Làm giàu từ mô hình nuôi ốc nhồi

05:10, 22/10/2021

Bằng những kinh nghiệm từng trải sau 1 thập kỷ rưỡi lăn lộn làm ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh với quyết tâm thay đổi, anh Đỗ Thành Hưng ở xã Bình Hòa (Giao Thủy) đang từng bước thành công với nghề nuôi ốc nhồi, tạo dựng cơ nghiệp cho mình.

Mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm mang lại nguồn thu nhập cao cho anh Đỗ Thành Hưng.
Mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm mang lại nguồn thu nhập cao cho anh Đỗ Thành Hưng.

Từ bỏ Sài Gòn sau 15 năm gắn bó, trải qua nhiều nghề để mưu sinh, cuối năm 2018 anh Hưng quyết định trở về tìm kiếm cơ hội lập nghiệp tại quê nhà. Sau một thời gian nghiên cứu trên sách, báo, youtube và tìm hiểu thực tế, anh quyết định đầu tư vào mô hình nuôi ốc nhồi bởi hiện nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ốc nhồi trên thị trường rất lớn, nhưng nguồn cung còn khá hạn chế. Nghĩ là làm, năm 2019 anh Hưng cùng một số bạn bè đã cất công sang Thái Bình, lên Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình để tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, phương pháp nuôi ốc nhồi. Sau khi nắm chắc kỹ thuật, anh Hưng đã nhận chuyển nhượng hơn 1 mẫu ao nuôi cá nước ngọt thuộc vùng chuyển đổi của xóm Xuân Phong, xã Giao Xuân để cải tạo thành ao nuôi ốc nhồi. Có ao nuôi, anh đã lên cơ sở nuôi ốc nhồi ở huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) để nhập hơn 10 vạn con giống về nuôi ở 3 ao. Do không đòi hỏi quá cao về yếu tố môi trường nước, điều kiện và yêu cầu nuôi thả đơn giản nên việc nuôi thả lần đầu của anh Hưng diễn ra hết sức thuận lợi. Sau hơn 4 tháng nuôi thả, nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn ốc nhồi sinh trưởng, phát triển tốt. Kết quả, anh Hưng đã thu hoạch và xuất bán được hơn 2 tấn ốc nhồi thương phẩm. Với giá bán bình quân 90 nghìn đồng/kg đã mang lại nguồn thu gần 200 triệu đồng. Theo anh Hưng, ốc nhồi hay còn gọi là ốc bươu đen không phải giống thuỷ sản mới mà vốn tồn tại phổ biến trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên những năm gần đây do yếu tố môi trường tự nhiên sông, hồ ao đồng ruộng bị ảnh hưởng bởi hóa chất sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, nước thải công nghiệp khiến ốc mất môi trường sống tự nhiên, trở nên hiếm. Trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày một lớn, kéo theo giá trị kinh tế mang lại cho người đánh bắt, nuôi tăng cao nên ốc nhồi dần trở thành “đặc sản”. Ốc nhồi có đặc tính dễ nuôi, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn dồi dào, đơn giản và sẵn có tại địa phương. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư vào mô hình này cũng không nhiều mà hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên rất phù hợp để khởi nghiệp với điều kiện kinh tế của người dân nông thôn… Từ những thành quả ban đầu hết sức tích cực, anh Hưng đã quyết định thành lập cơ sở sản xuất, nuôi ốc nhồi Thành Hưng để từng bước mở rộng quy mô sản xuất, cung cấp ốc nhồi thương phẩm và nguồn giống chất lượng cho thị trường. Tháng 6-2021, anh quyết định nhận thầu hơn 3 mẫu tại khu vực cánh đồng Điện Biên, xóm 18, xã Giao An để đầu tư làm 1 ao dự trữ nguồn nước sạch, 1 ao thả nuôi bèo tấm, 6 ao nuôi ốc nhồi thương phẩm và khu sản xuất ốc giống. Với diện tích, quy mô, năng lực hiện có, cơ sở sản xuất, nuôi ốc nhồi Thành Hưng đã nhập về 10 vạn con giống bố mẹ, tiến hành cho sinh sản, tạo nguồn giống nuôi khỏe mạnh, sạch bệnh cung cấp cho người nuôi. Từ đầu năm đến nay, cơ sở đã cung cấp trên 150 vạn con giống cho người nuôi trong vùng, doanh thu trên 500 triệu đồng.

Cũng theo anh Hưng, quá trình nuôi thả ốc nhồi diễn ra hoàn toàn tự nhiên. Vì vậy, ao nuôi cũng không cần kiên cố như một số con nuôi khác, quy mô, diện tích tuỳ vào khả năng cụ thể của hộ nuôi. Điều kiện nuôi tốt nhất trong môi trường nước ngọt, không bị nhiễm phèn, mặn hay nhiễm độc các loại thuốc bảo vệ thực vật. Mật độ nuôi phù hợp đối với ốc thương phẩm khoảng 300 con/m2. Thời gian cho một vụ nuôi kể từ khi xuống giống đến khi thu hoạch từ 3,5 đến 4 tháng, ốc có thể đạt kích cỡ 25 con/kg. Nuôi thêm 2 tháng nữa, ốc bắt đầu sinh sản. Giá bán ốc nhồi thương phẩm tại ao nuôi thường dao động từ 90 đến 110 nghìn đồng/kg. Điều đáng nói, nguồn thức ăn cũng hết sức phong phú, phổ biến, dễ kiếm trong tự nhiên như: Bèo tấm, bí, mướp, khoai lang và các loại lá cây… Vì vậy, anh Hưng tận dụng toàn bộ diện tích xung quanh bờ ao, dựng giàn để trồng thêm các loại rau, cây ăn quả, vừa làm thức ăn vừa tạo bóng mát cho ốc trú ngụ. Trên mặt ao nuôi, anh trồng hoa súng, thả bèo hoa dâu cho ốc đeo bám và sinh sản một cách tự nhiên. Tuỳ quy mô, số lượng, mật độ ốc nuôi thì 3 đến 4 ngày người nuôi mới phải bổ sung thức ăn một lần. Đặc biệt, vào các tháng mùa đông, ốc nhồi sẽ ít vận động nên không cần cung cấp thức ăn nhiều, liên tục. Đây được coi là giai đoạn “ốc ngủ đông” nên việc cung cấp thức ăn chỉ thực hiện ở mức độ vừa phải, hạn chế thức ăn dư thừa trong ao kết hợp với chất thải của ốc quá nhiều sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Đây chính là lý do khiến người nuôi ốc nhồi không tốn nhiều thời gian và công chăm sóc.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ốc nhồi trên thị trường là rất lớn, trong khi nguồn cung hạn chế. Qua tìm hiểu, đã có nhiều hộ nông dân bắt đầu chuyển hướng sang nuôi ốc nhồi thương phẩm để thay thế một số con nuôi truyền thống không còn phù hợp. Anh Hưng dự kiến tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo khả năng tiêu thụ và nhu cầu thị trường, cung cấp nguồn ốc giống chất lượng lên tới hàng chục triệu con và hàng chục tấn ốc thương phẩm mỗi năm ra thị trường. Trong quá trình kinh doanh cung cấp ốc giống, cơ sở cũng sẽ kết hợp hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật nuôi thả cho bà con nông dân có nhu cầu. Theo anh Hưng, ốc bươu đen ưa khí hậu nóng ẩm nên rất thích hợp với các vùng nuôi trong tỉnh. Ốc của cơ sở anh nuôi sinh sản quanh năm. Tuy nhiên, nếu nhân giống theo phương pháp tự nhiên thì tỷ lệ nở con chỉ đạt 50-60%. Vì vậy, sau khi ốc đẻ trứng, anh gom lại, cho vào rổ nhựa, đặt trên giá có nước bên dưới, để vào nơi râm mát và phun nước đảm bảo độ ẩm cho ốc nở đều. Sau khoảng 20 ngày, trứng ốc sẽ nở và ốc con tự bò xuống nước. Nhờ vậy, tỷ lệ trứng nở và ốc con sống đạt trên 90%. Ốc con sau khi nở được thả vào bể nuôi khoảng 10-15 ngày là có thể xuất bán. Anh Hưng chia sẻ: Ốc nhồi nuôi thường có 2 loại bệnh là viêm vòi và bệnh đường ruột. Nguyên nhân chính gây bệnh là do nguồn nước ao nuôi bị ô nhiễm. Vì vậy người nuôi ốc bươu đen cần chú ý khâu chăm sóc, quan sát, theo dõi ốc hàng ngày, đặc biệt là phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường. Nếu để nguồn nước bị ô nhiễm thì ốc sẽ chết hàng loạt. Khi thấy hiện tượng ốc nổi nhiều, cần tiến hành sục nước hay thay nước mới. Đối với ao nuôi, sau mỗi lần thu hoạch, phải vệ sinh loại bỏ hết những con ốc bươu vàng còn sót lại để tránh việc chúng giành thức ăn với ốc bươu đen.

Sau bao năm bôn ba lập nghiệp, được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng sự chăm chỉ, đam mê, anh Đỗ Thành Hưng đã thành công tại quê nhà với mô hình nuôi ốc nhồi. Mô hình đã khai thác tốt tiềm năng sẵn có của địa phương, mở ra hướng phát triển con nuôi đặc sản mới có giá trị kinh tế cao cho người dân vùng nông thôn./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com