Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế

08:07, 15/07/2021

Hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Vì vậy tỉnh ta luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài; các hoạt động đối ngoại kinh tế; xuất, nhập khẩu… để tăng cường hội nhập quốc tế.

Sở KH và CN hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, nghiên cứu đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ mới của nước ngoài do Công ty CP Công nghệ Venus cung ứng để nâng cao năng lực sản xuất.
Sở KH và CN hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, nghiên cứu đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ mới của nước ngoài do Công ty CP Công nghệ Venus cung ứng để nâng cao năng lực sản xuất.

Kết quả tiêu biểu

Những năm qua, tỉnh đã quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, giảm bớt chi phí nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp FDI. Trong đó, tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua các cơ quan ngoại giao và các doanh nghiệp nước ngoài đến từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư ổn định tại Nam Định. Chuẩn bị cơ sở hạ tầng đồng bộ về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc và mặt bằng, nhất là tại các KCN, để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Đẩy nhanh lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính từ chính quyền cấp tỉnh đến cấp xã, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất sớm nhất các thủ tục, nhất là các thủ tục về đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng. Trong giai đoạn 2016-2020, có 72 dự án FDI được cấp phép với tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 2.798,4 triệu USD số vốn đã thực hiện đạt 126,8 triệu USD. Lũy kế đến  hết năm 2020, có 120 dự án được cấp phép đầu tư vào tỉnh còn hiệu lực với số vốn đăng ký 3.557 triệu USD; trong đó, đứng đầu là Trung Quốc với 29 dự án, Hàn Quốc với 28 dự án, Hồng Kông 23 dự án, Hoa Kỳ 8 dự án... Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho một lượng lớn lao động, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân địa phương. Cùng với việc bổ sung vốn cho nền kinh tế, các doanh nghiệp FDI còn góp phần chuyển giao công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý, góp phần thúc đẩy phát triển, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp nội tỉnh. Nhiều hoạt động đối ngoại kinh tế được duy trì, thúc đẩy hiệu quả. Đáng kể như việc thực hiện các dự án ODA trên các lĩnh vực đất đai, nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục do Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tài chính Cô-oét đầu tư. Hợp tác kinh tế quốc tế trong lĩnh vực NN và PTNT được tỉnh ta quan tâm đặc biệt nhằm nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, cải thiện tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và phụ thuộc quá nhiều vào hóa chất trong cả quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, đưa nông nghiệp tỉnh ta tiếp cận với công nghệ cao và thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành. Không dừng lại ở đó, hợp tác thành công trong lĩnh vực nông nghiệp còn có tác động rất lớn thúc đẩy các ngành công nghiệp khác của tỉnh. Do đó, tỉnh ta đã xây dựng các quan hệ hợp tác với đối tác Mỹ, Ít-xra-en, Nga, Nhật Bản để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thiết bị mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Trong đó, đã nỗ lực duy trì chương trình hợp tác giữa tỉnh ta với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu của Nhật Bản, tiêu biểu là chương trình chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ gắn với sản xuất rau củ hữu cơ an toàn...

Tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp nội tỉnh nâng cao chất lượng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Đáng chú ý là các khối doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp chế biến dược phẩm, doanh nghiệp cơ khí đã có nhiều nỗ lực, chủ động đổi mới tổ chức sản xuất, đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến theo quy chuẩn quốc gia và các nước đối tác. 5 sản phẩm công nghiệp chế biến đã thâm nhập, định vị thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu khó tính như khối EU, Nhật Bản… gồm: gạo sạch Toản Xuân của Công ty TNHH Toản Xuân, muối NADISALT của Công ty CP Muối và Thương mại Nam Định, ngao Lenger của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, tép moi của Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương (Giao Thủy), kẹo sìu châu của Công ty TNHH Kim Thành Hoa (thành phố Nam Định). 

Tăng cường các giải pháp thiết thực

Để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, các ngành, các địa phương đã chủ động phân tích, đánh giá xác định các mặt còn hạn chế, bất cập để có giải pháp khắc phục. Theo đó, đã nhận diện được việc các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn hiện tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu chủ yếu ở các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, nhất là các sản phẩm phải nhập khẩu nguyên phụ liệu (dệt, may mặc, da giày). Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ hiện đại từ khu vực FDI sang khu vực doanh nghiệp nội tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động thời gian qua còn hạn chế. Xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp vẫn tăng trưởng chủ yếu ở khối doanh nghiệp FDI sản xuất các mặt hàng dệt, may mặc, da giày. Như vậy, mục tiêu hội nhập để hỗ trợ phát triển sản xuất nội địa vẫn còn hạn chế, chưa như yêu cầu đề ra.

Từ đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, các địa phương đã bám sát tinh thần chỉ đạo tại Kế hoạch số 75 ngày 17-8-2020 của UBND tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 gắn bảo vệ môi trường và linh hoạt thích ứng với những thay đổi cũng như những xu thế mới về hợp tác đầu tư nước ngoài. Trong đó, chú trọng nghiên cứu chuyên sâu, cụ thể tác động của việc thực thi các hiệp định thương mại đối với phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng. Giúp tỉnh xây dựng và hoàn thiện các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt hướng tới thị trường các nước là thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Mỹ. Nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với tiêu chí hợp tác đầu tư mới, tiếp tục duy trì các thị trường, các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, EU. Mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, xây dựng lại cơ cấu thị trường, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, chuyển dịch sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng tăng sản phẩm chế biến và chế biến sâu, đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp nội tỉnh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Phát huy thế mạnh của các dự án đầu tư nước ngoài đã hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhất là các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường. Chú trọng hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài; đề cao trách nhiệm, vai trò, hợp tác của nhà đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, thị trường; tăng cường cơ chế đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang thực hiện./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com