Nhân rộng mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi

09:05, 06/05/2021

Với tinh thần xung kích, giàu lòng nhiệt huyết và sức sáng tạo của tuổi trẻ, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã tích cực thi đua phát triển kinh tế bằng nhiều mô hình mới với cách làm hay, sáng tạo làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Xuất thân từ gia đình thuần nông, ngay từ nhỏ, anh Bùi Ngọc Biên, xã Yên Trung (Ý Yên) đã gắn bó với ruộng đồng. Bố mất sớm nên năm 2016, sau khi học xong trường trung cấp nghề, anh Biên đã lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Nhận thấy đồng đất nơi mình sinh sống có nhiều thùng trũng, cấy lúa kém hiệu quả, anh Biên quyết tâm cải tạo ruộng đất và chuyển đổi sang hình thức canh tác mới để có thể tìm được hướng phát triển kinh tế. Cùng thời điểm đó, đến tham quan mô hình nuôi cá Koi của một số người bạn ở huyện Vụ Bản, anh bắt đầu tìm hiểu về cách nuôi thả giống cá này. Cũng từ đây, mơ ước được làm chủ một trang trại nuôi cá Koi bắt đầu được nhen nhóm và ấp ủ trong anh. Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, sau khi bàn bạc cùng gia đình, năm 2019, anh đã nhận đấu thầu diện tích hoang hoá của xã.

Mô hình nuôi cá Koi của anh Bùi Ngọc Biên, xã Yên Trung (Ý Yên).  ảnh: Do cơ sở cung cấp

Mô hình nuôi cá Koi của anh Bùi Ngọc Biên, xã Yên Trung (Ý Yên).

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Thời gian đầu, với số tiền tiết kiệm và vay mượn thêm từ anh em, bạn bè và tín chấp tại ngân hàng, anh đầu tư 1,2 tỷ đồng để quy hoạch vùng nuôi, cơ sở vật chất, làm đường, hệ thống điện và cải tạo ruộng trũng thành ao nuôi cá. Năm 2020, anh thả lứa cá Koi giống đầu tiên. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên có những lần cá chết hàng loạt. Tuy vậy, anh Biên không nản chí, luôn động viên mình cố gắng để chinh phục được loại cá “khó tính” này. Với sự hỗ trợ nhiệt tình về kỹ thuật của những người nuôi cá đi trước, sau hơn 1 năm lăn lộn, vất vả cùng cá chép Koi, đến nay trên diện tích 4ha chuyển đổi, anh Biên đang duy trì 4 ao nuôi với diện tích từ 1-2ha/ao, trong đó có 2 ao nuôi thả cá giống với khoảng 70-80 vạn con/ao và 2 ao nuôi cá thương phẩm, trung bình từ 2-3 nghìn con/ao. Sau hơn một năm nuôi thả, mô hình nuôi cá Koi của gia đình anh Biên đã bắt đầu mang lại hiệu quả. Với đầu ra ổn định, được xuất bán với số lượng lớn cả cá giống và cá thương phẩm, 4 ao nuôi cá Koi của anh Biên đã mang lại nguồn thu ổn định, bước đầu thu lãi trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 3-4 lao động, chủ yếu là thanh niên địa phương với mức thu nhập từ 200-250 nghìn đồng/người/ngày. Để mô hình được duy trì và phát triển, anh Biên mong muốn mở rộng thêm diện tích nuôi thả và chủ động được nguồn cá giống từ việc lai ghép các cặp cá bố mẹ để sinh sản. Ngoài mô hình nuôi cá, hiện anh Biên còn kinh doanh dịch vụ lái máy xúc, cho thu nhập từ 30-40 triệu đồng/tháng. 

Anh Đinh Văn Thuận, xóm Nam Châu, xã Hải Đông (Hải Hậu) cũng thành công với mô hình nuôi cá, tôm… và cánh đồng trồng đinh lăng, cây dược liệu. Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Thuận cho biết: Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh đã nỗ lực rèn luyện và được kết nạp Đảng ngay trong quân ngũ năm 2005. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Thuận thi đỗ vào Khoa Điện tử viễn thông, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (2006-2011). Năm 2013, sau khi trải qua nhiều công việc ở xứ người, anh quyết định trở về thực hiện ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương. Hiểu được đặc tính của phần lớn diện tích đất canh tác trên địa bàn xã Hải Đông trước kia vốn là vùng đất chua mặn, chân đất cao, nguồn nước khó dẫn nên năng suất và hiệu quả kinh tế từ trồng lúa không cao, khi địa phương có chủ trương dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, chuyển đổi những diện tích trồng lúa, làm muối kém hiệu quả, anh mạnh dạn chuyển đổi đầu tư san lấp, cải tạo xây dựng hệ thống tưới tiêu, quy hoạch thành các vùng chuyên canh cây đinh lăng, cây dược liệu kết hợp nuôi thủy sản. Nhờ nắm chắc các kỹ thuật chăm sóc và nghiên cứu thị trường ngay từ khi đầu tư và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nên mô hình sản xuất của anh Thuận cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, trang trại của anh mở rộng với diện tích gần 4ha trồng đinh lăng, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Từ cây đinh lăng, anh còn chủ động tham khảo và chế biến thành công đưa ra sản phẩm “Mứt đinh lăng Đinh Thuận” để cung ứng ra thị trường và được thị trường chấp nhận.

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, lập nghiệp tại quê hương. Đến nay, Tỉnh Đoàn đã tổ chức được 114 lớp tư vấn nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho 27.080 thanh niên tham gia; đã giới thiệu việc làm cho 9.400 đoàn viên, thanh niên, hỗ trợ cho 512 thanh niên lập thân, lập nghiệp, 4.990 thanh niên được tổ chức Đoàn tư vấn xuất khẩu lao động và 970 bộ đội xuất ngũ được giải quyết việc làm. Hoạt động của các câu lạc bộ thanh niên giữ gìn nghề và phát triển nghề truyền thống, tham gia xây dựng nông thôn mới đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Trong đó hộ tham gia sản xuất ở sản phẩm của các làng nghề truyền thống như: Nghề dệt thêu ren ở Trực Ninh; sản xuất cơ khí ở Nam Trực; mây tre đan, sơn mài mỹ nghệ ở Ý Yên; Mô hình trồng nấm, mộc nhĩ ở Xuân Kiên, chăn nuôi lợn ở Xuân Thành, đồ gỗ ở Đoàn xã Xuân Bắc (Xuân Trường)… Nhiều sản phẩm đã tiêu thụ được nhiều ở thị trường trong và ngoài nước mang lại nguồn thu ổn định. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên vận động đoàn viên, thanh niên tham gia các mô hình kinh tế như: Trồng nấm rơm, nuôi lợn, nuôi gà, nuôi thủy sản, ba ba, ếch, cá lồng bè…; duy trì tổ góp vốn xoay vòng vốn không tính lãi trong đoàn viên, thanh niên. Mô hình “Thanh niên giúp nhau làm kinh tế gia đình” được duy trì với các hình thức giúp nhau cây con giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và các hình thức xoay vòng vốn, tổ hợp tác thanh niên... Các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh đã hướng dẫn đoàn viên, thanh niên lập các dự án và giải ngân các nguồn vốn vay cho đoàn viên, thanh niên. Đến nay, toàn tỉnh có 190 tổ tiết kiệm vay vốn cho 5.818 hộ vay với tổng dư nợ 190,136 tỷ đồng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nhân rộng các mô hình tiêu biểu, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.

Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com