Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng trạm BTS

07:08, 03/08/2020

Những năm gần đây, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng mạng viễn thông, nâng cấp trạm BTS nhằm mở rộng vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng dịch vụ, chống hiện tượng nghẽn mạng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh… Tuy nhiên việc xây dựng trạm BTS đang gặp nhiều khó khăn cần sự chung tay tháo gỡ từ cả phía cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Cán bộ kỹ thuật VNPT kiểm soát an toàn các trạm BTS trực thuộc.
Cán bộ kỹ thuật VNPT kiểm soát an toàn các trạm BTS trực thuộc.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT), toàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ điện thoại cố định; 4 doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ điện thoại di động, 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập internet cố định. Hạ tầng viễn thông phát triển rộng khắp, với 617,737km cáp quang được ngầm hóa và 1.388 trạm BTS bao gồm cả 2G, 3G, 4G được lắp đặt trên 1.147 vị trí trạm. Trong đó có 341 trạm đặt trên đất công (bằng 29,7% tổng số trạm). Cụ thể: 234 trạm dựng trên đất cơ quan Nhà nước (UBND phường, xã, viện…); 35 trạm dựng trên đất hành chính sự nghiệp (đài phát thanh..); 26 trạm dựng trên đất hợp tác xã (HTX dịch vụ nông nghiệp…); 7 trạm dựng trên đất trường học; 39 trạm sử dụng đất của nhà văn hóa thôn, chùa... Hầu hết các vị trí lắp đặt này được thực hiện dưới hình thức hợp đồng thuê mặt bằng do đó không đáp ứng các quy định của pháp luật hiện hành thuộc lĩnh vực đất đai, quản lý tài sản công nên tính ổn định không cao, nhiều địa phương, cơ quan Nhà nước yêu cầu di dời. Bên cạnh đó theo quy hoạch viễn thông trên địa bàn tỉnh còn 84 trạm BTS chưa xây dựng được theo đúng tiến độ. Trong đó huyện Trực Ninh có 17 vị trí; huyện Hải Hậu 17 vị trí; huyện Nghĩa Hưng 10 vị trí; huyện Ý Yên 9 vị trí... Ðiều này gây gián đoạn dịch vụ, phát sinh chi phí mà còn ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ của người dân, tạo ra các vùng lõm sóng và chất lượng dịch vụ thông tin di động, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội tại địa bàn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch hạ tầng viễn thông của UBND tỉnh. Cản trở khiến các doanh nghiệp viễn thông gặp khó khăn trong triển khai lắp đặt các trạm BTS là do vướng mắc về điều kiện xây dựng trạm BTS và một số hộ dân dựa vào lý do sóng điện từ trường của trạm BTS gây ảnh hưởng đến sức khỏe để khiếu kiện, ngăn cản việc xây dựng. Tuy nhiên theo Bộ TT và TT khẳng định các kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy các tín hiệu tần số vô tuyến từ các trạm BTS và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông khi khởi công xây dựng trạm BTS đều được kiểm định hợp chuẩn đối với thiết bị công trình trạm thu phát sóng thông tin di động. Tất cả các thiết bị trạm gốc GSM, thiết bị quang, viba của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi nhập khẩu về Việt Nam đều đã được Bộ TT và TT cấp giấy chứng nhận hợp quy. Công tác kiểm tra, rà soát đảm bảo chất lượng công trình trạm BTS hàng năm đều được duy trì tốt. Nguyên nhân của vấn đề này được xác định do sự phối hợp giữa Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố với các doanh nghiệp viễn thông chưa chặt chẽ trong việc xây dựng trạm BTS, xây dựng mạng truyền dẫn. Khi xảy ra sự việc khiếu kiện mới làm việc với các đơn vị có liên quan gây mất trật tự công cộng. Việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và các báo cáo đột xuất về viễn thông trong thời gian qua các doanh nghiệp thường xuyên báo cáo chậm, số liệu báo cáo không chính xác gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo UBND tỉnh. Trước thực trạng này, Sở TT và TT đã yêu cầu các đơn vị viễn thông tăng cường việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng để khắc phục tạm thời tình trạng chậm xây dựng trạm BTS; đồng thời tạo ra tính đồng bộ, phát triển bền vững, hiệu quả, đảm bảo cảnh quan đô thị; tiết kiệm chi phí, cũng như đảm bảo đúng quy hoạch viễn thông thụ động của tỉnh. Sở TT và TT chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định, quy chế về sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông; quy định, quy chế ngầm hóa hạ tầng mạng cáp ngoại vi; điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh giai đoạn 2020-2025. Bên cạnh đó, Sở tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với quy hoạch hạ tầng mạng viễn thông. Trong đó định kỳ 6 tháng tổ chức giao ban với Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông; phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết, khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng trạm BTS. Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, in phát tờ rơi về sóng điện từ để người dân hiểu rõ, thay đổi tư duy, chấp thuận việc lắp đặt trạm BTS. Ðối với một số vướng mắc liên quan đến điều kiện lắp đặt trạm, Sở TT và TT sẽ phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố để thống nhất ý kiến trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, để thị trường viễn thông phát triển bền vững và hài hòa, ngoài chủ động khắc phục khó khăn về các thủ tục xin cấp giấy phép xây lắp, sự cản trở của người dân do thiếu thông tin… doanh nghiệp cần rà soát, điều chỉnh các vị trí trạm BTS có tọa độ không phù hợp với Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Nam Ðịnh giai đoạn 2015-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tăng cường việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng theo định hướng quy hoạch đến năm 2025. Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước trong phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com