Hiệu quả từ mô hình "Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm"

08:03, 09/03/2020

Thực hiện chương trình mục tiêu Y tế và Dân số do Bộ Công Thương tổ chức, năm 2019, Sở Công Thương phối hợp với UBND thành phố Nam Định xây dựng mô hình “Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP)” tại chợ Cầu Ốc, phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định). 

Người dân tấp nập mua bán tại chợ Cầu Ốc, phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định).
Người dân tấp nập mua bán tại chợ Cầu Ốc, phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định).

Chợ Cầu Ốc là chợ dân sinh hạng III do UBND phường Lộc Hòa tổ chức quản lý, kinh doanh khai thác. Diện tích mặt bằng khu đất xây dựng chợ là 2.278m2, diện tích xây dựng nhà chợ chính 600m2. Chợ có 73 hộ kinh doanh các mặt hàng nông, thủy sản như: rau, củ quả, thịt, trứng gia súc, gia cầm; thủy, hải sản; thực phẩm chế biến sẵn; tạp phẩm, thực phẩm khô; dịch vụ ăn uống, giải khát và lương thực gạo, ngũ cốc... Triển khai thực hiện mô hình “Chợ thí điểm bảo đảm ATTP”, Sở Công Thương đã tổ chức khảo sát thực trạng, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về ATTP cho các thành viên tổ quản lý chợ và người kinh doanh hàng lương thực, thực phẩm tại chợ. Tại lớp tập huấn, các học viên được hướng dẫn, phổ biến các văn bản quy định của Nhà nước về bảo đảm ATTP các điểm kinh doanh thực phẩm tại chợ; nguy cơ về mất vệ sinh ATTP; các tiểu thương được tham vấn, đóng góp ý kiến về việc hỗ trợ trang bị cho kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương triển khai hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các hộ kinh doanh tại khu vực được lựa chọn để thí điểm mô hình chợ ATTP như: Treo biển hiệu “Mô hình chợ bảo đảm ATTP”; biển hiệu khu vực kinh doanh trong chợ; biển hiệu tên cho các hộ kinh doanh tiêu biểu được lựa chọn; bàn inox cho các hộ kinh doanh thịt và cá; kệ inox cho các hộ kinh doanh rau, củ quả; thùng rác công cộng; thiết bị kiểm tra chất lượng thực phẩm (Bộ test nhanh an toàn vệ sinh thực phẩm). Sau gần 1 năm triển khai, đến nay, chợ Cầu Ốc đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí, yêu cầu theo tiêu chuẩn chợ ATTP như: không bị ngập nước, đọng nước; cách ly nguồn gây ô nhiễm; khu chức năng cơ bản đã được phân thành từng khu vực riêng biệt, có biển hiệu rõ ràng, được xây dựng kiên cố và mới được sửa chữa, nâng cấp lều chợ, sàn khu bán thực phẩm thoát nước tốt; trần nhà mái che không bị dột, thấm nước; có hệ thống chiếu sáng, cấp nước đầy đủ, hệ thống thoát nước đảm bảo; tổ chức hoạt động vệ sinh, thu gom rác thải hàng ngày và được trang bị các thùng rác công cộng có đậy nắp kín. Tại các ki ốt, quầy hàng đều có biển hiệu ghi rõ thông tin tên người bán, mặt hàng kinh doanh, số điện thoại liên hệ... Những người trực tiếp kinh doanh, chế biến thực phẩm đã được bồi dưỡng kiến thức ATTP. Các hộ kinh doanh tại chợ đã bắt đầu chấp hành việc ghi chép sổ sách, theo dõi nguồn hàng theo đúng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Theo đánh giá của Sở Công Thương, thực hiện mô hình thí điểm, chợ Cầu Ốc đã được đầu tư thêm nhiều hạng mục được nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất bảo đảm đạt chuẩn chợ ATTP. Các tiêu chí khác về chợ ATTP cũng được thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt như: thực phẩm kinh doanh tại chợ có nguồn gốc rõ ràng; không bán thực phẩm nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại, thực phẩm quá hạn sử dụng; các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm có sự kiểm soát và chứng nhận ATTP của cơ quan chức năng; sản phẩm rau, củ, quả có giấy xác nhận xuất xứ, nguồn gốc; hàng thực phẩm chế biến được bảo quản trong tủ kính hoặc che đậy, bao gói vệ sinh... Mô hình đã bước đầu nâng cao ý thức, trách nhiệm của Tổ quản lý chợ và người kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện các quy định ATTP, góp phần hạn chế phát sinh, lây lan dịch bệnh qua nguồn thực phẩm, nước thải, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội, thực hiện nếp sống văn minh và bảo vệ sức khỏe nhân dân; gián tiếp thúc đẩy việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, đảm bảo ATTP cung ứng cho các chợ. Kết quả đạt được của mô hình thí điểm chợ đảm bảo ATTP tại chợ Cầu Ốc đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chợ, phát triển hạ tầng thương mại, môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng tiêu chí về ATTP, bảo đảm sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công Thương sẽ tổng kết rút kinh nghiệm hiệu quả của mô hình trên để triển khai nhân rộng ra các địa phương khác. Dự kiến đến năm 2025 sẽ nhân rộng mỗi huyện một mô hình chợ ATTP. Kinh phí thực hiện dự kiến từ các nguồn: ngân sách Trung ương hỗ trợ từ chương trình mục tiêu hàng năm, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa. Để triển khai thực hiện mục tiêu này, các địa phương cần phối hợp tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình chợ, lựa chọn chợ để xây dựng mô hình thí điểm chợ ATTP trên địa bàn; tổ chức tập huấn và cấp chứng nhận ATTP cho các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ; tăng cường mức hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị bán hàng đảm bảo ATTP cho các hộ kinh doanh thực phẩm trong chợ; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức của các hộ kinh doanh cũng như khám sức khỏe cho người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại chợ./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com