Hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật nền hành chính công

07:12, 24/12/2020

Hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật nền hành chính công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện bởi đây là bước đệm để xây dựng Chính phủ điện tử. Nhờ đó, năm 2020 nhiệm vụ hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật nền hành chính công đã đạt nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận.

Cán bộ Phòng Giao dịch VietinBank Chi nhánh Bắc Nam Định ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu ngân sách Nhà nước.
Cán bộ Phòng Giao dịch VietinBank Chi nhánh Bắc Nam Định ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu ngân sách Nhà nước.

Đến nay, hệ thống đường truyền viễn thông, internet tốc độ cao đã được phủ rộng trên toàn tỉnh. Số máy tính trang bị tại các cơ quan Nhà nước 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) là 5.204 máy tính; trong đó 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện và trên 80% cán bộ cấp xã đã được trang bị máy tính sử dụng trong công việc. 100% cơ quan Nhà nước đã đầu tư hệ thống mạng nội bộ (LAN); 95% máy tính của cán bộ, công chức được kết nối tốc độ cao (trừ các máy tính liên quan đến dữ liệu mật). 100% cơ quan Nhà nước đã có Cổng/Trang thông tin điện tử. Ngoài ra các tổ chức chính trị khác như: HĐND tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... đã có Cổng/Trang thông tin điện tử. Tiêu biểu hơn trong kết quả đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin là các sở, ban, ngành, các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm công nghệ, xây dựng các nền tảng dữ liệu. Theo Sở KH và CN: Hiện có 43 cơ quan chuyên môn (100% đơn vị thuộc diện bắt buộc) đã xây dựng, áp dụng duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg. Các đơn vị thuộc diện khuyến khích đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như: Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh và 40 UBND cấp xã; Sở KH và CN đang hỗ trợ 80 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. 100% các cơ quan hành chính 3 cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số, kết nối liên thông giữa các đơn vị trong tỉnh, giữa tỉnh với Chính phủ. Đến nay tỉnh đã cấp, bàn giao, hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho 584 tổ chức, 2.126 cá nhân thuộc UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn. Bình quân hàng tháng có gần 8.000 văn bản ký số của các cơ quan Nhà nước ở 3 cấp được xử lý trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành.

Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung xây dựng các nền tảng dữ liệu tích hợp, liên thông, dùng chung, từng bước xây dựng hạ tầng chính quyền số. Nhờ đó, toàn tỉnh đã hoàn tất xây dựng Trục liên thông văn bản của tỉnh kết nối Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỉnh đã kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng cung cấp dịch vụ công Quốc gia và Phần mềm quản lý Lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp, Phần mềm Đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hệ thống thông tin nhận, trả kết quả thủ tục hành chính của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng Cổng thông tin điện tử 3 cấp, tích hợp cổng thông tin, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn. Cổng thông tin điện tử của tỉnh hoạt động ổn định, cung cấp đầy đủ các thông tin theo quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP, số lượng người dân, doanh nghiệp truy cập ngày càng gia tăng. Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh đã được xây dựng và cài đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng tại 100% cơ quan Nhà nước 3 cấp của tỉnh và kết nối với Hệ thống báo cáo của Chính phủ. Hệ thống một cửa điện tử tích hợp trong Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được triển khai tại 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn; thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước được tiếp nhận, giải quyết công khai trên Hệ thống một cửa điện tử. Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh niêm yết công khai 1.671 thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đạt 62,30%. Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung triển khai dự án Phát triển hạ tầng khung Chính phủ điện tử giai đoạn 2016-2020 (giai đoạn 2); cập nhật Khung Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, phiên bản 2.0, phù hợp với Quyết định số 2323/QĐBTTTT ngày 31-12-2019 của Bộ TT và TT ban hành.

Nỗ lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng công nghệ kỹ thuật giúp các cấp chính quyền, ngành chức năng ngày một nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành và hoạt động của đơn vị. Đến nay, việc gửi, nhận văn bản điện tử của tỉnh đảm bảo liên thông đến 100% các cơ quan Nhà nước trong tỉnh và liên thông đến 100% các Bộ, ban, ngành Trung ương, 62 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 90%. Cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ cũng có ý thức và trách nhiệm hơn; tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các công đoạn trong thực thi thủ tục hành chính cũng từng bước được khắc phục. Việc chủ động đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ, xây dựng chính quyền điện tử cũng đã tạo điều kiện, ngày càng thu hút nhiều người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hành chính công trên môi trường mạng. Đến nay đã có hơn 1,5 triệu lượt người truy cập vào Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Trong tổng số 203 thủ tục hành chính của tỉnh thuộc 5 lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, bưu chính, đường bộ, xúc tiến thương mại được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã có trên 50% số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ. Nam Định nằm trong tốp 3 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cao nhất toàn quốc.

Năm 2021, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin; đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, thiết bị mạng, thiết bị ngoại vi đã lạc hậu, xuống cấp. Thực hiện chuyển đổi IPv6 cho Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Ứng dụng tối đa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm, các nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát của các cơ quan Nhà nước; đẩy mạnh triển khai, kết nối, sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng. Mở rộng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO sang phiên bản 2015 đến các đơn vị hành chính cấp xã. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Từng bước phát triển đô thị thông minh với mục tiêu chính là hướng tới lợi ích của người dân và doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com