Nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19

08:09, 23/09/2020

Trước tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Rạng Đông giới thiệu, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp.
Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Rạng Đông giới thiệu, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp.

Chính quyền, người dân, doanh nghiệp đồng lòng vượt khó

Ngay khi dịch bệnh COVID-19 phát sinh, bên cạnh sự đồng lòng “chống dịch như chống giặc” của các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp, tỉnh xác định khôi phục sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế là ưu tiên trọng tâm cần thực hiện. Theo đó, tỉnh xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Thống kê đến 31-7-2020 tổng vốn giải ngân (bao gồm cả vốn kéo dài từ những năm trước) là 2.375,49/4.272,896 tỷ đồng, đạt 55,6% kế hoạch năm, góp phần giúp ngành xây dựng và các lĩnh vực ngành nghề phụ trợ phát triển; thúc đẩy tiến độ đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, nâng cao năng lực thu hút đầu tư. Tỉnh chủ động chỉ đạo các ngành, các địa phương quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách ưu đãi, linh hoạt về tài chính, tín dụng, các chương trình hỗ trợ sử dụng ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; triển khai thực hiện hiệu quả việc chi trả các gói hỗ trợ của Chính phủ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch. Đặc biệt, do nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện lệnh phong tỏa, cách ly để phòng chống dịch, tỉnh tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng, thực thi pháp luật về thương mại điện tử. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.400 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng website giới thiệu, quảng bá thương hiệu trên môi trường mạng; một số website của doanh nghiệp đã có 2 ngôn ngữ, cung cấp các tiện ích như xác nhận đơn hàng qua email, SMS, lọc/tìm kiếm sản phẩm, hỗ trợ trực tuyến. Các doanh nghiệp, thương nhân còn được tham gia đăng ký thành viên, thiết lập gian hàng tại Sàn giao dịch Thương mại điện tử Nam Định nên đã thuận lợi hơn trong việc giữ chân khách hàng truyền thống, nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, tăng lượng khách hàng tiềm năng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh sự tích cực hỗ trợ của chính quyền, ngành chức năng, người dân, doanh nghiệp đều phát huy tinh thần tự lực, tự cường gỡ khó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo tín hiệu của thị trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp, bà con nông dân cũng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất theo hướng trồng trọt, chăn nuôi an toàn sinh học; khai thác thủy sản theo quy định; tăng cường tham gia thiết lập, duy trì, phát triển mô hình liên kết sản xuất với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nông nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi có truy suất nguồn gốc. Đáng kể đã có 10 mô hình được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; có 12 doanh nghiệp đã tham gia thực hiện chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến (HACCP); 41 cơ sở đã xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); 49 cơ sở đã nỗ lực xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 113 nông sản rau, gạo, thủy sản, thịt; 195 sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng, áp dụng tem truy xuất nguồn gốc. Tại tất cả các huyện, thành phố hiện đã có doanh nghiệp tham gia nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm đảm bảo đạt các tiêu chuẩn chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), dự kiến hết năm 2020 toàn tỉnh có trên 100 sản phẩm được công nhận đạt 3-4 sao. Các doanh nghiệp công nghiệp đã gia tăng sản xuất, cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đông lạnh, đồ khô, sau chế biến đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các doanh nghiệp dệt may và sản xuất dược phẩm đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, tạo ra thay đổi về nhu cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như chế biến thực phẩm, y tế, hóa dược phẩm để tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới và phát triển bứt phá ở cả thị trường trong và ngoài nước. Quyết tâm chung sức thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã giúp tỉnh cơ bản giữ được ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Thống kê 8 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn tăng trưởng khá: sản lượng thủy sản tăng 5,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 5,4%…

Đẩy mạnh hợp tác để khôi phục kinh tế

Nhận diện dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục gây nhiều tác động tiêu cực, cộng với xu thế bảo hộ kinh tế, suy giảm trao đổi thương mại tiếp tục gia tăng tại hầu khắp các quốc gia đối tác. Vì vậy, tỉnh tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh. Khuyến cáo doanh nghiệp phát huy sức sáng tạo và khả năng thích ứng, tận dụng các cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác tối đa thị trường trong nước; thực hiện đồng bộ các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện, nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa; phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tham gia sâu trong các chuỗi giá trị; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh sẵn có của địa phương như: Cơ khí sản xuất máy nông nghiệp, máy xây dựng; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; sợi, dệt, nhuộm, may thời trang cao cấp; củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm và hoạt động của làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề mới. Theo dõi sát diễn biến nhu cầu hấp thụ hàng hóa của các thị trường nước ngoài để khuyến cáo doanh nghiệp có chiến lược sản xuất, cung ứng kịp thời, hiệu quả. Đẩy mạnh hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và sắp thực thi như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu… để gia tăng xuất khẩu.

Trong lộ trình dài hơi, tỉnh sẽ đẩy mạnh hợp tác để khôi phục, phát triển hiệu quả nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 73-KH/TU ngày 22-11-2019 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 17-8-2020 của UBND tỉnh. Trong đó tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tại địa phương kết nối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ năng, trình độ quản lý, nâng cao năng lực hấp thụ, dần tiến tới chủ động công nghệ và hướng tới phát triển cụm liên kết ngành. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp bản địa nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn, hướng đến mục tiêu không để bị lợi dụng thâu tóm bởi nhà đầu tư ngoài nước. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thu hút các nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các Tập đoàn lớn trong nước như Vingroup, Sungroup… về tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh theo định hướng phát triển 3 vùng kinh tế trọng tâm gồm: Trung tâm công nghiệp dịch vụ thành phố Nam Định, vùng kinh tế biển, vùng sản xuất nông nghiệp. Chú trọng thu hút đầu tư các dự án: có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo nguồn ngân sách lớn; các dự án trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng để hình thành các khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu, cụm công nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com