Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp - Vấn đề cần quan tâm

07:05, 04/05/2021

Những năm qua, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), bảo vệ môi trường (BVMT) trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ. Qua đó, nhận thức của người dân về bảo vệ an toàn sức khoẻ bản thân, gia đình, cộng đồng và giữ gìn vệ sinh môi trường ngày càng được nâng cao, diện mạo, môi trường nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Nông dân xã Yên Cường (Ý Yên) thu hoạch nông sản.
Nông dân xã Yên Cường (Ý Yên) thu hoạch nông sản.

Từ những điểm sáng

Buổi hướng dẫn làm phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản của các chuyên gia Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức ở nhà văn hoá xã Yên Cường (Ý Yên) thu hút đông đảo người dân tham gia. Người dân được các chuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cho đất bạc màu, đất thiếu dinh dưỡng bằng phân hữu cơ trong canh tác, trả lại độ phì cho đất đai. Bằng phương thức canh tác mới (nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn) đã góp phần giải quyết tình trạng đất bạc màu, ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn sức khoẻ chính người chăm sóc cây, màu; các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn với người tiêu dùng ở xã Yên Cường được thị trường đón nhận. Đến nay, xã đã có 9 nông sản đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, bao gồm 8 sản phẩm rau, củ, quả và một sản phẩm chế biến (dầu lạc). Cùng với việc tổ chức, phối hợp các ngành, đoàn thể tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông dân, những năm qua, UBND xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ (Viện Khoa học nông nghiệp), Viện Di truyền nông nghiệp… tổ chức các lớp tập huấn ATVSLĐ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăn nuôi. Riêng năm 2020, trên địa bàn xã tổ chức 15 lớp với 1.790 học viên được bồi dưỡng về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, phân loại rác thải tại nguồn. Ông Nguyễn Văn Khuê (63 tuổi), thôn Phú Bình chia sẻ: “Trước đây, có lần ruộng rau của gia đình tôi bị sâu bệnh nặng. Sốt ruột, tôi tự mua thuốc sâu để phun trừ, liều lượng thuốc pha nhiều hơn bình thường. Khi phun thuốc đúng thời điểm trời nắng nóng, phun xong tôi bị đau đầu, choáng váng... Sau khi được bồi dưỡng kiến thức sản xuất nông nghiệp từ các chuyên gia, tôi hiểu hơn về ATVSLĐ và BVMT trong làm nông nghiệp. Giờ đây, những mảnh ruộng mà tôi canh tác có môi trường sạch, cây trồng khỏe bảo đảm sinh trưởng tốt, hầu như không có sâu bệnh và không phải sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật”.

Xã Quang Trung (Vụ Bản) có trên 300 hộ tham gia sản xuất nghề cơ khí, tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương và các xã lân cận. Tuy nhiên, nghề rèn truyền thống cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của người dân nơi đây. Hàng ngày, làng rèn thải ra môi trường các loại hóa chất độc hại như axit sunfuric đậm đặc, bụi cùng nhiều chất thải rắn chưa được thu gom và xử lý, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước… Để cải thiện môi trường cho nhân dân, xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tăng cường tuyên truyền cho hội viên và nhân dân về ATVSLĐ và BVMT. Từ năm 2015, Hội LHPN xã Quang Trung thực hiện mô hình “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường làng nghề”; thành lập “Đội tuyên truyền viên bảo vệ môi trường làng nghề”. Đội BVMT làng nghề hướng dẫn các hộ gia đình thu gom, phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng tối đa và chuyển chất thải rắn đến nơi quy định. Thu gom, phân loại các chất thải nguy hại như rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật, các chất hóa học, dầu mỡ máy…; tuyên truyền, vận động nhân dân không vứt rác thải, chất thải xuống ao hồ, sông ngòi, đường làng ngõ xóm gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đội còn đến từng hộ gia đình sản xuất nghề cơ khí tuyên truyền, vận động không xả bừa bãi nước thải sản xuất, phát tán khí thải, tiếng ồn và độ rung vượt quá quy định cho phép… Những bức tranh tường với nhiều chủ đề như: BVMT; cây đa, bến nước, sân đình; xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa… cổ vũ mọi người tham gia giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên, hướng tới môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp. Với những hoạt động thiết thực, đến nay môi trường sống ở xã Quang Trung được cải thiện đáng kể.

Tiếp tục duy trì phối hợp bảo vệ môi trường

Để nâng cao nhận thức về ATVSLĐ và BVMT cho người dân, thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc thù từng địa phương. Hàng năm, Ban Chỉ đạo Tháng ATVSLĐ tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Sở LĐ-TB và XH với vai trò thường trực trong Ban Chỉ đạo đã biên soạn phát hành tờ gấp, sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tổ chức các lớp huấn luyện về công tác ATVSLĐ cho chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh ở một số làng nghề có nguy cơ cao mất ATVSLĐ; triển khai các đề án, mô hình cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn, sức khỏe người lao động… Ngành LĐ-TB và XH phối hợp với các ngành, đoàn thể: NN và PTNT, TN và MT, Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn, các lớp dạy nghề… trong đó trọng tâm là nội dung ATVSLĐ, BVMT, an toàn thực phẩm thu hút sự tham gia của nhiều người dân. Thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều địa phương trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề mở các lớp huấn luyện, trang bị kiến thức cơ bản cho các học viên về biện pháp bảo đảm ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp. Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách) hướng dẫn vệ sinh phòng dịch trong chăn nuôi; phương pháp vận hành, sử dụng một số loại máy móc, trang thiết bị nông nghiệp, ngành nghề nông thôn. Hội Nông dân tỉnh triển khai các mô hình, hoạt động BVMT trong hội viên, nông dân; trong đó, nổi bật là xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi xanh - sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao; tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện ATVSLĐ, xây dựng các mô hình thu gom rác thải trên đồng ruộng, BVMT trong các làng nghề gắn với việc triển khai xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện công tác vệ sinh môi trường xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP; sản xuất rau sạch; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sử dụng phân bón; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học an toàn và hiệu quả; cách chăn nuôi và phòng trị bệnh trong chăn nuôi; cách bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch. Để thực hiện tốt nhiệm vụ BVMT, MTTQ các cấp đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động nhân dân xây dựng các tuyến phố, khu dân cư kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp; bổ sung những nội dung về BVMT vào hương ước, quy ước để mọi người dân cùng thực hiện; đưa nội dung BVMT vào tiêu chuẩn thi đua, bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Khu dân cư 5 không”… Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình tự quản về môi trường như “Khu dân cư tự quản BVMT”, “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường”, “Tổ thu gom rác thải”, “Tổ tự quản BVMT”… đã góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội thực hiện có hiệu quả công tác BVMT. Đoàn Thanh niên với phong trào “Ngày thứ Bảy tình nguyện”; đảm nhận các tuyến đường tự quản; xây dựng và nhân rộng mô hình, công trình, phần việc thanh niên BVMT. Hội CCB tỉnh phối hợp với Sở TN và MT tổ chức tập huấn truyền thông kiến thức cơ bản về môi trường cho cán bộ và hội viên CCB ở xã, xóm, tổ dân phố, khu dân cư; đồng thời trao một số vật dụng thu gom xử lý rác thải tại nguồn cho Hội CCB, từ đó xây dựng các mô hình “Tổ, đội CCB tự quản thu gom rác thải”.

Thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến về ATVSLĐ giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng. Tập trung đào tạo, huấn luyện kiến thức cho nông dân để vận hành máy nông nghiệp an toàn, hiệu quả. Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, sáng kiến hiệu quả về ATVSLĐ và BVMT./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com