Điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19

07:05, 04/05/2021

Ngày 2-4-2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng - TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 17-5-2021 với nhiều điều khoản nới lỏng hơn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD hỗ trợ tháo gỡ khó khăn tốt hơn cho khách hàng.

Giao dịch tại trụ sở Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh Nam Định).
Giao dịch tại trụ sở Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh Nam Định).

Hết quý I-2021, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh là 7.812 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN là 4.015 tỷ đồng. Trong đó, các TCTD đã thực hiện miễn, giảm lãi vay đối với 2.124 khách hàng với dư nợ được miễn, giảm là 2.675 tỷ đồng; số tiền lãi được miễn, giảm là 6,05 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 983 khách hàng với dư nợ được cơ cấu lại là 1.424 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thông tư 01/2020/TT-NHNN chưa thực sự đi vào cuộc sống khi thời hạn kết thúc tái cơ cấu, miễn giảm lãi quá ngắn, chưa phù hợp với thực tế do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, áp lực hạ giảm lãi suất khiến ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro lớn. Chính vì thế, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đề xuất NHNN phải sớm điều chỉnh Thông tư 01 đảm bảo phù hợp hơn với thực tế. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, Thông tư 03 mới được ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại. Qua đó đáp ứng được kỳ vọng của các TCTD, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc cũng như tháo gỡ sự lúng túng cho các TCTD trong các hoạt động như: cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi phù hợp… Điểm mới trong Thông tư 03 vừa được NHNN ban hành có thể kể đến như: ấn định thời điểm kết thúc tái cơ cấu, miễn giảm lãi được kéo dài đến ngày 31-12-2021, và quy định về trích lập dự phòng với lộ trình 3 năm theo các mức 30%, 60%, 100%.

Tại Thông tư 01, NHNN chỉ cho phép tái cơ cấu với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ từ 23-1-2020 đến sau 3 tháng từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch. Theo giới chuyên môn đánh giá, việc này đã gây khó khăn cho TCTD khi xác định các khoản nợ đủ điều kiện để tái cơ cấu, cũng như theo dõi và hạch toán trong kế toán khi ngày lấy mốc có thể không trùng với kỳ hạch toán kế toán của ngân hàng. Để khắc phục vấn đề, tại Thông tư 03, NHNN đã bổ sung thêm các điều kiện để cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tái cơ cấu các khoản nợ còn lại đến hạn. Cụ thể, các TCTD được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến hết năm 2021. Ngoài ra, NHNN vẫn giữ nguyên quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày TCTD thực hiện cơ cấu lại. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện đến ngày 31-12-2021. Hiện số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại, không phải áp dụng nguyên tắc phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định. Tuy nhiên, vào thời điểm kết thúc thời hạn tái cơ cấu, ngân hàng phải dùng một khoản tiền lớn để trích lập dự phòng rủi ro, theo đó lợi nhuận sẽ bị hụt đi đáng kể. Để tránh tình trạng này, thay vì để ngân hàng tự chủ động trích lập thì NHNN đã đưa ra một lộ trình cụ thể kéo dài trong 3 năm và buộc các ngân hàng thương mại phải tuân thủ. Cụ thể, số tiền dự phòng phải trích bổ sung là số tiền chênh lệch giữa dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ khách hàng nếu không tái cơ cấu và số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tỷ lệ trích lập này sẽ phải đạt tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, muộn nhất 31-12-2021 và tăng lên tối thiểu 60% và 100% lần lượt vào cuối năm 2022 và 2023.

Như vậy, Thông tư 03 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh, cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại. Theo đó, đối với phía doanh nghiệp, việc bổ sung thêm các điều kiện để cho phép tái cơ cấu các khoản nợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. Đối với ngân hàng, việc bổ sung quy định phân bổ trích lập dự phòng nợ xấu trong ba năm sẽ giảm bớt chi phí dự phòng cho ngân hàng, nhất là trong năm 2021. Với việc giãn lộ trình trích lập dự phòng, chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2021, từ đó giúp các ngân hàng thương mại có dư địa thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn và thúc đẩy cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định sẽ tập trung triển khai tập huấn, hướng dẫn các nội dung Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho các TCTD và doanh nghiệp, người dân nắm rõ. Tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trên địa bàn theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam. Yêu cầu các TCTD rà soát, thống kê các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tập trung cơ cấu lại thời hạn, miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 03. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nợ xấu phát sinh mới, phân loại nợ và trích lập đầy đủ dự phòng theo quy định. Tăng cường các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi tối đa các khoản nợ xấu. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành Thông tư 01 và Thông tư 03 tại các TCTD trên địa bàn; yêu cầu các TCTD phải chủ động, tích cực đồng hành cùng khách hàng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đồng thời phải có tài liệu minh chứng rõ ràng, cụ thể về việc triển khai Thông tư 01 và Thông tư 03 đến khách hàng để kịp thời có những biện pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com