Hải Minh tập trung phát triển các ngành nghề mũi nhọn

08:07, 13/07/2021

Từ kết quả thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm giai đoạn 2015-2020”, đến nay, xã Hải Minh (Hải Hậu) đã cơ bản xây dựng, hoàn thiện hạ tầng 2 cụm công nghiệp (CCN) làng nghề, giao thông thuận tiện, có mặt bằng sản xuất hợp lý. 

Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống tại xưởng đồ gỗ Tuấn Hằng, làng nghề Tân Bồi, xã Hải Minh.
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống tại xưởng đồ gỗ Tuấn Hằng, làng nghề Tân Bồi, xã Hải Minh.

Đồng chí Nguyễn Văn Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế ngành nghề, xã đặc biệt quan tâm tạo các nguồn kênh dẫn vốn cho người dân. Đặc biệt, trong năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm bị nghẽn lại. Vốn kinh doanh của các hộ sản xuất đông cứng ở sản phẩm do sức mua của người dân giảm, trong khi các hộ vẫn phải nhập nguyên liệu, trả lương nhân công để sản xuất các đơn hàng mới. Nhiều hộ sản xuất “cạn vốn”. Trước tình trạng đó, xã tập trung tạo điều kiện hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh ngành nghề về hồ sơ, thủ tục chứng minh tài sản đảm bảo giúp họ tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Hiện tại, Quỹ Tín dụng nhân dân Hải Minh đã trở thành địa chỉ tin cậy đáp ứng tốt nhu cầu về vốn cho các hộ. Dư nợ hiện tại của Quỹ ước đạt hơn 153 tỷ đồng với 760 thành viên. Ngoài ra, người dân còn được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp của nhiều ngân hàng khác như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Hải Hậu (dư nợ 150 tỷ), Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam huyện Hải Hậu (dư nợ 15 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Á Châu… 

Anh Nguyễn Công Đoàn, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Đoàn Vui ở xóm 30 cho biết: “Dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của xưởng chúng tôi. Sơ sơ đơn hàng bị sụt giảm đến 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Được xã tạo điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, tái quay vòng vốn từ các tổ chức tín dụng cộng với uy tín, chất lượng sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ khảm ốc, xưởng sản xuất của gia đình đã từng bước vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, việc làm cho 20 lao động. Doanh thu năm nay của xưởng dự kiến sẽ đạt 3 tỷ đồng”. Bên cạnh đó, xã cũng triển khai tập huấn, phổ biến cho các hộ kinh doanh về thương mại điện tử, bán hàng online bằng các ứng dụng livestream… để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, có thêm những hợp đồng mới. Nhờ các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin mà các cơ sở sản xuất đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng ở thị trường rộng lớn hơn. Nhiều đơn vị bán buôn ở các tỉnh khác biết đến dòng sản phẩm mới của làng nghề Hải Minh. Cũng nhờ đó, đồ gỗ mỹ nghệ Hải Minh gần đây đã xuất ngoại sang không ít nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, EU... 

Đến nay, nghề sản xuất đồ gỗ, khảm trai mỹ nghệ truyền thống ở Hải Minh đã vượt qua khó khăn, duy trì ổn định ở 18/26 xóm thu hút 4.500 lao động địa phương và khoảng 150-200 lao động ngoài xã. Thu nhập bình quân của người lao động hiện đạt 7-8 triệu đồng/người/tháng. Các nghề: may công nghiệp, cơ khí, sản xuất kèn đồng trên địa bàn xã cũng phát triển với 5 cơ sở may công nghiệp thu hút 450-500 lao động; 15 cơ sở sản xuất cơ khí, cửa kính, khung nhôm với 40-50 lao động thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng, kinh tế sinh vật cảnh từng bước ổn định phù hợp với nhu cầu thị trường. Thu nhập bình quân trên đầu người của xã năm 2020 đạt 70 triệu đồng; phấn đấu đến hết năm 2021 đạt 76 triệu đồng. Giá trị cơ cấu kinh tế các ngành của xã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp lên 44,5%, kinh doanh, dịch vụ thương mại chiếm 36%, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp còn 19,5%. Hiện tại, xã đang đề xuất với UBND huyện tiếp tục mở rộng diện tích cụm công nghiệp - làng nghề tại xóm 1 để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng phát triển. 

Đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để tăng trưởng GRDP, xã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp giữ ổn định an ninh lương thực, duy trì ổn định 370,9ha đất 2 lúa với năng suất đạt bình quân 127,5 tạ/ha. Tập trung chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế đa canh, tổng hợp VAC như nuôi thuỷ sản, trồng dong làm miến, trồng đinh lăng dược liệu, cây cảnh ở xóm Gò, xóm Bắc Hải. Mới đây, xã tiếp tục đăng ký và hoàn thành xây dựng thương hiệu “Miến dong Huệ Đồng” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao của gia đình ông Nguyễn Văn Đồng ở xóm Gò. Kinh tế phát triển vững vàng tạo sức bật xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao kiểu mẫu trên địa bàn toàn xã. Đến nay, xã Hải Minh có 8/26 xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu cấp huyện, 2 xóm đạt chuẩn xóm NTM kiểu mẫu cấp tỉnh (xóm 1 và xóm 3), 15 xóm giữ vững xóm đạt chuẩn NTM nâng cao năm thứ 2. Năm 2021, xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 7 về khuôn viên nhà cửa và môi trường, bảo hiểm y tế. Bổ sung các thùng rác 2 ngăn để vận động người dân thực hiện phân loại rác thải vô cơ và hữu cơ tại gia đình và trục dong ngõ xóm, xây dựng lò đốt rác thải thân thiện với môi trường. Vận động người dân (nhất là các làng nghề) ký cam kết không xả thải bừa bãi ra môi trường, hạn chế đổ nước thải chưa qua xử lý ra kênh mương.

Thời gian tới, xã Hải Minh tiếp tục hướng đi phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống tạo mũi nhọn về kinh tế, giải quyết thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại điện tử, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp trên địa bàn; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo môi trường làng nghề. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu các sản phẩm địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho các sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com