Phát triển bền vững nghề nuôi hàu giống

08:12, 23/12/2020

Cùng với các đối tượng nuôi thủy sản như tôm, cua, ngao..., hiện nay sản xuất hàu giống đang là một trong những thế mạnh, đem lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều nông dân vùng ven biển tỉnh ta.

Giống như ngao, hàu Thái Bình Dương là đối tượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ, ăn tảo, rong, mùn hữu cơ có sẵn trong nước, có thể sống ở vùng nước mặn lợ nhưng có giá trị kinh tế cao hơn ngao. Hiện nay, tại nhiều địa phương trong cả nước, nghề nuôi hàu thương phẩm theo quy mô công nghiệp đang giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân ven biển. Theo các hộ nuôi hàu, đây là đối tượng tương đối dễ nuôi, hình thức nuôi đơn giản, chi phí không quá lớn. Để sản xuất 2,5 tấn hàu thương phẩm chỉ cần đầu tư ban đầu 10-20 triệu đồng/bè, sau 8 tháng nuôi có thể lãi 22-34 triệu đồng/bè, cao gấp 5-6 lần so với nuôi cá nhưng ít rủi ro và quay vòng vốn nhanh hơn. Tại miền Bắc, vùng nuôi hàu Thái Bình Dương tập trung ở một số huyện Yên Hưng, Vân Đồn (Quảng Ninh); Cát Hải (Hải Phòng)… Mặc dù điều kiện tự nhiên chưa phù hợp với nuôi hàu thương phẩm song nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều hộ dân ven biển trong tỉnh đã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi hàu giống và trở thành một trong những nơi cung cấp giống chính cho các vùng nuôi hàu ở miền Bắc. Qua sách báo và tham quan thực tế các cơ sở sản xuất hàu giống tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), ông Trần Văn Đức, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) nhận thấy, so với sản xuất ngao giống thì hàu giống cho giá trị kinh tế cao hơn, thời gian sản xuất có thể kéo dài quanh năm, từ đó ông quyết định thử sức với đối tượng nuôi này. Năm 2020, ông Đức đã thuê lại 5ha vùng nuôi Đông Nam Điền ở xã Nghĩa Lợi và đầu tư trên 1,2 tỷ đồng xây dựng 1ha trại sản xuất hàu giống gồm hệ thống nhà có mái che kín, 15 bể xi măng ương giống thể tích 60-65m3 và gần 20 bể gây tảo làm thức ăn cho hàu giống có thể tích từ 3-20m3.

Cơ sở sản xuất hàu giống tại xã Hải Phúc (Hải Hậu).
Cơ sở sản xuất hàu giống tại xã Hải Phúc (Hải Hậu).

Chia sẻ về quy trình kỹ thuật, ông Đức cho biết, sản xuất giống hàu cơ bản gồm 6 bước là tuyển chọn hàu bố mẹ, nuôi vỗ, kích thích cho đẻ, nuôi ấu trùng nổi, cho bám, sau đó là ương con giống. Với 15 bể ương nuôi, ông Đức thường chọn 150kg hàu bố, mẹ được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các địa chỉ uy tín ở Quảng Ninh đảm bảo khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, vỏ không bị vỡ. Một yếu tố quan trọng nữa quyết định đến hiệu quả sản xuất giống chính là yếu tố nguồn nước, bởi hàu vốn sống phụ thuộc vào môi trường tự nhiên nên nước phải đảm bảo thật sạch thì hàu giống mới khỏe mạnh, tảo trong nước phải ở mức độ vừa phải nên ông Đức thường xuyên kiểm tra, bù khoáng cho nước, tránh việc hàu thiếu chất không sinh sản được hoặc con giống không đạt yêu cầu. Trước khi cho đẻ, ông Đức nuôi vỗ từ 5-10 ngày trong bể xi-măng với thức ăn là các loại vi tảo. Sau quá trình nuôi vỗ, kiểm tra tuyến sinh dục của hàu thấy rõ cơ quan sinh dục, tuyến sinh dục có màu trắng sữa chứa đầy nội tạng là ông tiến hành mổ đẻ. Thời gian cho một chu kỳ sản xuất giống khoảng 25-50 ngày phụ thuộc vào thời tiết, hàu sẽ đẻ nhanh hơn ở thời tiết nắng ấm. Ngược lại nếu thời tiết lạnh chu kỳ sản xuất có thể kéo dài gấp đôi. Hiện cơ sở sản xuất hàu giống của ông Đức đã hoạt động ổn định, mỗi lứa thu được 3.000-4.000 chùm hàu giống/bể. “Nếu cơ sở tiếp tục sản xuất ổn định như thời gian qua thì khoảng 1 năm nữa là tôi thu hồi hoàn toàn vốn đầu tư và bắt đầu có lãi” - ông Đức cho biết thêm. Cơ sở sản xuất của ông tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương 250-300 nghìn đồng/người/ngày tùy trình độ kỹ thuật chuyên môn. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện toàn tỉnh có khoảng 25 cơ sở sản xuất giống hàu Thái Bình Dương, mỗi năm sản lượng đạt trên 180 triệu con giống. Một số đơn vị, cơ sở sản xuất hàu giống điển hình là: Trung tâm Giống hải sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); cơ sở sản xuất giống thủy sản Minh Nguyên, Minh Du, xã Bạch Long và Xuân Hoàn, xã Giao Phong (Giao Thủy); Công ty TNHH Nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong… Mặc dù vậy, hiện nay các cơ sở giống trong tỉnh mới chỉ chủ yếu là sản xuất giống hàu bám, chưa sản xuất được hàu đơn (hàu rời). So với phương pháp nuôi bám, nuôi hàu đơn dễ quản lý, dễ thu hoạch, tạo được sản phẩm thương phẩm có kích cỡ đồng đều, tránh được hà bám và các loài cộng sinh khác do chủ động thời gian phơi nắng để làm vỏ hàu sạch.

Nhằm thúc đẩy nghề nuôi  hàu của tỉnh phát triển bền vững và hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ Công ty TNHH Thủy sản Minh Phú, xã Bạch Long (Giao Thủy) thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi hàu đơn Thái Bình Dương tại tỉnh Nam Định” với thời gian từ tháng 1-2020 đến tháng 12-2021. Sau gần 1 năm triển khai, Công ty đã đầu tư xây mới khu cách ly, nuôi vỗ hàu bố mẹ, mua các trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hàu rời. Cán bộ kỹ thuật của Công ty đã được chuyên gia của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ như: xây dựng và vận hành hệ thống, nuôi tảo, tuyển chọn hàu bố mẹ, nuôi vỗ thành thục, sinh sản nhân tạo, ấp nở trứng, ương hàu giống, tạo hàu rời, ương spat (ấu trùng bám) hàu rời, nuôi thương phẩm hàu rời. Thời gian tới, Công ty tiếp tục xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống hàu rời với quy mô đàn bố mẹ 1 tấn cho 100 triệu con giống sạch bệnh, đảm bảo yêu cầu nuôi thương phẩm; xây dựng 5 mô hình ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương đảm bảo an toàn thực phẩm làm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu; tổ chức hội nghị tham quan, chuyển giao công nghệ sinh sản hàu rời và nuôi hàu thương phẩm cho 200 người dân. Ông Đào Vương Quân, Giám đốc Công ty TNHH Minh Phú cho biết: Mặc dù tiềm năng phát triển nuôi hàu ở nước ta là rất lớn, tuy nhiên, việc bị động trong nguồn giống và công nghệ nuôi thấp dẫn tới chất lượng hàu thương phẩm chưa đảm bảo cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Dự án thành công sẽ đáp ứng được khoảng 50-60% nhu cầu con giống trong nước với giá giảm khoảng 20-30% so với hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng hàu giống ở Giao Thủy và tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung, giảm lệ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận công nghệ sản xuất hàu thương phẩm sạch tạo thêm những sản phẩm đặc thù cho tỉnh ta, từng bước hướng tới xuất khẩu, thúc đẩy nghề nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ phát triển bền vững.

 Có thể nói, nghề nuôi hàu giống ở tỉnh ta trong thời gian qua đã có bước phát triển mới song nhìn chung đây vẫn còn mang tính tự phát nên kỹ thuật nuôi trồng của các cơ sở đều là tự truyền cho nhau hoặc học hỏi ở các mô hình trước đó, chưa mang tính bài bản. Do vậy, để nghề nuôi phát triển bền vững cũng cần sự quan tâm hơn nữa của các ngành chức năng trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật sản xuất cho người dân. Đồng thời từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xây dựng thương hiệu hàu giống để tiếp tục phát triển, nâng cao thu nhập cho các hộ nuôi thủy sản ven biển./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com