Hỗ trợ đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử

08:10, 25/10/2021

ng dụng các nền tảng số để thúc đẩy trao đổi hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế số, nhất là trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Giải pháp này đặc biệt giúp đỡ bà con nông dân đang gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm cá trạch kho niêu của gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) được hỗ trợ bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn.
Sản phẩm cá trạch kho niêu của gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) được hỗ trợ bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn.

Sau quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ và hiệu quả cao. Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh không ngừng tăng năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và chất lượng với khả năng cung ứng 885 nghìn tấn lúa gạo; 30 nghìn tấn khoai tây; 25 nghìn tấn lạc; 6.000 tấn đậu tương; 360 nghìn tấn rau các loại; 178 nghìn tấn thịt hơi xuất chuồng; 270 triệu quả trứng gia cầm; 165 nghìn tấn thủy sản; 80 nghìn tấn muối… Đến năm 2021, tỉnh đã xây dựng và phát triển 35 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận bảo hộ; 35 cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; trên 400 sản phẩm đăng ký mã số, mã vạch nhận diện; 130 doanh nghiệp ứng dụng tem QR Code truy xuất nguồn gốc với trên 300 loại sản phẩm. Hiện có 146 sản phẩm được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP là các sản phẩm truyền thống và có thế mạnh như: lúa gạo, thủy sản, rau, củ, quả. Trong đó có nhiều chuỗi có sự liên kết chặt chẽ, xây dựng nên những thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh và cả xuất khẩu: như Gạo sạch Toản Xuân; nông sản sấy Minh Dương; ngao sạch Lenger; muối Nam Định... Việc xây dựng phát triển các kênh tiêu thụ nông sản được các cấp, các ngành quan tâm phối hợp đẩy mạnh thực hiện, hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện quy trình sản xuất và hồ sơ cần thiết để tham gia xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp của tỉnh (thủy sản, nông sản sấy sang Trung Quốc; ngao sang EU; muối sang EU, Nhật Bản)... Tuy nhiên tỷ lệ tiêu thụ theo phương thức truyền thống còn nhiều. Trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì phương thức tiêu thụ truyền thống bộc lộ nhiều bất cập, mối liên kết tương tác chưa chắc chắn. Đặc biệt khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều mắt xích tiêu thụ hàng hóa bị đứt gẫy khiến nông sản ùn tắc tại nơi sản xuất trong khi chỗ không có để sử dụng… gây lãng phí nguyên liệu và thiệt hại cho người sản xuất. 

Để giải quyết vấn đề này, Sở TT và TT, Sở NN và PTNT kết nối 2 doanh nghiệp viễn thông chủ lực trên địa bàn tỉnh là chi nhánh VNPT và Viettel với các hộ nông dân để đưa nông sản lên sàn giao dịch TMĐT nhằm hỗ trợ kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đưa hàng hóa nông sản của các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã trên 2 sàn giao dịch PostMart.vn và Voso.vn. Trong đó, sàn giao dịch TMĐT Voso.vn của doanh nghiệp Viettel hỗ trợ 5 gian hàng trưng bày, quảng bá 40 sản phẩm gồm (lúa gạo, muối, thịt và rau củ quả). Những sản phẩm này đều minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, đạt tiêu chuẩn OCOP. Dự kiến đến hết tháng 10-2021 sẽ có trên 100 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn giao dịch TMĐT này. Tham gia sàn giao dịch TMĐT, các cơ sở sản xuất được hướng dẫn, đào tạo về kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; kỹ năng thực hiện quy trình đóng gói kết nối tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT; hỗ trợ đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT cũng như các quy trình thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn TMĐT. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm cụ thể của từng hộ sản xuất, các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng… bảo đảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp cung cấp tới người tiêu dùng. Đồng chí Trần Sách Vụ, Phó Giám đốc chi nhánh Bưu chính Viettel Nam Định cho biết: Thông qua sàn giao dịch Voso.vn, nông sản của tỉnh sẽ tiếp cận với khách hàng tiêu thụ trên khắp cả nước nhanh hơn, trực diện hơn, góp phần lan tỏa quảng bá thương hiệu nông sản Nam Định. Cũng nhờ đó nông dân nhanh chóng làm quen với hình thức quảng cáo, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa hiện đại. Để tăng cường hơn nữa tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong thời gian tới, Viettel Post Nam Định sẽ hỗ trợ bà con nông dân kỹ năng giao dịch TMĐT cũng như đẩy mạnh quảng bá trang TMĐT Voso.vn trên nền tảng số, khuyến khích thuê bao di động Viettel trên địa bàn tỉnh cài đặt và sử dụng app Voso.vn giúp hàng hóa nông sản của tỉnh tiếp tục được quảng bá rộng rãi hơn.

Việc thiết lập thêm kênh tiêu thụ nông sản thông qua sàn TMĐT là hướng đi đúng đắn, mang tính tất yếu trong thời đại công nghệ, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng số, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thương lái và ảnh hưởng của dịch bệnh. Hoạt động này giúp tạo kênh thông tin nhanh, đầy đủ với chi phí thông tin, quảng bá sản phẩm thấp, các doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể có thể trực tiếp tham gia dễ dàng liên kết với người tiêu dùng. Để giữ gìn uy tín kinh doanh về thành công trên sàn giao dịch TMĐT, người kinh doanh cần chú ý chất lượng sản phẩm; thông tin minh bạch, chính xác khi sản phẩm được giao đến người tiêu dùng, tạo niềm tin cho người mua hàng. Các cơ quan chuyên môn, hiệp hội, tổ chức ngành hàng cần hỗ trợ người nông dân các kỹ năng liên quan đến thương mại điện tử, kinh tế số: từ thiết kế giao diện gian hàng, đầu tư hình ảnh nội dung quảng bá, kỹ thuật quay phim, chụp ảnh, kỹ năng xử lý các tình huống truyền thông liên quan./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com