An toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ truyền thống

05:05, 07/05/2021

Chợ truyền thống là nơi cung cấp nguồn thực phẩm thường xuyên cho hầu hết người dân. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều chợ có cơ sở hạ tầng yếu kém, ý thức của tiểu thương chưa cao..., từ đó gây nên nỗi lo thực phẩm “bẩn” cho người tiêu dùng.

Đi khảo sát một vòng ở chợ Văn Miếu (thành phố Nam Định) chúng tôi nhận thấy nhiều hàng thịt bày bán thịt tươi sống ngay bên cạnh thịt đã qua chế biến (lòng, xúc xích, giò chả) mà không có lớp bọc bảo vệ bên ngoài. Nhiều quầy thịt được bày trên các bàn gỗ đã cáu đen vì bụi bẩn và mỡ bám lâu ngày không bảo đảm vệ sinh, đặt ở vị trí thấp, thậm chí nhiều quầy để ngay trên nền đất có đông người qua lại. Tình trạng giết mổ gia cầm, hải sản nhỏ lẻ cũng làm tăng thêm nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) tại đây. Xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng là muốn mua những loại gia cầm, hải sản đã được làm sạch nên hầu hết chủ hàng đều làm sạch ngay tại điểm bán. Chỉ cần vài vật dụng sơ sài như tấm bìa cũ, chiếc giẻ lau, một chiếc dao hoặc kéo…, các chủ hàng đã có thể nhanh chóng giết mổ các loại gia cầm, hải sản cho khách hàng. Mùi hôi tanh của nước thải từ việc giết mổ gia cầm quện với mùi phân gia cầm bốc lên nồng nặc cả một góc chợ. Chị Liên, chuyên kinh doanh gà vịt tại chợ cho biết: “Việc giết mổ gia cầm tại chợ tất nhiên không thể sạch sẽ như ở nhà vì diện tích chật hẹp, nước dùng tiết kiệm, lượng hàng bán ra tương đối nhiều ở một thời gian nhất định và đông người qua lại. Nhưng nếu chúng tôi không làm thì hầu như gà, vịt không ai mua vì khách hàng bây giờ đều “ngại” làm”. Chính tâm lý “ngại” của khách hàng khi mua thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống đã vô tình để nhiễm bẩn cho thực phẩm của mình cũng như ô nhiễm môi trường khu vực chợ, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Khu bán thực phẩm tươi sống tại chợ Hoàng Ngân (thành phố Nam Định).
Khu bán thực phẩm tươi sống tại chợ Hoàng Ngân (thành phố Nam Định).

Tại chợ Hạ Long (thành phố Nam Định), bên cạnh các mặt hàng thịt tươi sống, hầu hết chủ bán hàng ăn sẵn như bún, phở, bánh cuốn đều dùng tay trần để bốc bún, rau, thịt… vào các tô, đĩa, bao nilon để bán cho thực khách. Do không gian chật hẹp, thiếu nước nên vấn đề vệ sinh dụng cụ chứa thức ăn cũng không được các chủ hàng quan tâm. Nhiều hàng chỉ dùng một tấm giẻ lau nhàu, cũ để lau chén, dĩa trước khi đựng thức ăn cho thực khách. Tuy nhiên các quán đều có đông khách ăn và mua về. Tại các quầy thực phẩm công nghệ như giò, chả, nem… được bày bán cạnh các dãy hàng rau, thịt lợn, bò… nhưng ít quầy có tủ hoặc tấm chắn che đậy thực phẩm. Đây cũng  là những sản phẩm có nguy cơ cao về sử dụng các chất cấm trong chế biến thực phẩm nhưng dường như đang bị bỏ ngỏ, không có sự kiểm soát và chứng nhận về chất lượng của các cơ quan chức năng. Chị Nga, nhà ở đường Trường Chinh cho biết: “Mỗi lần đi chợ tôi thực sự băn khoăn khi phải chọn thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Tuy nhiên rất khó xác định đâu là thực phẩm sạch khi tất cả thực phẩm bày bán ở chợ đều không qua kiểm duyệt. Những người nội trợ như tôi chỉ biết mua bằng kinh nghiệm và cảm quan của mình(!). Chuyện mua phải rau quả phun thuốc kích thích hay thịt không đảm bảo vẫn xảy ra”. Không chỉ đối với thực phẩm tươi sống, hàng chế biến sẵn, các loại thực phẩm khô cũng đang báo động về tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại chợ Mỹ Tho, nhiều mặt hàng như bánh kẹo, nấm, măng khô, gia vị… chỉ được đóng trong các bao tải, không nhãn mác. Qua tìm hiểu được biết, phần lớn những thực phẩm này được nhập từ Trung Quốc dưới dạng đóng thùng carton hoặc bao tải nên không có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng… Đặc biệt, một trong những mặt hàng Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường là các loại bánh kẹo bình dân giá rẻ, không nguồn gốc, xuất xứ. 

Hiện nay ở hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng như vậy. Tại vùng nông thôn, ngoài tình trạng bày bán thực phẩm tươi sống, việc để các loại rau củ quả dưới nền đất, các loại thực phẩm chế biến sẵn không có tủ kính che đậy, khiến bụi bặm, ruồi nhặng mang theo vi khuẩn có thể xâm nhập diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói là nguy cơ mất vệ sinh diễn ra ngay trước mắt nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận và đây là nguyên nhân làm cho tình trạng mất vệ sinh ATTP tại các chợ ngày càng phổ biến. Nguyên nhân do các chợ truyền thống đều được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp. Việc vi phạm vệ sinh ATTP chủ yếu liên quan đến các hộ kinh doanh có điều kiện kinh doanh chưa bảo đảm, ý thức chấp hành pháp luật hạn chế, chưa quan tâm lưu trữ hồ sơ nguồn gốc xuất xứ thực phẩm… Các tiểu thương thì lại đặt lợi ích kinh tế lên trên quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng nên đã trở thành cánh tay nối dài của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không an toàn, gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng. Thời gian qua, mặc dù đã có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhưng thực phẩm “bẩn” tại các chợ truyền thống dân sinh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đẩy lùi. 

Để bảo đảm vệ sinh ATTP tại các chợ dân sinh, rất cần các giải pháp đồng bộ như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm; nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, Luật An toàn thực phẩm đã có nhưng để người dân có ý thức tự giác thực hiện Luật thì cần có một thời gian dài. Trước mắt người tiêu dùng cần tự bảo vệ gia đình mình tránh khỏi mối nguy hại về mất an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách tẩy chay các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thông báo với cơ quan chức năng khi thấy các hành vi buôn bán hoặc sản xuất các thực phẩm không an toàn. Các cơ quan chức năng cũng cần nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh và sự hiểu biết từ người tiêu dùng, tăng cường khuyến cáo cho người dân phân biệt thế nào là thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn. Các địa phương, các ngành cần phối hợp để tuyên truyền, phổ biến cho người dân nuôi trồng các loại thực phẩm an toàn theo đúng quy trình, kỹ thuật. Và điều quan trọng nữa là mỗi người dân cần nhận thức đầy đủ về các mối nguy hiểm từ việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn nhằm phòng tránh ngộ độc thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Bài và ảnh: Hồng Minh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com