Giải pháp đồng bộ để "người Việt tin dùng hàng Việt"

08:10, 25/10/2021

 Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động trên phạm vi toàn quốc đến nay được hơn 10 năm, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm ở mỗi địa phương. Trong 10 năm qua, tùy từng giai đoạn, thời điểm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, người dân và cộng đồng doanh nghiệp triển khai thực hiện CVĐ một cách thiết thực, phù hợp xây dựng văn hoá trong sản xuất và tiêu dùng hàng Việt. Đến nay, định hướng người Việt với tinh thần tự cường “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trở thành “tin dùng hàng Việt Nam”.

Cán bộ Sở Công Thương kiểm tra hàng hóa cung ứng tại điểm bán hàng Việt trên địa bàn thành phố Nam Định
Cán bộ Sở Công Thương kiểm tra hàng hóa cung ứng tại điểm bán hàng Việt trên địa bàn thành phố Nam Định.

1. Tạo cơ hội phát triển mạnh sản phẩm địa phương

CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động nhằm khơi dậy tình yêu nước, lòng tự tôn và niềm tự hào dân tộc trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng của mỗi người Việt Nam, vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, giành lại thị phần trong nước. CVĐ nhằm góp phần tạo phong cách tiêu dùng mới, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, vừa có lợi cho nhà sản xuất, kinh doanh, vừa có lợi cho người tiêu dùng và tạo “cơ hội vàng” cho hàng hóa sản xuất trong nước phát triển. Để triển khai thực hiện CVĐ đạt hiệu quả thiết thực, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo CVĐ từ tỉnh đến các huyện, thành phố và xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, người dân tích cực tham gia hưởng ứng CVĐ. Cùng với công tác tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 7-10-2011 ban hành “Cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ dự án đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nam Định”; Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 7-5-2012 ban hành “Quy định cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào các điểm công nghiệp trên địa bàn nông thôn tỉnh Nam Định”. Các sở, ngành chức năng đã bám sát mục tiêu nhiệm vụ của CVĐ, triển khai chính sách phù hợp để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, đưa CVĐ đi vào chiều sâu. Chú trọng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường, như: Hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường; phát triển các tổ chức liên kết lưu thông hàng hóa ổn định từ sản xuất đến tiêu dùng; phối hợp tổ chức các hội thảo, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước… Cùng với đó kết cấu hạ tầng thương mại của tỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn phát triển, mở rộng các loại hình kinh doanh hiện đại. Người tiêu dùng nhận thức ngày một đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với các sản phẩm hàng hoá sản xuất trong nước và những lợi ích kinh tế - xã hội từ thực hiện CVĐ, từng bước thay đổi hành vi tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt Nam; bước đầu hình thành nét đẹp văn hoá tiêu dùng của người dân với hàng hoá trong nước sản xuất.

CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi đáng kể nhận thức và thói quen tiêu dùng hàng hóa đối với cả người sản xuất và tiêu dùng. Trong đó, CVĐ đã khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu để sản xuất ra nhiều hàng hóa có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều sản phẩm địa phương đã có thị phần đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước như: Gạo sạch Toản Xuân, Ngao sạch Lenger, Chả cá Hùng Vương, Nước mắm Ninh Cơ, Giò 7 phút Nam Phát, Sứa Tân Long, Nông sản sấy Minh Dương, Thịt lợn sạch Minh Long, Rau quả sạch Ngọc Anh… Đặc biệt, 3 sản phẩm (Cá bống bớp Nghĩa Hưng, Gạo sạch Toản Xuân, Nước mắm Ninh Cơ) được vinh danh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu xuất sắc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn; 7 thương hiệu sản phẩm đã định vị vững chắc trên thị trường (gạo sạch Toản Xuân, nông sản sấy Minh Dương, muối biển nhạt Royal, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ, ngao sạch Lenger, ngao sạch Giao Thủy); ngoài ra còn có hàng chục nhãn hiệu, sản phẩm nông sản, thực phẩm đang được đầu tư xây dựng. Nhiều đơn vị có chính sách khuyến mại, hậu mãi hợp lý, đưa sản phẩm của mình đến tận tay người tiêu dùng như sản phẩm may mặc, chăn các loại, khăn mặt, khăn tắm… của các doanh nghiệp Dệt may lớn trên địa bàn như: Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định, Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam. Nhiều loại nông sản thực phẩm, thủy hải sản, rau quả; gạo tám Hải Hậu, nước mắm Sa Châu (Giao Thuỷ); rượu nếp Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng; đồ gỗ La Xuyên (Ý Yên) và Mỹ Phúc (Mỹ Lộc); máy nông nghiệp, chế biến gỗ, thức ăn gia súc và nhiều sản phẩm cơ khí khác đã tạo được sự tín nhiệm sử dụng tại các điểm kinh doanh thương mại lớn của tỉnh như siêu thị GO! Nam Định, MicomPlaza, Mediamart, Trần Anh, Điện máy xanh… Cũng trong thời gian này, các ngành chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng thành công 146 sản phẩm OCOP và đang xúc tiến đưa các sản phẩm này lên sàn giao dịch thương mại điện tử để dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Qua khảo sát của Sở Công Thương và báo cáo từ các doanh nghiệp, hàng hóa trong nước sản xuất đã chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số mặt hàng kinh doanh tại các siêu thị như Siêu thị Lan Chi (chiếm 92%), siêu thị GO! Nam Định (chiếm 80%), siêu thị Co.opmart (chiếm 78%), Siêu thị Micom (chiếm 70%).

2. Để người Việt tin dùng hàng Việt

Nhân viên Siêu thị GO! chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng
Nhân viên Siêu thị GO! chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng

CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và của địa phương. Qua hơn 10 năm thực hiện trên địa bàn tỉnh, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được coi là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kết quả CVĐ chưa thực sự toàn diện; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện CVĐ có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền còn hạn chế. Một số doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa CVĐ. Tâm lý ưa dùng hàng ngoại còn tồn tại trong một bộ phận người dân có thu nhập cao. Tình trạng hàng nội địa bị làm giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân; việc xây dựng, phát hiện, nhân rộng, biểu dương, tôn vinh các điển hình tốt trong thực hiện CVĐ còn hạn chế... Hơn nữa do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu và hoạt động thương mại của thị trường nội địa, do đó CVĐ càng có ý nghĩa hơn trong giai đoạn hiện nay. 

Ngày 18-8-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 06/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới với mục tiêu làm sao để hàng Việt ngày một tốt hơn, đẹp hơn, có giá trị sử dụng cao hơn, phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt, có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn cả về chất lượng, mẫu mã và giá để người dân yêu mến, tin dùng; tiến tới phát triển thị trường trong nước từ khâu nguyên liệu đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ để đẩy mạnh sản xuất trong nước và chống đứt gẫy chuỗi cung ứng sản phẩm. Để thực hiện được các mục tiêu trên, 6 nhiệm vụ trọng tâm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện CVĐ, công tác tuyên truyền hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá của tỉnh và hàng Việt Nam, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh và cả nước; trọng tâm là thị trường trong nước; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam. UBND tỉnh đã đặt ra chỉ tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 là: giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa...); doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa. Trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; trên 90% doanh nghiệp biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” với trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào. Tiếp tục đổi mới công nghệ nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt; đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn; đổi mới hình thức phân phối hàng hóa. Các ngành chức năng phối hợp đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường; nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt và chuỗi các cửa hàng phân phối sản phẩm sản xuất tại địa phương và trong nước. Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, Sở Công Thương đã tổ chức cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội nghị giao thương trực tuyến toàn quốc những ngành hàng trọng điểm như nông sản, sản phẩm cơ khí chế tạo, hàng thủ công mỹ nghệ. Sở TT và TT phối hợp với Sở NN và PTNT, các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng gian hàng online, đưa nông sản của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử. Các doanh nghiệp đã chú trọng tìm hiểu kỹ nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, thu nhập, khả năng thanh toán để đổi mới chiến lược kinh doanh, cải tiến cơ cấu hàng hoá, giá cả, mẫu mã, cũng như chất lượng sản phẩm phải nhiều, nhanh, tốt, rẻ, kiểu dáng, mẫu mã sinh động. Xây dựng được hệ thống phân phối hàng hóa về nông thôn để người dân tiếp cận và sử dụng, tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt; tổ chức cung ứng hàng hóa đến người tiêu dùng một cách văn minh, tiện lợi nhất.

Song song với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường, công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, kịp thời ngăn chặn gian lận thương mại, nhất là hàng nhập lậu, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển được chú trọng. Từ đầu năm 2021 đến nay, các ngành chức năng đã liên tiếp phát hiện, gỡ bỏ hàng chục đầu mối kinh doanh các loại hàng hóa gian lận thương mại, nhập lậu từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, túi xách, đồ gia dụng, đồ điện, điện tử…  Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường của người dân qua việc sản xuất và tiêu thụ hàng Việt và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng qua chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp, được phục vụ chu đáo tận tình và được bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra... là những giải pháp quan trọng của CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực hiện hướng đến để người Việt Nam tin dùng hàng Việt, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước nói chung, trong tỉnh nói riêng phát triển./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com