Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

08:08, 04/08/2020

Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) năm 2020 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Thi công tu sửa tuyến đê biển Hải Hậu.
Thi công tu sửa tuyến đê biển Hải Hậu.

Theo Sở KH và ĐT, tổng số vốn giải ngân năm 2020 của tỉnh (bao gồm cả vốn kế hoạch và vốn kéo dài là 4.272,896 tỷ đồng. Đến 22-7-2020 đã giải ngân 2.278,769 tỷ đồng; đạt 53,3% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương (NSTƯ) kế hoạch năm 2020 là 1.009,2 tỷ đồng, đã giải ngân 315,402 tỷ đồng, đạt 31,3% kế hoạch. Cụ thể: đã giải ngân 180/346,1 tỷ đồng vốn NSTƯ hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt 52% kế hoạch; đã giải ngân 134,538/135,4 tỷ đồng vốn đầu tư theo các chương trình mục tiêu, đạt 99,4% kế hoạch... Vốn ngân sách địa phương kế hoạch năm 2020 là 2.946,984 tỷ đồng; đã giải ngân 1.818,446 tỷ đồng, đạt 61,7% kế hoạch. Đã giải ngân 1.411,882/2.379,984 tỷ đồng phần tỉnh quản lý, điều hành, đạt 59,3% kế hoạch. Bao gồm: đã giải ngân 22,083/28,0 tỷ đồng vốn hỗ trợ xây dựng thành phố trung tâm vùng, đạt 78,9% kế hoạch; đã giải ngân 60,0/80 tỷ đồng ngân sách tỉnh kế hoạch năm 2020 dự án đầu tư xây dựng Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; đã giải ngân 85,0/145,0 tỷ đồng vốn thu từ tiền sử dụng đất tái định cư cấp lại cho thành phố Nam Định, đạt 58,6% kế hoạch; đã giải ngân 337,180/842,5 tỷ đồng tiền thu từ sử dụng đất các khu đô thị, khu dân cư tập trung cấp lại cho các huyện, thành phố, đạt 40,0% kế hoạch; đã giải ngân 967,619/1.364,484 tỷ đồng tiền bố trí cho các dự án tỉnh quản lý, điều hành, đạt 70,9% kế hoạch. Phần huyện, xã, thị trấn quản lý, điều hành là 567,0 tỷ đồng; ước giải ngân 406,564 tỷ đồng, đạt 71,7% kế hoạch. Đã giải ngân 144,921/316,712 tỷ đồng tổng số vốn năm 2018, 2019 kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm 2020, đạt 45,7% số vốn kéo dài. 

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân một số dự án thấp, chủ yếu tập trung ở nguồn vốn NSTƯ. Cụ thể: Nguồn vốn nước ngoài cấp phát từ NSTƯ mới chỉ giải ngân được 0,864/81,2 tỷ đồng; đạt 1,1% kế hoạch. 4 dự án thuộc danh mục dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (từ nguồn điều chỉnh giảm vốn cho các dự án quan trọng quốc gia) đến nay chưa giải ngân được. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn một số dự án trọng điểm của tỉnh cũng chậm. Trong đó, đến nay chưa giải ngân 245 tỷ đồng vốn NSTƯ đã bố trí cho dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; mới giải ngân 44,66/170,0 tỷ đồng, đạt 26,3% vốn bố trí thực hiện phần vốn kế hoạch ngân sách tỉnh năm 2020 bố trí cho dự án Xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I); chưa giải ngân 20 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh kế hoạch năm 2020 dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa 700 giường...

Lý giải nguyên nhân chậm giải ngân VĐTC tại một số dự án, UBND tỉnh xác định quy trình và điều kiện để được giải ngân với một dự án đầu tư công rất nhiều thủ tục và rất phức tạp. Đồng chí Đinh Văn Phương, Phó Giám đốc Sở GTVT, đơn vị là chủ đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm của tỉnh cho biết: Không thể ngay lập tức thực hiện giải ngân toàn bộ dự toán mà phụ thuộc vào tiến độ từng hạng mục. Trong đó, quan trọng nhất là phải có khối lượng thực hiện vì theo quy định hoàn thành hạng mục nào mới thanh toán hạng mục đó, thậm chí hoàn tất cả công trình mới thanh toán. Theo đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, mấu chốt quan trọng để dự án có được khối lượng thực hiện đòi hỏi một chuỗi các thủ tục liên hoàn; trong đó hai phần việc mất nhiều thời gian và dễ vướng mắc là giải phóng mặt bằng và hoàn tất các thủ tục đầu tư dự án (khâu tư vấn lập, thẩm định, quyết định đầu tư, khâu lập kế hoạch đầu tư dự án). Trong khi đó, chỉ cần một công đoạn nhỏ trong hai phần việc kể trên gặp trục trặc có nguy cơ lớn kéo theo cả quá trình giải ngân bị đình trệ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân một số công trình trọng điểm của tỉnh như dự án Bệnh viện Đa khoa 700 giường, dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, dự án Xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình… Bên cạnh đó, dự kiến bố trí 201,5 tỷ đồng cho 4 dự án thuộc danh mục được bố trí vốn NSTƯ từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và khoản 10 nghìn tỷ đồng điều chỉnh giảm vốn các dự án quan trọng quốc gia đến nay chưa có Quyết định giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2020 nên chưa giải ngân được. Trong đó, dự án xây dựng tỉnh lộ 488 đoạn từ tỉnh lộ 488C đến thị trấn Thịnh Long được dự kiến bố trí 40 tỷ đồng; dự án cải tạo nâng cấp một số hạng mục quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh được dự kiến bố trí 30 tỷ đồng; dự án nâng cấp hệ thống công trình phòng, chống lụt bão đê hữu sông Hồng và đê tả sông Đào thành phố Nam Định được dự kiến bố trí 111,5 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp đê hữu sông Đào (Vụ Bản) được dự kiến bố trí 20 tỷ đồng.

Để đảm bảo giải ngân 100% VĐTC năm 2020 (bao gồm các nguồn vốn các năm trước chuyển sang), tỉnh sẽ kiến nghị, đề xuất Chính phủ quan tâm sớm bố trí vốn cho các dự án có nguồn vốn NSTƯ. Các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo chủ đầu tư có kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết và cam kết về tiến độ giải ngân của từng dự án; trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, khẩn trương rà soát, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch từ dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, xem xét đề xuất điều chuyển chủ đầu tư dự án. Đẩy nhanh việc hoàn thành thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2020. Trên cơ sở kế hoạch VĐTC năm 2020 được giao, các sở, ngành, các địa phương là chủ đầu tư (hoặc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc là chủ đầu tư) chủ động đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch; thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định. Đặc biệt, các sở, ban, ngành, các địa phương chủ động phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; xác định kết quả giải ngân của từng dự án là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của cán bộ, công chức đã được phân công theo dõi; trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com