Làng nghề ươm tơ xã Phương Định mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ

07:03, 06/03/2020

Nằm ven sông Ninh Cơ, xã Phương Định (Trực Ninh) nổi tiếng với nghề ươm tơ, dệt lụa đã có bề dày truyền thống vài trăm năm. Trải qua những lần thăng trầm khó khăn và nguy cơ mai một của nghề, người dân nơi đây đã tìm mọi cách thoát khỏi lối mòn của tư duy sản xuất truyền thống, tìm đến những phương thức sản xuất mới, cho ra đời những sản phẩm mang tính đột phá. Một làn gió mới đã thổi vào làng nghề đem lại sức sống mới giúp người dân yên tâm bám nghề.

Bà Mai Thị Yến, chủ cơ sở sản xuất tơ lụa ở xóm Hoà Lạc, xã Phương Định (Trực Ninh) sử dụng nồi hơi kéo tơ.
Bà Mai Thị Yến, chủ cơ sở sản xuất tơ lụa ở xóm Hoà Lạc, xã Phương Định (Trực Ninh) sử dụng nồi hơi kéo tơ.

Đặt chân đến làng nghề ươm tơ, kéo sợi tại xóm Hoà Lạc, âm thanh những guồng máy se tơ lụa vang lên giòn giã. Những guồng quay sợi thủ công truyền thống hầu như đã được thay thế bằng máy chạy động cơ để tăng năng suất. Đang tất bật bên 2 máy kéo, se tơ, chị Phạm Thị Nhiên cho biết: Hiện tại, nhờ đầu tư máy móc công nghệ nên công đoạn se tơ hoạt động quanh năm, trong đó từ giáp Tết Nguyên đán đến tháng 4 âm lịch là mùa làm ăn nhộn nhịp nhất. Bình quân mỗi tháng, xưởng của gia đình chị sản xuất được hơn 50-60 kg/tơ thành phẩm, tăng gấp 4-5 lần so với trước đây. Không chỉ công đoạn se sợi, ngày nay, tại làng nghề ươm tơ, kéo sợi Hoà Lạc, mọi công việc thủ công truyền thống trước đây như: kéo kén, quay tơ, sấy khô, bảo quản tơ đều được đầu tư đổi mới ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Đến thăm nhà bà Mai Thị Yến, chủ cơ sở sản xuất tơ tằm lớn nhất ở xóm, với bề dày hơn 40 năm làm nghề, chúng tôi nhận thấy không khí làm việc ở đây rất nhộn nhịp nhưng không còn đặc quánh mùi than củi như trước đây. Bà Yến hồ hởi khoe với chúng tôi: “Nghề ươm tơ, kéo sợi ở xóm xưa rất đông người tham gia bởi tơ luôn là hàng hoá có giá trị cao, thị trường rất chuộng tơ của Phương Định. Tuy nhiên, do điều kiện làm nghề vất vả, môi trường luôn độc hại do thường xuyên phải tiếp xúc với khói bếp than, củi kéo tơ mà thị trường không ổn định, thu nhập của người làm nghề không đều, có lúc không hiệu quả nên nhiều hộ dân đã bỏ nghề. Với quyết tâm giữ nghề ông cha, từ năm 2016, chúng tôi đã nghiên cứu đầu tư nồi nấu bằng điện kết hợp với guồng quay mô tơ, tuy chi phí cao hơn từ 5-7 triệu đồng/nồi điện nhưng lại tăng năng suất lao động đặc biệt bảo vệ sức khoẻ người làm nghề”. Thông thường với bếp than, mỗi ngày người kéo tơ từ kén chỉ có thể kéo được 5-6kg tơ, nhưng mỗi nồi nấu điện có thể đạt công suất 7-8kg tơ/ngày với ưu điểm nhiệt độ ổn định, người lao động có thể tập trung làm việc liên tục. Từ 2-3 nồi điện ban đầu, đến nay, cơ sở sản xuất của bà Yến đã phát triển 14 nồi điện hoạt động liên tục, đạt sản lượng 70-80kg tơ/ngày. Từ hiệu quả đầu tư nồi nấu điện, không dừng lại ở đó, bà Yến quyết định đầu tư cải tạo áp dụng công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất tơ của gia đình, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất hơn. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu tơ đạt chất lượng cao, bà Yến đã chủ động nhập trứng giống tằm tốt nhất và liên kết với các nơi sản xuất kén tằm. Hiện tại, nguồn nguyên liệu kén tằm của gia đình bà được lấy từ nhiều nơi như Lâm Đồng, Đà Lạt, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… Để chủ động đảm bảo sản lượng tơ tằm theo đơn đặt hàng, bà đã đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng kho lạnh có sức chứa 4,5 tấn và kho sấy. Toàn bộ tơ được kéo từ kén sẽ được đưa trực tiếp vào kho sấy chứ không phải phơi ngoài sân vườn và phụ thuộc vào thời tiết như trước đây nên chất lượng tơ cũng đảm bảo hơn, khô nhanh hơn. Sử dụng kho sấy, chỉ cần 7-8 tiếng, tơ đã hoàn toàn được sấy khô, công suất với mỗi mẻ từ 1,2-1,3 tạ tơ. Sau đó, tơ được chuyển sang kho lạnh bảo quản ổn định ở nhiệt độ -15 độ C, có thể sử dụng được trong vòng 1 năm. Vì thế, cơ sở sản xuất của bà Yến luôn đảm bảo nguồn hàng và chất lượng tơ tằm ổn định, tạo uy tín cao với khách hàng. Hiện tại, giá bán tơ từ 700-750 nghìn đồng/kg tơ vàng và 900-950 nghìn đồng/kg tơ trắng. Bình quân mỗi tháng gia đình bà Yến xuất bán hơn 2,5 tấn tơ, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động và thu nhập thêm cho hơn 40 hộ làng nghề. Chất lượng sản phẩm cao nên gia đình bà Yến không chỉ cung cấp các sản phẩm tơ ra thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào… Hiện tại, xã Phương Định chỉ còn khoảng 20 hộ làm nghề ươm tơ, kéo sợi tập trung ở xóm Cổ Chất và Hoà Lạc. Từ mô hình thực tế, nhiều hộ dân ở xóm Cổ Chất cũng đầu tư chuyển đổi sản xuất thủ công sang sử dụng nồi điện và kho lạnh, kho sấy như hộ ông Đoàn Văn Hướng, Nguyễn Văn Đích, Nguyễn Văn Đồng, bà Phạm Thị Phú… Nhờ vậy, sức sống từ làng nghề vẫn được duy trì bền bỉ. 

Để tiếp tục bảo tồn và gìn giữ làng nghề hơn trăm tuổi, xã Phương Định đang tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ: quảng bá nâng cao giá trị sản phẩm, hướng dẫn người dân xây dựng thương hiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phổ biến giúp người dân từng bước đổi mới công nghệ phù hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm, giải phóng sức lao động tạo hiệu quả kinh tế cao hơn từ nghề của làng. Từng bước quy hoạch, xây dựng điểm công nghiệp để thu hút các hộ sản xuất di chuyển ra các khu tập trung, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tăng năng suất, chất lượng, sản xuất hàng hoá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị thường tơ lụa, trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, xã khuyến khích công tác truyền dạy nghề hướng con em quê hương tiếp nối giữ lửa nghề ươm tơ truyền thống của địa phương./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com