Quyết liệt cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

07:05, 05/05/2021

Theo báo cáo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, tỉnh ta xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố với tổng số 63,10 điểm; so với năm 2019, năm nay PCI tỉnh ta giảm 1,99 điểm, hạ 7 bậc, nằm trong nhóm trung bình của cả nước.

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, ngành chức năng, Công ty TNHH Quốc tế KAM FUNG Việt Nam đã nhanh chóng hoàn tất đưa nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em vào hoạt động tại CCN Thịnh Lâm (Giao Thủy).
Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, ngành chức năng, Công ty TNHH Quốc tế KAM FUNG Việt Nam đã nhanh chóng hoàn tất đưa nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em vào hoạt động tại CCN Thịnh Lâm (Giao Thủy).

Phân tích kết quả đạt được cho thấy, trong năm 2020 - một năm đặc biệt, phải đối mặt với tác động tiêu cực nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, thảm họa y tế toàn cầu gây ra nhưng hệ thống chính quyền toàn tỉnh rất nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh trên tinh thần cầu thị, lắng nghe doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đánh giá cao sự chuyển động ấn tượng của nhiều lĩnh vực trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh như: thể chế pháp luật và an ninh, cạnh tranh bình đẳng được nâng cao, giảm thiểu chi phí thời gian, chi phí không chính thức, việc gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai ngày càng thuận lợi hơn. Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2020 của tỉnh có 6 chỉ số tăng điểm so với năm 2019. Trong đó, tăng cao nhất là chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt 6,88 điểm, tăng 0,64 điểm cho thấy các doanh nghiệp đánh giá mức độ bình đẳng trong môi trường cạnh tranh của tỉnh được cải thiện tích cực hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chính quyền địa phương ưu ái thu hút đầu tư FDI hơn so với thu hút đầu tư tư nhân trong nước đã giảm; đáng chú ý là xu hướng ít ưu ái hơn với doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp thân quen; tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân đồng ý với nhận định “nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai...) chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen cán bộ chính quyền” cũng giảm mạnh. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức đã giảm; các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được giúp chỉ số này đạt 6,26 điểm, tăng 0,46 điểm so với năm 2019. Nhìn chung, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá năm 2020 chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục chuyển biến tích cực; trong đó thủ tục, giấy tờ đơn giản hơn, thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn, cán bộ Nhà nước giải quyết công việc hiệu quả, thân thiện hơn. Đáng chú ý, số cuộc thanh, kiểm tra doanh nghiệp có xu hướng giảm. Nhờ đó, chỉ số chi phí thời gian của tỉnh đạt 6,80 điểm, tăng 0,40 điểm so với năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc được thực thi hợp đồng” tiếp tục được cải thiện tích cực; tỷ lệ doanh nghiệp cho biết tình hình an ninh trật tự tại địa phương là tốt và rất tốt tiếp tục tăng đã góp phần nâng điểm của chỉ số thể chế pháp luật và an ninh trật tự đạt 7,03 điểm, tăng 0,32 điểm so với năm 2019. Các nhà đầu tư đánh giá cơ hội tiếp cận sử dụng đất có chiều hướng thuận lợi hơn năm trước giúp chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh đạt 6,58 điểm, tăng 0,30 điểm, với các yếu tố cải thiện như: giảm mức độ cản trở về tiếp cận/mở rộng mặt bằng kinh doanh, tính chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch được nâng cao, tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh hơn... Chỉ số gia nhập thị trường đạt 8,45 điểm, tăng 0,28 điểm cho thấy các doanh nghiệp ghi nhận sự cải thiện, chuyển biến chất lượng ứng xử, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh trong quan hệ với doanh nghiệp. Cụ thể gồm: cán bộ hướng dẫn rõ ràng đầy đủ, cán bộ nhiệt tình, thân thiện, cán bộ am hiểu chuyên môn, thủ tục được niêm yết công khai, việc ứng dụng công nghệ thông tin tốt, doanh nghiệp được hỗ trợ làm thủ tục đăng ký qua phương thức mới (trực tuyến, thủ tục hành chính công, bưu điện)... Nam Định tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

 Tuy nhiên, dù chỉ giảm chưa đến 2 điểm tổng số song thứ hạng PCI năm 2020 của tỉnh lại tụt khá xa, từ nhóm khá trên cả nước (năm 2019) xuống nhóm trung bình. Có 4/10 chỉ số thành phần PCI giảm điểm là: tính năng động của chính quyền đạt 5,92 điểm, giảm 1,13 điểm so với năm 2019; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 5,40 điểm, giảm 0,75 điểm; tính minh bạch đạt 5,83 điểm, giảm 0,72 điểm; đào tạo lao động đạt 6,78 điểm, giảm 0,09 điểm. Thực tế kể trên cho thấy sự quyết liệt vươn lên của các địa phương trên đường đua PCI, đặt ra yêu cầu cho các cấp, các ngành trong tỉnh phải quyết tâm thực hiện các giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Theo đó, tỉnh xác định nhu cầu và không gian cải cách môi trường kinh doanh vẫn còn rất lớn và quá trình cải cách là một hành trình, cần liên tục mạnh mẽ, bền bỉ bước tiếp để leo lên những nấc thang thành công mới. Để tiếp tục nâng điểm các chỉ số thành phần đã tăng điểm cần lưu ý, dù cải cách hành chính có bước tiến song cần đẩy mạnh ở một số lĩnh vực nhiều doanh nghiệp phản ánh còn phiền hà như: lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội hoặc trong việc cấp phép kinh doanh có điều kiện và một số loại giấy tờ cần thiết khác để doanh nghiệp đi vào hoạt động... Chú trọng nâng điểm chỉ số tính năng động của chính quyền, bởi đây là chỉ số có mức giảm sâu nhất trong các chỉ số bị giảm điểm. Cụ thể, các cấp chính quyền tỉnh cần linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh; kịp thời, hiệu quả trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Cấp huyện, xã cần nâng cao hiệu lực thực thi các chủ trương của lãnh đạo tỉnh, khắc phục tình trạng trên “nóng” dưới “lạnh”, chính sách đúng đắn do cấp tỉnh đề ra chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường tính chủ động, tích cực chỉ đạo, điều hành, quán triệt nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Chú trọng cải thiện tính minh bạch, trong đó các sở, ngành, địa phương nâng cao chất lượng thông tin trên cổng thông tin điện tử của chính quyền, tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tiếp cận các loại thông tin về bản đồ, quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư công, tài liệu ngân sách, quy hoạch ngành, lĩnh vực, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới, chính sách ưu đãi đầu tư. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, tạo động lực tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com