Nghĩa Bình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

08:10, 21/10/2021

Những năm gần đây, nhiều hộ dân xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đã tích cực chuyển đổi diện tích đất trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản gắn với trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Gia đình ông Vũ Mạnh Bằng, xóm 14, xã Nghĩa Bình kiểm tra môi trường ao nuôi cá.
Gia đình ông Vũ Mạnh Bằng, xóm 14, xã Nghĩa Bình kiểm tra môi trường ao nuôi cá.

Để tạo hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, UBND xã Nghĩa Bình đã tập trung rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch nuôi thủy sản trên địa bàn; chỉ đạo các thôn, xóm vận động các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng các loại cây dược liệu, cây rau màu, cây ăn quả... nhằm khai thác lợi thế về đất đai; tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp người nuôi thủy sản thành thạo các kỹ thuật, chủ động sản xuất có hiệu quả, hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, xã tạo điều kiện về xây dựng hồ sơ, thủ tục và tiếp cận vốn vay, tập huấn kỹ thuật cho người nuôi. Được xã tạo điều kiện, nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả để phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, xã Nghĩa Bình có khoảng 60 hộ nuôi thủy sản với tổng diện tích 92ha; trong đó 30ha được chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp trồng các loại rau màu, cây dược liệu... Ông Nguyễn Tất Thạnh, xóm 12 đã thành công trong việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng cây rau màu. Gắn bó với nông nghiệp hàng chục năm, ông Thạnh luôn trăn trở tìm cách phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững. Ông tiên phong nhận thầu 1 mẫu đất ở vùng chuyển đổi để phát triển nuôi thủy sản và trồng các loại cây dược liệu như: đinh lăng, hòe, chùm ngây..., đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, đào ao, xây bờ kiên cố, chắc chắn, xây dựng cống cấp thoát nước, đầu tư máy sục khí, máy cấp nước... Bên cạnh đó, ông không ngừng tìm tòi, học hỏi kiến thức từ sách báo, tham quan những mô hình của các địa phương khác; hăng hái tham gia các lớp tập huấn về nuôi thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi do xã, huyện tổ chức. Hiện nay, ông Thạnh xây dựng được mô hình kinh tế VAC với quy mô 3 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, cá diêu hồng và các loại cá truyền thống, trên 200 cây hòe, 100 cây chùm ngây và hàng trăm cây đinh lăng. Đang là thời điểm giao mùa, những cơn mưa kéo dài gây ảnh hưởng đến nuôi thủy sản nên ông Thạnh luôn chủ động theo dõi môi trường nuôi tôm, cá để điều chỉnh kịp thời bằng vôi bột và các chế phẩm sinh học. Với mô hình trên, hàng năm ông Thạnh thu được gần 10 tạ tôm, 3 tấn cá diêu hồng và khoảng 1 tấn cá nước ngọt truyền thống; trừ chi phí thu lãi khoảng 200-300 triệu đồng. Ông Vũ Ngọc Quý, xóm 12 nhận thầu 5 sào vùng đất chuyển đổi, trong đó có 2 sào nuôi tôm thẻ chân trắng, cá diêu hồng và 3 sào trồng cà chua. Nhờ nắm vững kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên trung bình mỗi năm ông thu hoạch khoảng 3 tấn cá diêu hồng, 8 tạ tôm và hơn 10 tấn cà chua. Ông Quý cho biết: “Từ ngày ra vùng chuyển đổi, kinh tế của gia đình tôi cũng khấm khá hơn, thu nhập gấp hàng chục lần so với trồng lúa”. Ông Vũ Mạnh Bằng, đội 14 cũng là gương mặt tiêu biểu về phát triển kinh tế thủy sản; trong đó tập trung nuôi cá bống bớp, cá mú thương phẩm và cá giống bống bớp nhằm phục vụ cho các hộ nuôi thủy sản ở địa phương. Mỗi năm ông sản xuất khoảng 1 vạn con cá bống bớp giống. Thời gian tới ông sẽ mở rộng diện tích để có thêm các đối tượng con nuôi khác và sản xuất nhiều cá bống bớp giống hơn để cung ứng cho nhu cầu của thị trường. Ông Bằng chia sẻ: “Nuôi cá bống bớp, cá mú hay các loại thủy sản khác, việc chủ động phòng chống dịch bệnh cho cá luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy tôi thường xuyên theo dõi sự phát triển của cá cũng như theo dõi môi trường nước, thời tiết để có biện pháp phòng và chữa trị kịp thời nếu cá có dấu hiệu bị bệnh. Thức ăn của cá chủ yếu là cá tạp thu mua của bà con trong xã khai thác”. Ngoài nuôi và sản xuất giống cá bống bớp, hộ ông Bằng còn trồng thêm đinh lăng, khai thác rau câu… Với sự cần mẫn lao động và những kinh nghiệm nuôi thủy sản, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên 300 triệu đồng. Ông cho biết: Thời gian qua, UBND xã đã tạo điều kiện cho nhiều người dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản thông qua việc đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất và tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức kỹ thuật nuôi thủy sản. Rất mong địa phương tiếp tục có những chính sách hỗ trợ giúp người dân có thêm động lực để yên tâm phát triển kinh tế thủy sản.

Thời gian tới, xã Nghĩa Bình tiếp tục tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về phát triển trồng trọt, chăn nuôi; tạo thuận lợi để các hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng nhằm động viên, khuyến khích người dân yên tâm đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com