Tăng cường giám sát toàn diện an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp

08:08, 25/08/2020

Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng từ dịch COVID-19 dẫn đến khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trong tỉnh song Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp và nhân dân duy trì sản xuất, kinh doanh; từng bước phục hồi và ổn định, phát triển toàn diện sản xuất nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng chỉ đạo tăng cường giám sát đồng bộ, toàn diện công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nhằm đảm bảo nông sản, thực phẩm an toàn, sạch tới tay người tiêu dùng.

Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản lấy mẫu nông sản giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm tại Trung tâm giới thiệu Nông nghiệp sạch tỉnh.
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản lấy mẫu nông sản giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm tại Trung tâm giới thiệu Nông nghiệp sạch tỉnh.

Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản theo hướng dẫn của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN và PTNT). Hiện nay, nguyên liệu ngao tại các vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của tỉnh vẫn được tiêu thụ mạnh cho các nhà máy chế biến ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Tiền Giang và tại thành phố Nam Định làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, châu Âu (EU) và tiêu thụ tại các siêu thị, chợ đầu mối của các thành phố lớn. Đặc biệt là việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm ngao thương phẩm của Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (Cụm công nghiệp An Xá); ngao sạch Giao Thủy được triển khai tích cực đã thúc đẩy việc tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng hóa cho sản phẩm ngao nuôi của tỉnh. Đơn vị chức năng đã thực hiện nghiêm túc chương trình giám sát dư lượng (các chất độc hại) và thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ vẫn được theo đúng kế hoạch. Trong 7 tháng đầu năm, Chi cục đã tổ chức 15 đợt lấy mẫu với tổng 60 mẫu nước, 30 mẫu ngao ở vùng nuôi và khai thác ngao của 2 huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy. Kết quả các vùng nuôi vẫn nằm trong vùng an toàn, sản phẩm được phép thu hoạch và xuất sang EU. Chi cục đã thực hiện cấp 354 giấy chứng nhận xuất xứ với sản lượng trên 9.000 tấn ngao cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Là một trong những tỉnh trọng điểm nuôi trồng thủy sản khu vực phía Bắc, trong đó có nhiều đối tượng nuôi phù hợp các quy định trong chương trình giám sát theo Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi, từ tháng 5 đến tháng 7, Chi cục đã thực hiện lấy 10 mẫu tôm thẻ chân trắng, 5 mẫu tôm sú, 1 mẫu cua nuôi tại các huyện  Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng theo đúng kế hoạch của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN và PTNT). Kết quả kiểm nghiệm cho thấy các sản phẩm thủy sản tại các vùng nuôi được lấy mẫu kiểm soát đều không phát hiện có tồn dư các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi, qua đó góp phần nâng cao uy tín về chất lượng các sản phẩm thủy sản nuôi mặn lợ tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Thực hiện chương trình giám sát ATTP nông sản theo Thông tư 08/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT, từ tháng 4 đến tháng 7, Chi cục đã lấy 97 mẫu rau, củ, quả, thịt, cá… tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến để phân tích định tính tại Chi cục và gửi mẫu phân tích định lượng tới các phòng kiểm nghiệm chất lượng ATTP nông lâm thủy sản được chỉ định của Bộ NN và PTNT nhằm giám sát diện rộng. Kết quả, trong tháng 7, Chi cục phát hiện 1 mẫu cá song của cơ sở Hoàng Tuynh (Nghĩa Hưng) có tồn dư kháng sinh cấm. Chi cục đã thông báo đến Phòng NN và PTNT huyện Nghĩa Hưng, UBND xã Phúc Thắng và cơ sở để lấy mẫu bổ sung trong tháng 8 và báo cáo kết quả nguyên nhân mẫu nhiễm.

Chất lượng ATTP nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ góp phần củng cố niềm tin với người tiêu dùng, đồng thời xây dựng được thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ và ổn định. Các hoạt động giám sát ATTP nông sản, thủy sản được triển khai thường xuyên, đồng bộ; tập trung vào các sản phẩm tiềm ẩn rủi ro cao, nhu cầu tiêu thụ nhiều; các sản phẩm sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết… Bên cạnh đó, hoạt động thông tin truyền thông được triển khai liên tục và rộng khắp, có sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, các sở, ngành và các địa phương với nhiều hình thức, lồng ghép đã đạt được hiệu quả tuyên truyền cao. Chính vì thế, nhận thức của các cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản và người tiêu dùng về ATTP được nâng lên, thay đổi đáng kể nhận thức, ý thức của cả cộng đồng về vấn đề ATTP nói chung, ATTP nông, lâm, thủy sản nói riêng. Hoạt động thanh kiểm tra, giám sát, kiểm soát có hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc tránh chồng chéo; đã kiên quyết xử lý nghiêm minh những cơ sở có hành vi vi phạm giúp tăng hiệu lực giáo dục, răn đe kịp thời. Chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, không có những sự cố nghiêm trọng phát sinh. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một hệ thống các cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân, thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Đây chính là nhân tố quan trọng cho việc đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, gắn sản xuất với chế biến, tiêu dùng một cách bền vững, thu hút các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có chất lượng, giá trị gia tăng cao trong thời gian tới.

Những tháng cuối năm năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản theo hướng dẫn của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản. Tập trung giám sát chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản đối với các sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh xếp hạng 3 sao trở lên. Tập trung giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản ở các cửa hàng kinh doanh tiện ích và các cửa hàng treo biển nông sản, thực phẩm sạch. Tập trung hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm, thủy sản tự xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ. Phát động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động xây dựng các chính sách mới về cải tiến kỹ thuật sản xuất, quan tâm hoạt động tự giám sát chất lượng để nâng cao năng lực nội tại, tăng sức cạnh tranh và khả năng chống chịu với những bất ổn của nền kinh tế./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com