Hoạt động khuyến công - "Bà đỡ" cho nhiều cơ sở sản xuất CN-TTCN nông thôn (kỳ 2)

05:12, 21/12/2020

[links()]

Được đánh giá đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng hoạt động khuyến công của tỉnh vẫn còn một số bất cập phải tiếp tục khắc phục như: chất lượng thực hiện nhiệm vụ khuyến công cấp huyện chưa cao; việc phối kết hợp giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức hoạt động khuyến công chưa được thường xuyên, chặt chẽ; mức hỗ trợ thấp, thủ tục hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ rườm rà khiến nhiều doanh nghiệp e ngại chưa thiết tha tham gia…

II. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công

Chế biến gỗ ép tại Công ty Cổ phần Ðầu tư và Xây dựng Nam Thanh, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).
Chế biến gỗ ép tại Công ty Cổ phần Ðầu tư và Xây dựng Nam Thanh, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC và XTTM) tỉnh, trong quá trình thực hiện các chương trình khuyến công đã phát sinh, bộc lộ một số khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động khuyến công. Nhân lực làm công tác khuyến công các huyện, thành phố là kiêm nhiệm dẫn tới hoạt động này không được chú trọng đúng mức. Vì vậy công tác khảo sát nhu cầu cũng như tư vấn xây dựng đề án cho các cơ sở công nghiệp nông thôn cán bộ Trung tâm KC và XTTM tỉnh phải thực hiện. Một số quy định hồ sơ, thủ tục hỗ trợ của chương trình khuyến công còn phức tạp, phải trải qua nhiều công đoạn thẩm định, kiểm tra về điều kiện, tính chuẩn xác, sát thực trong đầu tư thiết bị máy móc, áp dụng công nghệ, tính mới của sản phẩm... Trong khi nhiều cơ sở sản xuất còn hạn chế về năng lực quản lý, kiến thức kinh doanh, khó khăn trong triển khai xây dựng đề án, hoàn thiện các thủ tục thanh quyết toán. Số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn của tỉnh đã tăng nhanh về số lượng nhưng lại phân bổ không đều, quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất kinh tế hộ gia đình là chủ yếu, vì vậy thường đề xuất dự án khuyến công nhỏ, không thể hiện rõ khả năng liên kết vùng, khu vực hoặc chưa thể hiện được năng lực thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp mũi nhọn. Một số doanh nghiệp dự tính đổi mới công nghệ với mức đầu tư lớn, trong khi mức hỗ trợ thấp doanh nghiệp không đủ khả năng đối ứng để triển khai thực hiện; cộng với quy định về các thủ tục thanh quyết toán còn phức tạp, mất nhiều thời gian khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia chương trình. Ngoài ra, tỉnh còn nhiều khó khăn, ngân sách địa phương bố trí cho hoạt động khuyến công còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện đồng bộ tất cả các nội dung và các lĩnh vực theo yêu cầu của chương trình. Việc phối kết hợp giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức hoạt động khuyến công chưa được thường xuyên, chặt chẽ và đồng bộ; công tác quản lý Nhà nước đối với phát triển ngành nghề nông thôn còn có sự chồng chéo dẫn đến công tác hoạch định, định hướng phát triển chung về ngành còn hạn chế.

Ðối với các bất cập kể trên, tỉnh xác định quan điểm thời gian tới cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành. Cụ thể, các cấp chính quyền, ngành chức năng liên quan cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động khuyến công, coi đó là một trong các giải pháp trọng tâm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, kiểu mẫu, nâng cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các huyện, thành phố cần quan tâm bố trí nguồn nhân lực cho công tác khuyến công từ cấp huyện tới cấp xã theo đúng quy định và đáp ứng yêu cầu phát triển; chủ động đề xuất điều chỉnh khi xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm phù hợp với thực tế để nâng cao hiệu quả của chương trình. Bên cạnh nguồn vốn  của Trung ương, của tỉnh, các ngành, các địa phương cần tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa; đồng thời phối hợp lồng ghép các chương trình mục tiêu khác để tạo nguồn kinh phí hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và cải tiến phương thức giao kế hoạch khuyến công, tạo thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký các đề án kế hoạch khuyến công quốc gia.

Cán bộ Phòng Công Thương huyện Ý Yên đánh giá hiệu quả hỗ trợ vốn khuyến công cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ tại Công ty TNHH Cơ khí đúc Toàn Thắng.
Cán bộ Phòng Công Thương huyện Ý Yên đánh giá hiệu quả hỗ trợ vốn khuyến công cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ tại Công ty TNHH Cơ khí đúc Toàn Thắng.

Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công trong thời gian tới, Trung tâm KC và XTTM sẽ tham mưu lãnh đạo Sở Công Thương thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về định hướng phát triển hoạt động khuyến công phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Cụ thể, sẽ tập trung Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm ngành nghề sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng, địa phương. Tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao của các sản phẩm nông lâm thủy sản, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn nhỏ và vừa được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tham gia chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng trong việc lựa chọn các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn được thụ hưởng các chương trình khuyến công. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án khuyến công bảo đảm nguồn kinh phí khuyến công được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và quy định của pháp luật. Cùng với đó, Trung tâm sẽ đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công nhằm thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp để hoạt động khuyến công từng bước đi vào cuộc sống, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tham gia các cuộc hội chợ, phiên chợ nhằm quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm. Về nguồn vốn, Trung tâm sẽ huy động các nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động khuyến công; kết hợp, lồng ghép với các nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, chương trình phát triển ngành nghề nông thôn và chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để tăng kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com