Tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ lúa xuân

07:03, 10/03/2020

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong tháng 3 nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,5-2oC và không có rét đậm kéo dài; tuy nhiên có nhiều ngày trời âm u, mưa phùn... là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh hại phát sinh, phát triển hại lúa. Vì vậy, các địa phương và bà con nông dân cần tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ tốt các đối tượng sâu, bệnh hại, nhất là tình trạng ốc bươu vàng, chuột phá hại, bệnh lùn sọc đen, bảo vệ tốt các trà lúa, tạo tiền đề giành vụ lúa xuân thắng lợi.

Xã viên HTX Nông nghiệp Bảo Xuyên (Vụ Bản) quây nilon quanh ruộng để ngăn chuột phá hại lúa xuân.
Xã viên HTX Nông nghiệp Bảo Xuyên (Vụ Bản) quây nilon quanh ruộng để ngăn chuột phá hại lúa xuân.

Vụ xuân năm nay, xã Tân Khánh (Vụ Bản) gieo cấy 618ha với 85% diện tích được gieo cấy bằng giống chất lượng cao gồm Bắc Thơm số 7, BC. Nét mới trong sản xuất vụ xuân năm nay là xã tiếp tục sản xuất theo quy mô cánh đồng mẫu lớn để gieo cấy “cùng giống, cùng trà” tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ lúa; mở rộng diện tích gieo sạ ở những vùng chủ động tưới, tiêu nước nên diện tích gieo sạ đạt 97%. Để bảo vệ lúa xuân, Ban Nông nghiệp xã đã chỉ đạo HTX nông nghiệp hướng dẫn nông dân tập trung làm cỏ sớm, thu dọn hết cỏ dại; tổ chức bón thúc lần 1 kết hợp làm cỏ sục bùn, giữ mực nước trong ruộng thích hợp sau khi lúa mới cấy để hạn chế cỏ dại. Đối với lúa gieo sạ, sử dụng các loại thuốc nhóm tiền nảy mầm, thuốc có chất an toàn cao để trừ cỏ. Để bảo đảm phát huy hiệu quả của thuốc và an toàn cho môi trường, HTX khuyến cáo bà con sử dụng thuốc đúng nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì; không tự ý phun tăng liều, chồng lối; không phun thuốc trừ cỏ khi nhiệt độ dưới 150C hay mực nước trong ruộng ngập đỉnh sinh trưởng của lúa. Sau khi phun thuốc giữ mực nước trong ruộng đều từ 1-3cm trong 3-5 ngày để tăng hiệu lực trừ cỏ của thuốc. Đối với ốc bươu vàng nông dân sử dụng biện pháp thủ công bằng cách tạo các rãnh nhỏ xung quanh ruộng để, khi tháo nước, ốc tập trung dồn xuống rãnh sẽ thu gom; cắm que cọc rải rác trong ruộng để ốc leo lên đẻ trứng sau đó thu trứng và diệt; dùng lưới mắt cáo bằng kim loại, lưới ni-lon có lỗ nhỏ hoặc phên chặn trước cửa ruộng, mương máng, cống dẫn nước vào ruộng... để ngăn ốc từ bên ngoài xâm nhập vào ruộng lúa, đồng thời dễ thu gom diệt ốc. Việc tiêu diệt ốc bươu vàng bằng các biện pháp thủ công được HTX tiến hành thường xuyên trong suốt vụ. Nhờ đó, từ đầu vụ đến nay, HTX đã bắt được hàng chục tấn ốc bươu vàng, đem tiêu hủy và dùng làm phân bón cho cây trồng, nghiền làm thức ăn chăn nuôi.

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT), hiện các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc chăm sóc đợt I cho toàn bộ diện tích lúa xuân; các trà lúa xuân đang sinh trưởng, phát triển tốt. Đây cũng là thời điểm chuột sinh sản nhanh và mức độ phá hại rất mạnh. Vì vậy, Sở NN và PTNT phát động chiến dịch diệt chuột đợt II từ ngày 25-2 đến 25-3-2020 vào thời điểm lúa phân hóa đòng. Theo đó, chiến dịch diệt chuột cần được triển khai đồng loạt ở các huyện, thành phố; tổ chức diệt chuột từ cánh đồng đến các bờ mương, bờ máng, bờ vùng, bờ thửa, khu vực ven đê, ven đường đi lại và tại các khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp và các khu đất trống. Đồng chí Trần Quang Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bảo Xuyên (Vụ Bản) cho biết: Chủ động triển khai chiến dịch diệt chuột đợt II bảo vệ lúa xuân, ngoài việc coi trọng biện pháp sinh học như bảo vệ, phát triển đàn mèo, sử dụng các các loại bẫy kẹp vạn năng, bẫy sập, bẫy hom, bẫy dính hoặc soi đèn, đào bắt, HTX còn thành lập Tổ diệt chuột, sử dụng bả diệt chuột sinh học Biorat và các loại thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, ít độc hại với môi trường như: Antimice 0.006GB, Cat 0.25WP, Broma 0.005AB, Killrat 0.005 Wax block... để diệt chuột. Khi tiến hành đặt bẫy, bả diệt chuột, HTX thông báo trên hệ thống Đài truyền thanh để người dân biết, nhốt chó, mèo phòng tránh bị ăn phải bả chuột. Việc diệt chuột được tiến hành đồng loạt tại các xứ đồng, các tuyến bờ vùng, bờ thửa, khu đất trống, ruộng bỏ hoang, khu nghĩa trang. Bên cạnh đó, HTX còn khuyến cáo bà con sử dụng nilon quây quanh ruộng, vệ sinh, phát quang bờ, bụi rậm nhằm phá nơi cư trú và hạn chế nguồn thức ăn và sự phá hại của chuột. Nhờ đó, đến nay toàn bộ hơn 300ha lúa xuân của HTX vẫn an toàn, không bị chuột phát hoại.

Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, trong kết quả thu thập mẫu, giám định virus lùn sọc đen trên 270 mẫu rầy lưng trắng, 270 mẫu lúa có mẫu ở một số xã như: Liên Bảo (Vụ Bản); Nam Toàn (Nam Trực); thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng); Hồng Thuận, Giao Tiến (Giao Thủy); Liêm Hải, Trực Thuận (Trực Ninh)... dương tính với virus lùn sọc đen, do đó vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho lúa xuân. Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay các huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh lùn sọc đen và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống Đài truyền thanh các xã về tác hại, mức độ nguy hiểm, nguyên nhân, triệu chứng của bệnh lùn sọc đen hại lúa; tập huấn, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen trong điều kiện có nguy cơ bùng phát thành dịch. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng tích cực điều tra, giám sát sự biến động mật độ rầy lưng trắng tại nơi rầy trú ngụ sống qua đông như: cỏ dại, ruộng bỏ hoang, ngô; điều tra, giám sát biến động mật độ rầy lưng trắng trên lúa xuân; tập trung lấy mẫu rầy ở những địa phương đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen ở vụ trước để giám định virus. Các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX tổ chức vệ sinh đồng ruộng, diệt cỏ dại; điều tra, giám sát mật độ rầy trên lúa, lấy mẫu rầy để phân tích, giám định virus. Đồng chí Nguyễn Văn Triển, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Hải Hậu cho biết: Để chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen trong vụ xuân 2020, huyện đã tổ chức tuyên truyền, phân công cán bộ phối hợp với các HTX nông nghiệp hướng dẫn nông dân thực hiện giám sát rầy ngay từ đầu vụ; xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý bệnh, phòng trừ rầy lưng trắng cho cán bộ Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, cán bộ Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn; xây dựng nội dung tuyên truyền; hướng dẫn quy trình thâm canh lúa xuân trong điều kiện nguy cơ dịch bệnh. Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị chuyên môn điều tra, phát hiện sớm rầy phát sinh trong vụ mùa di trú sang vụ xuân; tham mưu các biện pháp chỉ đạo phòng, chống bệnh hiệu quả và kịp thời. Thông báo sớm kết quả điều tra, giám định virus đề xuất các biện pháp xử lý. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tích cực đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch và báo cáo thường xuyên kết quả triển khai thực hiện của các địa phương về UBND huyện...

Trong điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, sâu bệnh, dịch hại luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và có khả năng gây hại, vì vậy chủ động thực hiện các biện pháp phòng, trừ hiệu quả ngay từ đầu vụ chính là yếu tố quyết định giảm thiệt hại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vụ lúa xuân năm nay./.

Bài và ảnh: Văn Đại


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com