninh. Giai đoạn 2023-2025 phấn đấu có doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN theo quy hoạch được tỉnh phê duyệt; mở rộng CCN Xuân Tiến giai đoạn 3; CCN Bắc Câu; điểm thương mại dịch vụ Trà Thượng - Bích Câu. Khuyến khích đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị mini, các cửa hàng bách hóa tiện ích; xóa bỏ chợ tạm, chợ cóc, khắc phục cơ bản tình trạng buôn bán hàng rong, buôn bán trên vỉa hè, lòng lề đường. Trong năm 2021-2022 tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án Siêu thị Lan Chi và bến xe tĩnh Thành Nam tại khu vực chân cầu Lạc Quần. Tại mỗi xã, thị trấn lựa chọn ít nhất một điểm công nghiệp - thương mại - dịch vụ để thu hút, kêu gọi đầu tư. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân lực cho đào tạo, dạy nghề, bảo đảm đủ năng lực để triển khai hiệu quả, thực chất Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng mạnh vào các nghề cơ khí, dệt may, nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm; quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất các sản phẩm hữu cơ... đồng thời có khả năng tiếp cận và triển khai đào tạo, bồi dưỡng những ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, huyện tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tất cả các khâu như: xúc tiến, triển khai đầu tư cũng như trong sản xuất, kinh doanh. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của Trung ương, tỉnh, nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế… Tranh thủ quỹ khuyến công các cấp và vốn sự nghiệp khoa học công nghệ để đầu tư, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp; các mô hình trình diễn kỹ thuật, các hoạt động chuyển giao công nghệ, vật liệu mới, nhất là trong các ngành cơ khí, đóng tàu, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống... Vận động các doanh nghiệp tham gia bình chọn, công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện; lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu tham gia bình chọn cấp tỉnh và quốc gia; tiếp tục xây dựng, đề nghị công nhận các danh hiệu làng nghề, nghệ nhân nhằm xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề được thụ hưởng các chính sách khuyến khích phát triển của Nhà nước để phát triển vững chắc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra./.

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com