Các mô hình chăn nuôi an toàn, hiệu quả ở Ý Yên

08:12, 23/12/2020

Trước tình trạng dịch bệnh trên lợn diễn biến phức tạp, đặc biệt đối với những bệnh chưa có vắc-xin phòng và thuốc chữa trị đặc hiệu; nhận thức, kiến thức của người chăn nuôi còn nhiều hạn chế; việc thực hiện các nguyên tắc an toàn sinh học vào quá trình chăn nuôi chủ yếu là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, lây lan gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, huyện Ý Yên đã tập trung áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi kinh tế tuần hoàn mở hướng phát triển mới để góp phần giữ vững và từng bước phục hồi ngành chăn nuôi của địa phương.

Kết quả khảo sát của ngành chức năng cho thấy, phần lớn các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Ý Yên chưa thực hiện các nguyên tắc an toàn sinh học; điều kiện, hạ tầng, thiết bị chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Một số hộ không làm tường rào bao quanh khu vực chăn nuôi dẫn đến khó kiểm soát người và các loại động vật, côn trùng không có lợi như ruồi, muỗi, chuột ra vào chuồng nuôi. Hầu hết các trang trại đều không có hố, khay thuốc khử trùng trước khi vào khu chăn nuôi. Tại cổng ra vào cơ sở chăn nuôi, trước khu vực chuồng nuôi, kho chứa thức ăn, phòng thay đồ bảo hộ đều không có biển hiệu, biển chỉ dẫn. Kho chứa thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y để bừa bộn, ẩm thấp, không được chống nóng. Nhiều trang trại không có hệ thống chuồng kín và lưới che chắn chống côn trùng. Nơi để thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… chưa được thông thoáng, còn ẩm thấp, không có kệ để thức ăn nên không bảo đảm chất lượng. Việc ghi chép sổ sách quản lý đàn lợn chưa đầy đủ và thiếu khoa học. Ở một số hộ chăn nuôi vẫn còn xảy ra tình trạng khu vực sinh hoạt của gia đình liền kề với chuồng nuôi. Mái chuồng ở một số cơ sở chăn nuôi không được chống nóng; hệ thống chuồng trại chưa thông thoáng, không có quạt thông gió làm mát; hệ thống cung cấp nước uống và núm uống lắp đặt chưa đúng vị trí, không bảo đảm cung cấp đủ nước và vệ sinh cho lợn. Các ô chuồng ở các hộ chăn nuôi cơ bản đã sử dụng máng ăn riêng nhưng dụng cụ vệ sinh giữa các dãy chuồng vẫn dùng chung với nhau làm tăng nguy cơ lây nhiễm nguồn bệnh. Việc vệ sinh chuồng nuôi lợn, các trang thiết bị dụng cụ chứa thức ăn, nước uống cho vật nuôi chưa đảm bảo vệ sinh theo yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Các hộ chăn nuôi đều không có khu riêng để cách ly lợn ốm hoặc lợn mới nhập về, chưa quy hoạch khu nuôi riêng cho từng giai đoạn sinh trưởng của lợn. Hệ thống bể tắm, chứa nước tiểu của lợn và phân cuối ô chuồng không đảm bảo vệ sinh. Nhìn chung việc xử lý nước thải ở nhiều hộ chăn nuôi chưa đảm bảo, gây mất vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Nhiều cơ sở chăn nuôi chưa chủ động được nguồn giống, vì vậy vấn đề chất lượng con giống cũng là điều đáng quan tâm của các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Các trại chăn nuôi chưa xây dựng được quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với các loại lợn theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của lợn. Một số hộ còn tùy tiện sử dụng kháng sinh, không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong việc phòng và chữa bệnh cho lợn nên hiệu quả không cao.

Mô hình kinh tế tuần hoàn chăn nuôi lợn tại trang trại của ông Nguyễn Văn Tiệp ở thôn Tam Quang, xã Yên Thắng.
Mô hình kinh tế tuần hoàn chăn nuôi lợn tại trang trại của ông Nguyễn Văn Tiệp ở thôn Tam Quang, xã Yên Thắng.

Xuất phát từ thực tế trên, UBND huyện Ý Yên đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các đơn vị liên quan tích cực triển khai hướng dẫn các hộ, trang trại chăn nuôi trên địa bàn triển khai đầu tư, cải tạo, nâng cấp về hạ tầng, trang thiết bị chăn nuôi, thực hiện các mô hình chăn nuôi lợn an toàn, hiệu quả. Đồng chí Trịnh Văn Mậu, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Ý Yên cho biết: Căn cứ kế hoạch phát triển chăn nuôi của từng cơ sở, trang trại Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) tổ chức kiểm tra, khảo sát và hướng dẫn các cơ sở cải tạo, nâng cấp chuồng trại chăn nuôi đáp ứng các tiêu chí về an toàn sinh học theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Nhờ đó đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành một số trang trại chăn nuôi theo mô hình mới, bảo đảm an toàn dịch bệnh và phát triển tốt như: trang trại của ông Nguyễn Văn Tiệp ở thôn Tam Quang, xã Yên Thắng có diện tích 30 nghìn m2, quy mô 300 đầu lợn; trang trại của ông Trần Văn Chương ở thôn Phương Sơn, xã Yên Lợi có quy mô 3.500m2 nuôi 500 con lợn, trong đó có 45 con lợn nái, 1 con lợn đực giống, 50 con lợn con, 250 lợn thịt; trang trại của ông Chu Văn Lượng, xã Yên Tân có quy mô 2.000m2 nuôi 1.100 con lợn, trong đó có 100 con lợn nái… Ông Nguyễn Văn Tiệp cho biết: Được cơ quan chức năng hướng dẫn, ông đã bố trí khu vực chăn nuôi cách xa nhà ở có cổng và hàng rào bao quanh ngăn cách với các khu vực khác. Hạn chế tối đa người lạ ra, vào khu vực chăn nuôi. Tại cổng và trước chuồng chăn nuôi, kho chứa thức ăn, phòng thay đồ bảo hộ đều có biển hiệu, hố khử trùng. Các ô chuồng nuôi được sắp xếp, bố trí lại phù hợp với từng đối tượng lợn nuôi; hệ thống máng ăn làm mới toàn bộ, trang bị hệ thống uống nước sạch tự động phù hợp với từng lứa tuổi lợn; trang bị lưới hoặc làm cửa kính kín chắn tại các cửa sổ để chống các loại côn trùng xâm nhập; cải tạo lối đi khu vực chăn nuôi, nâng mái chuồng lợn, làm mát chuồng lợn bằng quạt điện công nghiệp, mái tôn lạnh, bạt chống nóng. Thức ăn được sử dụng cho lợn là sản phẩm của các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, được bảo quản trong kho đựng riêng, kê cao trên kệ và có biện pháp chống ẩm mốc, chống chuột; lắp đặt hệ thống camera giám sát đàn lợn từ xa. Theo đánh giá của các hộ nuôi, việc lắp đặt hệ thống vòi uống nước tự động giúp giảm chi phí về nhân công, thời gian cho lợn uống nước, lợn được uống nước sạch và đầy đủ. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi đã có ý thức hơn trong việc thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại, đặc biệt là khu vực xung quanh chuồng nuôi, thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống sạch sẽ, sử dụng thuốc khử trùng đúng cách, đúng liều lượng. Chất thải chăn nuôi được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp. Chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý tốt đàn vật nuôi thông qua việc cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi đảm bảo đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ đầy đủ. Đối với con giống, các hộ nuôi đã chú trọng lựa chọn mua lợn giống tại những cơ sở sản xuất con giống đảm bảo an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng. Đàn lợn được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin; không mua giống tại nơi vừa xảy ra dịch. Trong quá trình vận chuyển, các cơ sở chăn nuôi đều bố trí phương tiện và thời gian vận chuyển phù hợp; khử trùng kỹ phương tiện trước và sau khi vận chuyển đàn lợn giống. Thực hiện nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi tình trạng sức khỏe.

Thời gian tới, huyện Ý Yên sẽ tiếp tục tuyên truyền mở rộng áp dụng các mô hình chăn nuôi mới, góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi và phát triển ngành chăn nuôi của huyện./.

Bài và ảnh: Văn Đại


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com