Tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng khoa học, an toàn

05:10, 02/10/2020

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh vừa qua, 9 tháng đầu năm 2020, chăn nuôi lợn của tỉnh tiếp tục đối mặt với những thách thức do nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) quay trở lại, nguồn giống khan hiếm, giá cao và tâm lý người chăn nuôi còn e dè cộng với một số yếu tố khách quan về điều kiện để tái đàn khiến việc tái đàn chậm, mới đạt khoảng 85% tổng đàn trước khi có ASF.

Tuy nhiên, như đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, bệnh ASF bên cạnh những tác động tiêu cực gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất chăn nuôi, kinh tế - xã hội song cũng có mặt tích cực là thúc đẩy quyết liệt quá trình tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo hướng khoa học, an toàn, hiệu quả. Chăn nuôi nhỏ lẻ tận dụng giảm hẳn, xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi tiến bộ, áp dụng quy trình an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt theo quy trình VietGAHP và chăn nuôi tuần hoàn, qua kiểm tra cho thấy kết quả tích cực toàn diện cả về hiệu quả kinh tế và xã hội. Người chăn nuôi và ngành chăn nuôi thay đổi hẳn tư duy sản xuất từ chỗ coi chăn nuôi lợn là sinh kế, việc làm tận dụng sang ngành sản xuất chuyên nghiệp, người chăn nuôi phải làm chủ hoàn toàn hoạt động sản xuất của mình, đảm bảo các điều kiện an toàn để sản xuất hiệu quả, được thụ hưởng lợi nhuận và tự chịu trách nhiệm khi có thiệt hại. Đối với công tác quản lý Nhà nước tỉnh cũng có đổi mới trong chỉ đạo, trong đó đã luôn yêu cầu phải thận trọng khi tổ chức tái đàn, thực hiện từ từ theo khả năng đảm bảo an toàn sản xuất, không tái đàn ồ ạt bất chấp, chạy theo số lượng tổng đàn khi thị trường thịt lợn khan hiếm, giá cả và lợi nhuận của người chăn nuôi tăng vọt.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng thì “ở quy mô toàn cầu, ASF cũng dẫn ngành chăn nuôi lợn và ngành hàng thịt lợn đến một cuộc cách mạng làm thay đổi hình thức chăn nuôi, cơ cấu tiêu dùng thịt lợn trong bối cảnh phải chung sống lâu dài với ASF cho đến khi có vắc-xin thương mại hiệu quả áp dụng phổ biến cho chăn nuôi lợn trên toàn cầu”. Chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn sinh học sẽ là giải pháp hữu hiệu cho người chăn nuôi trong giai đoạn này; hình thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp với thế mạnh của nó sẽ từng bước thay thế và vượt trội đối với hình thức chăn nuôi nông hộ cả về đầu con, sản lượng và khả năng kiểm soát rủi ro, thiệt hại.

 Do vậy, cần tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức làm cho người chăn nuôi nhận thức rõ vai trò họ là chủ thể của đơn vị kinh tế, “trách nhiệm bảo vệ đàn vật nuôi trước hết phụ thuộc vào chính họ, mục tiêu bảo vệ đàn vật nuôi trước hết vì lợi ích của chính họ. Từ đó họ phải chủ động thực hiện các quy định về chăn nuôi an toàn, khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ Nhà nước hỗ trợ khi gặp khó khăn, dịch bệnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan nhấn mạnh. Nếu không thay đổi về cung cách sản xuất, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngày càng khó lường do nhiều yếu tố tác động, ngân sách Nhà nước sẽ không thể đủ để bù đắp thiệt hại do dịch bệnh; kinh tế sẽ không thể phát triển. Cần tuyên truyền và đảm bảo thực hiện nghiêm Luật Chăn nuôi, người chăn nuôi phải khai báo trung thực với chính quyền sở tại về hoạt động chăn nuôi của mình: số lượng con, các điều kiện và phải được xác nhận. Chỉ những người chăn nuôi, tái đàn có khai báo nếu chẳng may bị dịch bệnh mới được hỗ trợ thiệt hại. Phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của hệ thống chính trị ở cơ sở và cộng đồng tham gia giám sát, quản lý hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư, đấu tranh với những trường hợp chăn nuôi không khai báo, không đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, kiên quyết không hỗ trợ nếu xảy ra dịch bệnh.

Cùng với đó thực hiện đồng bộ các biện pháp chủ động quản lý dịch bệnh như tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, thực hiện kiểm soát vệ sinh môi trường chăn nuôi; siết chặt quản lý Nhà nước về hoạt động chăn nuôi đối với các yếu tố liên quan từ con giống, vật tư, thuốc thú y, hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Đổi mới tư duy trong công tác hỗ trợ người chăn nuôi như đề nghị của đồng chí Vũ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, “giảm hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho người chăn nuôi, nên hỗ trợ đầu tư vào hạ tầng sản xuất, nhất là đầu tư vào các khu vực quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung quy mô sẽ đảm bảo phát huy hiệu quả lâu dài”. Môi trường chăn nuôi nói chung, vấn đề vệ sinh môi trường trong hoạt động chăn nuôi lợn nói riêng đang là vấn đề nóng ở nhiều vùng nông thôn, nếu không có giải pháp tốt thì “thỉnh thoảng lại có đơn thư khiếu nại của người dân”, hoạt động sản xuất của người chăn nuôi cũng không thể ổn định. Việc thay đổi cách thức hỗ trợ của Nhà nước cũng sẽ góp phần khắc phục, thay đổi tâm lý ỷ lại, trông chờ của họ mỗi khi gặp rủi ro. Muốn tiếp tục chăn nuôi lợn, hộ chăn nuôi cần phải đầu tư bài bản và áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Nếu không đáp ứng được điều kiện này thì cần phải chuyển đổi sang vật nuôi khác hoặc chuyển đổi ngành nghề khác để có sinh kế bền vững hơn./.

Vân Thi


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com