Phát huy thế mạnh các hợp tác xã nuôi trồng, chế biến thủy hải sản

08:07, 13/07/2021

Những năm qua, hội viên nông dân có nghề nuôi trồng chế biến thủy sản ở nhiều địa phương, nhất là các huyện ven biển trong tỉnh đã tăng cường liên kết với nhau thông qua việc thành lập các HTX nuôi thủy sản. Qua đó, giúp các hộ nuôi tìm ra đầu mối chung để nâng cao tiềm lực kinh tế, sức cạnh tranh trên thị trường, tạo thuận lợi trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như cùng nhau giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) kiểm tra chất lượng nguồn nước ao nuôi thủy sản.
Nông dân thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) kiểm tra chất lượng nguồn nước ao nuôi thủy sản.

Huyện Giao Thủy được thiên nhiên ưu đãi nhiều lợi thế để phát triển các HTX nuôi trồng, chế biến thủy hải sản với gần 32km bờ biển, ngư trường rộng lớn cùng 11,4km sông Hồng, 15km sông Sò, có nhiều loài thủy hải sản có giá trị. Xác định kinh tế biển là mũi nhọn, huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Với đóng góp của các HTX nuôi trồng thủy hải sản, đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 5.111ha; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha nuôi trồng đạt bình quân 445 triệu đồng. Cùng với khai thác, nuôi trồng, nghề chế biến thủy hải sản được duy trì, phát triển với các sản phẩm chủ yếu như nước mắm, mắm tôm, tôm, cá khô… Tại huyện Hải Hậu, tháng 8-2018, HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền, xã Hải Chính được thành lập. HTX tập trung nuôi các loại cá, tôm, cua nước mặn, lợ trên diện tích 12,5ha thuộc các xã Hải Chính, Hải Lý. Với công suất chế biến từ 1-2 tấn/ngày, HTX đạt doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động lúc cao điểm. Tháng 4-2020, HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao cho hai sản phẩm chả cá và chả mực. Tại huyện Xuân Trường, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa được thành lập theo Luật HTX năm 2012 với 18 hộ thành viên, đến nay đã phát triển lên 30 thành viên, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 30ha gồm các sản phẩm chủ lực như cá lăng, trắm, chép, đối mục và tôm thẻ chân trắng. Các thành viên HTX đã mạnh dạn áp dụng công nghệ nuôi trồng sản phẩm theo tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, đầu tư xây dựng hệ thống dây chuyền sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản từ các nguyên liệu tỏi ủ lên men, bột tôm, bột cá, đậu tương, ngô... đảm bảo nguồn thức ăn tại chỗ khoảng 30%, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng nuôi trồng thủy sản sạch, đồng thời giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Bình quân hàng tháng, HTX giảm được trên 200 triệu đồng chi phí thức ăn nuôi thủy sản. Hội đồng quản trị HTX kết nối với Công ty TNHH Thủy sản Hùng Vương, HTX Tiến Đạt, Công ty Vina HTC cung ứng nguyên liệu cho xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi; ký kết với một số doanh nghiệp, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh trong tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm cá lăng của HTX được sản xuất theo liên kết chuỗi; trong đó tất cả các khâu nuôi trồng, đánh bắt, sơ chế, đóng gói đều khép kín dưới sự giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt. Quá trình nuôi áp dụng cho ăn giảm đạm, tăng chất xơ, tạo chất lượng thịt chắc và thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Tham gia HTX đã giúp các thành viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất; xây dựng quy chế hoạt động sản xuất của các hộ trong vùng nuôi; thống nhất về bảo vệ môi trường nguồn nước; thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, đồng thời quản lý tốt chất lượng nguồn giống, thức ăn, thuốc nuôi trồng thủy sản, các chế phẩm sinh học, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nuôi thủy sản... Hệ thống hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản cũng từng bước được cải tạo, nâng cấp, tạo thuận lợi cho sản xuất. Nhờ đó, trung bình mỗi ha nuôi trồng của thành viên đạt từ 180 đến 200 triệu đồng.

Toàn tỉnh hiện có 22 HTX chuyên về nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản với hàng trăm hộ nông dân tham gia. Các HTX nuôi trồng, chế biến thủy hải sản đã tập trung đổi mới bộ máy tổ chức, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên và người lao động, đồng thời thúc đẩy hoạt động chăn nuôi thủy sản ở các địa phương phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Việc mở rộng các mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cho một số nông sản có thế mạnh của địa phương cũng góp phần quan trọng để các HTX phát triển thành sản phẩm OCOP. Để phát huy thế mạnh các HTX nói chung, HTX nuôi trồng, chế biến thủy hải sản nói riêng, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho các HTX như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể; tổ chức cho thành viên tham quan, học tập thực tế tại các mô hình HTX tiêu biểu trong và ngoài tỉnh; tư vấn hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương; khai thác, tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình, dự án tháo gỡ khó khăn về vốn giúp nhiều HTX đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tìm được chỗ đứng trên thị trường, xây dựng thương hiệu HTX. Liên minh HTX tỉnh còn phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tư vấn, tập huấn cho các HTX đã có sản phẩm chủ lực, chủ động tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, làm tem, nhãn, bao bì, thủ tục hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tư vấn để các HTX áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển đổi sang mô hình sản xuất hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao cho thành viên HTX.

Thời gian tới, các HTX tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh trong khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường quan tâm, tạo điều kiện giúp các HTX tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn mở rộng đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và tìm thị trường đầu ra ổn định cho các mặt hàng thủy hải sản./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com