2020 - Tạo Đột phá chuyển đổi số trong ngành ngân hàng

08:12, 25/12/2020

Năm 2020 được coi là năm bản lề để các ngân hàng chuyển đổi số, tạo đà đột phá mạnh mẽ hơn trong năm 2021. Hàng loạt ngân hàng các quy mô lớn, nhỏ đều đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý điều hành, phát triển sản phẩm, tăng cường tương tác với khách hàng qua các ứng dụng, tiện ích số. Đây được coi là xu thế tất yếu giúp các ngân hàng “biến nguy cơ thành cơ hội”, sẵn sàng đón đầu tăng trưởng nhanh thời kỳ hậu dịch COVID-19. Vì thế, năm 2021 được dự đoán sẽ là năm bùng nổ về chuyển đổi số.

Nhân viên BIDV Chi nhánh Thành Nam hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng BIDV SmartBanking.
Nhân viên BIDV Chi nhánh Thành Nam hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng BIDV SmartBanking.

Đến nay, hầu hết các ngân hàng xác định, chuyển đổi số không còn là xu hướng, mà là bắt buộc. Nhiều ngân hàng đã định hình lại chiến lược của mình và xác định chuyển đổi số là lựa chọn để tồn tại, bắt kịp xu hướng và tạo lợi thế cạnh tranh. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy 94% các ngân hàng đã đầu tư vào chuyển đổi số, 40% ngân hàng đã đưa chuyển đổi số thành tầm nhìn chiến lược trong 5-10 năm tới. Kết quả khảo sát mới đây về kỳ vọng lợi ích từ chuyển đổi số trong 3-5 năm tới cũng cho thấy, 88% các tổ chức tín dụng (TCTD) lựa chọn triển khai số hoá dần các kênh giao tiếp khách hàng và nghiệp vụ; 19% TCTD đã hoặc đang có kế hoạch thiết lập thương hiệu và 6% TCTD đã tiến hành số hoá kênh giao tiếp khách hàng. Có 82,5% ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%; 58,1% ngân hàng kỳ vọng trên 60% khách hàng sử dụng kênh số và 44,4% ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt mức trên 50%. Điều này cho thấy các ngân hàng đã âm thầm thực hiện chuyển đổi số, sẵn sàng “nhập cuộc” với cuộc đua chuyển đổi số một cách tích cực. Nhiều ngân hàng đã và đang thay đổi tư duy chiến lược từ việc lấy sản phẩm làm trung tâm sang lấy khách hàng làm trung tâm, tập trung nâng cao trải nghiệm của thế hệ “khách hàng số” trong tương lai 5 năm tới. 

Từ nhiều năm nay, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Chi nhánh Nam Định đã tập trung đầu tư về vật lực cũng như nhân lực để thực hiện. Ngân hàng này đã bám sát kế hoạch chuyển đổi số trong 10 năm 2018-2028 của Hội sở chính và từng bước đặt chân vào quá trình chuyển đổi số. Sau 3 năm triển khai thành công ứng dụng dịch vụ Ví Việt, LienVietPostBank Chi nhánh Nam Định tiếp tục triển khai ngân hàng số LienViet24h. Trong 3-5 năm  tới, LienVietPostBank Chi nhánh Nam Định sẽ tiếp tục từng bước ứng dụng số hóa các hoạt động nghiệp vụ, bao gồm cả việc số hóa các quy trình thực hiện, cùng với việc đào tạo nâng cao năng lực cho nhân sự nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số. Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank) cũng ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank, còn ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng phát động Chiến dịch chuyển đổi số. Trước đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã triển khai nâng cấp ứng dụng VietinBank iPay Mobile 5.1, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng ra mắt ngân hàng số Yolo sau mô hình Timo, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TechcomBank) tiên phong ra mắt “Zero fee” trên F@st Ebank, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) ra mắt ứng dụng LiveBank, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) có dịch vụ HDBank mBanking, tương tự Ngân hàng Á Châu (ACB) có dịch vụ ACB mBanking... Với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, các ngân hàng đã gặt hái được một số thành công bước đầu, điển hình là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh. Đây được coi là mũi nhọn chiến lược có nhiệm vụ “đi trước mở đường” từng bước giúp người dân dần quen với việc sử dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng, tiến tới thành thạo các dịch vụ, tiện ích kỹ thuật số khác mà ngân hàng đã và đang triển khai như đặt vé máy bay, xem phim, giao dịch QR Pay, đặt phòng khách sạn… Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, các ngân hàng thương mại đã phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan tỉnh thực hiện thu thuế điện tử đối với doanh nghiệp sử dụng ngân sách Nhà nước đạt 98%; tỷ lệ số tiền nộp thuế điện tử đạt 99%, riêng địa bàn thành phố đạt 99,8%. Đã có 515.176 khách hàng (chiếm 70,7% tổng số khách hàng dùng điện) đã thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các kênh thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong năm 2020, các ngân hàng đã thực hiện thu hộ 2.548 món với số tiền 55 tỷ 656 triệu đồng, trong đó hộ gia đình, cá nhân 906 món, số tiền 19 tỷ 726 triệu đồng; doanh nghiệp, tổ chức khác 1.642 món, số tiền 35 tỷ 930 triệu đồng. 

Có thể khẳng định, chưa bao giờ cuộc cạnh tranh số hóa giữa các ngân hàng mạnh mẽ như năm 2020 và sẽ còn tiếp diễn những năm 2021. Việc triển khai ngân hàng số được các chuyên gia đánh giá đang đi đúng với xu hướng của thế giới cũng như chủ trương thúc đẩy thanh toán tiêu dùng không tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Điều này không chỉ giúp ngành ngân hàng phát triển và cả khách hàng cũng được hưởng lợi từ những tiện ích mà ngân hàng số mang lại. Bên cạnh đó, chuyển đổi số là quá trình dài hạn cùng đầu tư nguồn lực lớn. Do vậy, các ngân hàng phải chọn lựa những mũi nhọn đột phá, những cải tiến cấp thiết nhất để đầu tư, sau đó nâng cấp và mở rộng dần sang các lĩnh vực khác. Tính hiệu quả của vốn đầu tư cũng phải được thẩm định chặt chẽ, đảm bảo việc đầu tư giúp nâng cao hiệu quả, tối ưu hoá chi phí, tránh lãng phí và không đúng trọng tâm vì số hoá đơn thuần chỉ là công cụ giúp quản trị và nâng cao tiện ích cho khách hàng. Trong khi đó, vấn đề nguồn lực con người thực hiện quy trình số hóa ngành ngân hàng lại đang trở nên ngày càng nóng hơn. Các yếu tố tiên quyết khác như dữ liệu, nhân sự, quy trình là những thách thức thực sự khó đòi hỏi phải có chiến lược, giải pháp phù hợp kết hợp với công nghệ số của các ngân hàng. Tất cả sẽ được các ngân hàng tập trung giải quyết triệt để trong năm 2021 để đáp ứng yêu cầu bùng nổ ngân hàng số./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com