Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

08:10, 01/10/2020

Tỉnh ta có nhiều tiềm năng để phát triển hoạt động khởi nghiệp trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục… Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp tại tỉnh đang ở giai đoạn bắt đầu. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn ít. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gặp nhiều khó khăn về tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, cố vấn, tư vấn, đào tạo khởi nghiệp cũng như tiếp cận tài chính, nguồn nhân lực.

Đóng gói sản phẩm ngô sấy tại Công ty TNHH Minh Dương, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định).
Đóng gói sản phẩm ngô sấy tại Công ty TNHH Minh Dương, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định).

Tiềm năng dồi dào

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 9.400 doanh nghiệp; hệ thống giáo dục có 4 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp và 16 cơ sở giáo dục nghề; có gần 142 làng nghề truyền thống, tiêu biểu ở lĩnh vực cơ khí, mỹ nghệ… với nhiều sản phẩm truyền thống và các nghệ nhân tài hoa; nhiều đặc sản về thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản nổi tiếng. Đây là những lợi thế, tiềm năng cơ bản của tỉnh để tiếp tục thực hiện các ý tưởng đổi mới sản phẩm, mô hình kinh doanh trong nền kinh tế 4.0. Triển khai thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ngày 10-7-2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ nhiều doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, hệ thống quản lý chất lượng VietGAP và các công cụ quản lý LEAN, Kaizen, 5S; hỗ trợ một số đơn vị đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia, trong đó có 1 doanh nghiệp là Công ty TNHH Nam Dược đạt giải thưởng Chất lượng châu Á Thái Bình Dương. Thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 2848/QĐ-UBND ngày 9-12-2016 của UBND tỉnh, đến nay toàn tỉnh có trên 1.480 nhãn hiệu hàng hoá, 111 kiểu dáng công nghiệp, 5 sáng chế, 10 giải pháp hữu ích của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; có 3.028 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó có 1.606 đơn được cấp văn bằng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH và CN đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Xây dựng Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” để tạo sự liên kết giữa nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN; thương mại hóa sản phẩm KHCN; tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao sức sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp; ưu tiên thu hút chất xám, công nghệ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị cao; bảo quản, chế biến nông sản, thủy sản… và một số lĩnh vực khác. Có thể nói, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh ta có tiềm năng phong phú song hiện vẫn đang ở giai đoạn hình thành, các phong trào khởi nghiệp trong tỉnh còn hoạt động phân tán, thiếu tập trung, các mối liên kết giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp chưa được hình thành đồng bộ. Vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ các hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn hạn chế; thiếu chính sách rõ ràng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Chưa huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp trong các hoạt động liên kết, góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới còn ít và gặp nhiều khó khăn như: ý tưởng khởi nghiệp còn hạn chế, nguồn lực đầu tư không có, thiếu tính đổi mới sáng tạo, thiếu các dịch vụ hỗ trợ về tiếp cận tài chính, các dịch vụ tư vấn hỗ trợ để thương mại hóa sản phẩm, phát triển doanh nghiệp thành công…

Tăng cường kết nối phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

Theo đồng chí Đào Việt Hà, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ (Sở KH và CN), để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương, tỉnh cần xây dựng chính sách thu hút, kết nối các nhân tố đã có của hệ sinh thái quốc gia và hệ sinh thái địa phương khác cùng tham gia khai thác, chia sẻ, áp dụng các ý tưởng dựa trên các lợi thế sẵn có của tỉnh. Với cách tiếp cận này, tỉnh cần xây dựng Đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025”. Trong đó phải đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo đến sinh viên, thanh niên, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Hình thành Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo có chức năng kết nối các thành phần của hệ sinh thái trong nước, quốc tế để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh. Hình thành 2-3 vườn ươm doanh nghiệp, không gian khởi nghiệp để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc thù địa phương. Lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh và khuyến khích hình thành 2-3 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của tư nhân. Các đối tượng tham gia là các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp sáng tạo, có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo hoặc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ thuộc các ngành, lĩnh vực mới, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: công nghệ (công nghệ thông tin, thương mại điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới) phục vụ xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, thiết kế tạo mẫu các sản phẩm làng nghề đặc trưng của tỉnh, thời trang; giáo dục đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu, du lịch tâm linh; các dự án có mục đích phục vụ lợi ích xã hội, cộng đồng và giải quyết các vấn đề thách thức về kinh tế - xã hội như: ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nông thôn mới… Ngoài ra, các đối tượng tham gia đề án còn có các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo; các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, truyền thông, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh (vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trường đại học, cao đẳng). Để thực hiện tốt đề án này, các sở, ngành liên quan, các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết để kết nối hệ sinh thái./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com