Ứng dụng máy cấy lúa vào sản xuất

04:07, 16/07/2021

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Nhiều loại máy móc đã được trang bị bằng nhiều hình thức, cơ chế, đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô cánh đồng lớn; tăng năng suất lao động, giảm sức người và bảo vệ sức khỏe nông dân… Trong đó, việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng mô hình gieo mạ khay và cấy bằng máy vào sản xuất lúa đã góp phần tiết kiệm công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) hướng dẫn các huyện đăng ký nhu cầu hỗ trợ máy cấy nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa khâu gieo cấy, từng bước giảm dần diện tích gieo sạ của các địa phương, nhất là trong vụ mùa. Qua 2 năm 2019 và 2020, tỉnh đã hỗ trợ gần 3,6 tỷ đồng cho 44 mô hình “sản xuất bằng máy cấy mạ khay”. Đánh giá về hiệu quả kinh tế, đồng chí Lê Hồng Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN và PTNT) cho biết: So với gieo sạ thì việc gieo cấy bằng máy gần như không phải sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ ốc bươu vàng, mật độ gieo cấy thưa, cây lúa quang hợp tốt, ruộng lúa thông thoáng hạn chế sâu bệnh phá hoại như khô vằn, rầy… nên giảm sử dụng phân bón và chi phí thuốc trừ sâu góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng và sức khỏe của người dân, lại thuận tiện cho thu hoạch bằng máy. So với phương pháp gieo thẳng và cấy truyền thống, lúa cấy bằng máy cấy nông và thưa hơn nên lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, trỗ tập trung, bông dài và to nên cho năng suất cao hơn từ 8-10%. Ngoài ra, sản xuất lúa theo phương pháp mạ khay và cấy lúa bằng máy còn giảm 10-15% lượng giống so với phương pháp cấy truyền thống. Tính ra, cấy theo phương pháp này giúp nông dân giảm chi phí sản xuất 120-180 nghìn đồng so với gieo cấy bằng tay, đồng thời thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún; thúc đẩy liên kết để hình thành vùng sản xuất lúa cánh đồng lớn tập trung. Từ ưu điểm thực tế của các mô hình ứng dụng máy cấy trong sản xuất lúa do ngành chuyên môn triển khai thực hiện, nhiều doanh nghiệp, cá nhân có diện tích sản xuất lớn hoặc tổ chức dịch vụ đã mạnh dạn đầu tư mua máy cấy phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ứng dụng mô hình máy cấy mạ khay ở xã Trực Nội (Trực Ninh).
Ứng dụng mô hình máy cấy mạ khay ở xã Trực Nội (Trực Ninh).

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, tính đến tháng 3-2021, trên địa tỉnh có 176 máy cấy lúa của các thương hiệu: Kubota, Yanmar (Nhật Bản) và Hamco (Việt Nam) với các dòng cấy 4 hàng, 5 hàng, 6 hàng và 8 hàng, bao gồm cả máy ngồi và máy đi bộ, tập trung ở các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh, Nghĩa Hưng... Diện tích lúa cấy bằng máy mạ khay năm 2020 là 11 nghìn ha, chiếm gần 8% tổng diện tích lúa của tỉnh. Vụ xuân 2021, tỷ lệ cấy máy của tỉnh đạt gần 15%. Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã tiếp tục hỗ trợ thêm 36 mô hình “sản xuất bằng máy cấy mạ khay” cho các địa phương, nâng tổng số có 80 mô hình được hỗ trợ. Năm 2020, anh Phan Văn Nho, nông dân thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) được hỗ trợ đầu tư máy cấy 6 hàng Kubota SPV-6CMD với tổng giá trị 350 triệu đồng. Anh Nho cho biết: “Trước tình trạng lực lượng lao động nông nghiệp ở nông thôn ngày càng giảm, độ tuổi lao động ngày càng tăng thì biện pháp áp dụng cơ giới hóa trong khâu cấy, mà cụ thể là gieo mạ khay, cấy bằng máy là giải pháp giải quyết được những vấn đề bất cập trên. Nếu cấy tay, 1 người mỗi ngày chỉ cấy được 1-1,5 sào trong khi sử dụng máy cấy, mạ khay chỉ trong 40 phút là xong 1 mẫu ruộng. Ngoài phục vụ diện tích của gia đình, tôi còn làm thêm dịch vụ cấy thuê. Vụ mùa này, tôi hợp đồng cấy 100 mẫu cho nông dân các xã Liêm Hải, Trực Nội, Trực Khang, Trực Tuấn, Trung Đông và thị trấn Cát Thành với 2 gói dịch vụ. Nếu trọn gói từ đầu tư khay, mua đất, mua giống, chăm sóc mạ cho đến cấy là 250 nghìn đồng/sào; hai là người dân tự gieo mạ, tôi chỉ lấy công cấy 70 nghìn đồng/sào. Cả 2 gói đều rẻ hơn nhiều so với thuê nhân công cấy tay 200 nghìn đồng/người/ngày”. Anh Nho còn cho biết thêm, nhờ có máy nên với những diện tích ruộng người khác bỏ hoang, anh mượn để cấy. Hiện anh đã mở rộng diện tích sản xuất lúa lên 15 mẫu.

Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Những năm qua, diện tích gieo sạ tại các địa phương không ngừng tăng. Điều này kéo theo hệ lụy như nông dân phải sử dụng thuốc trừ cỏ, trừ ốc bươu vàng nhiều hơn làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trong vụ mùa thường xảy ra mưa bão lớn vào thời điểm gieo cấy hoặc lúa mới cấy khiến nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng thiệt hại. Điển hình như trong các vụ mùa năm 2017, 2018, lúa mùa ở các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, hiện nay lúa cỏ (lúa dại, lúa ma) đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng trong toàn tỉnh, tập trung nhiều trên các diện tích gieo sạ. Do vậy, chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa khâu gieo cấy của tỉnh, giảm dần diện tích gieo sạ là hết sức đúng đắn, được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đón nhận, nhiệt tình hưởng ứng. Đây là một trong những phương án ứng dụng tiến bộ cấy lúa nhanh, thẳng hàng, đúng mật độ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, thuận lợi cho việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, tiết kiệm chi phí. Cơ giới hóa khâu cấy lúa còn đảm bảo khung thời vụ tốt nhất vì khoảng thời gian giữa vụ xuân chuyển sang vụ mùa ngắn, vụ mùa thường đòi hỏi yêu cầu gieo cấy lúa càng sớm càng tốt. Việc đưa máy cấy nói riêng, đẩy mạnh cơ giới hóa nói chung còn tác động tích cực thúc đẩy tích tụ ruộng đất tạo diện tích lớn để sản xuất tập trung từ đó tăng cường hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm, lựa chọn đối tượng sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn, hữu cơ, VietGAP… có truy xuất nguồn gốc, nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa. Từ đó từng bước khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng do sản xuất lúa kém hiệu quả, thiếu lao động.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc nhân rộng mô hình máy cấy mạ khay ở tỉnh ta hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn như vật tư làm khay mạ chưa chủ động được tại chỗ, vẫn phải mua từ nơi khác. Diện tích làm mạ khay và tập kết khi gieo đòi hỏi mặt bằng khá lớn nên việc mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Chi phí đầu tư ban đầu cho máy móc, hệ thống khay lớn vượt quá nguồn lực kinh tế của hộ gia đình. Đối với những vùng chưa tích tụ được ruộng đất, diện tích sản xuất của các hộ còn manh mún nhỏ lẻ, không sử dụng hết công suất máy nên hiệu quả đầu tư chưa cao. Hầu hết các địa phương trong tỉnh chưa hình thành việc cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu trong sản xuất lúa từ khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch đến chế biến lúa.

Thời gian tới, ngành NN và PTNT cùng các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tích tụ đất để áp dụng mô hình gieo mạ khay, cấy bằng máy. Khuyến khích thành lập mới tổ hợp tác, HTX chuyên gieo mạ khay, cấy bằng máy; các HTX dịch vụ nông nghiệp đã thành lập cần bổ sung phương thức gieo mạ khay, cấy bằng máy vào phương án sản xuất kinh doanh trong các năm tới để có động lực phát triển máy cấy mạ khay. Hỗ trợ xây dựng và triển khai các mô hình cơ giới đồng bộ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, sấy lúa. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào phục vụ sản xuất, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, tăng thu nhập cho nông dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com