Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch COVID-19

08:03, 23/03/2020

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp tỉnh đang phải gồng mình trước những khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các cấp chính quyền, ngành chức năng đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục duy trì, ổn định sản xuất. 

Sản xuất tại Công ty CP May thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy.
Sản xuất tại Công ty CP May thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vũ Văn Nghĩa, giai đoạn đầu xảy ra dịch bệnh, tại nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có người nước ngoài, xuất hiện tình trạng công nhân hoang mang, lo sợ lây bệnh. Các ngành chức năng, các địa phương và bản thân các doanh nghiệp đã tích cực thực hiện đồng bộ các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh cho cán bộ, công nhân, người lao động như: Thường xuyên phun thuốc khử trùng, tiêu độc nơi làm việc, trang bị xà phòng, dung dịch sát trùng để người lao động rửa tay, cấp phát miễn phí khẩu trang, nước uống...; đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động hiểu đúng về dịch bệnh và các kết quả đã đạt được trong phòng chống, kiểm soát dịch trên toàn quốc. Công tác kiểm soát, cách ly người lao động nước ngoài, người đi qua vùng dịch trở về ở các doanh nghiệp được thực hiện nghiêm túc, đúng hướng dẫn của ngành Y tế đã giúp người lao động ổn định tư tưởng, yên tâm làm việc, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất. Trước tình trạng phải cách ly, thậm chí là tạm dừng tiếp nhận lao động là người nước ngoài, hoặc trở về từ vùng dịch khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI thiếu cán bộ quản lý kỹ thuật cao, ảnh hưởng đến điều hành sản xuất, các ngành chức năng đã tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp cấp tốc lựa chọn lao động người Việt Nam tại chỗ để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đảm bảo đủ điều kiện tạm thời thay thế vị trí trống, tiếp tục ổn định sản xuất. Ngoài sự hỗ trợ của ngành chức năng, các cấp chính quyền, bản thân các doanh nghiệp đều nắm bắt tình hình dịch bệnh, sớm chủ động xây dựng và thực hiện công tác chuẩn bị cho lộ trình, kế hoạch sản xuất dài hơi nên đã đảm bảo nguồn nguyên, phụ liệu dự trữ từ trước để tập trung thực hiện các hợp đồng đã ký kết. Nhờ đó, trong 2 tháng đầu năm 2020, phần lớn các doanh nghiệp trên toàn tỉnh đều cơ bản ổn định sản xuất, góp phần giúp tỉnh tiếp tục tăng 14,2% giá trị sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, khối doanh nghiệp có xuất khẩu, nhập khẩu tới thị trường Trung Quốc, sử dụng nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc (nhất là các doanh nghiệp có thị phần nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc cao hoặc 100%) đều chịu ảnh hưởng tiêu cực như thiếu nguyên liệu đầu vào giảm sút sản lượng sản xuất; đặc biệt khâu tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có đơn vị không xuất được bất cứ đơn hàng nào. Cụ thể như: Công ty CP Dệt may Sơn Nam chuyên sản xuất hai mặt hàng gồm khăn, sợi. Trong đó, mặt hàng khăn vẫn đảm bảo tương đối ổn định nhưng mặt hàng sợi bị ảnh hưởng nhiều do công ty phụ thuộc thị trường Trung Quốc trong khâu nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm. Vì vậy, dù có sẵn nguồn nguyên liệu dữ trữ từ năm 2019 nhưng từ đầu năm 2020 đến nay công ty chưa xuất đi được một đơn hàng sợi nào. Các Công ty: TNHH MAXPORT LIMITED (Việt Nam) - Chi nhánh Nam Định, CP Việt Thuận, Dệt may Trường Phát, CP May 5, CP may 1 - Tổng Công ty Dệt may Nam Định, CP Dệt may Nam Định… bị ảnh hưởng đến xuất khẩu sản phẩm và nhập khẩu nguyên liệu dẫn đến tình trạng từ đầu năm đến nay giá trị sản xuất và doanh thu đều giảm. Cty TNHH Khoa học công nghệ Rông Trang (thành phố Nam Định) sản xuất, pha chế sơn bằng nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc nên sản lượng giảm nghiêm trọng, chỉ còn 1/10 so với khi chưa có dịch do không có nguyên liệu sản xuất, phải sử dụng hàng thay thế. Cty TNHH Tâm Hưng Thành (thành phố Nam Định) chuyên sản xuất, tái chế đồ nhựa sản lượng giảm khoảng 20-30% so với trước khi xảy ra dịch. Đáng ngại là nhóm doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc cũng rơi vào tình cảnh khó khăn không kém. Chẳng hạn như: Cty TNHH một thành viên Minh Dương sản xuất nông sản sấy so với trước khi có dịch đã bị giảm 50% doanh số tiêu thụ; riêng hoạt động xuất khẩu sang Bắc Kinh (Trung Quốc) phải dừng hoàn toàn. Cty TNHH Công Danh chuyên sản xuất hàng thịt lợn đông lạnh xuất khẩu tại các thị trường Trung Quốc, Malaysia; từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 hoạt động xuất khẩu đều dừng lại khiến công ty phải chủ động giảm sản lượng sản xuất. Kết quả khảo sát, thống kê sơ bộ của Sở Công Thương cho thấy: Đến trung tuần tháng 3 tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất đã xuất hiện tại nhiều doanh nghiệp; đa số doanh nghiệp chỉ đủ nguyên liệu để sản xuất đến tháng 4-2020 và duy trì, cầm cự sản xuất trong 1-2 tháng tới. Các doanh nghiệp gặp khó về nguồn nguyên liệu cũng đã chủ động tìm biện pháp tháo gỡ như: tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu mới ở trong và ngoài nước nhưng giá nhập cao hơn, chủng loại nguyên, phụ liệu không đa dạng, phong phú, hoặc nhà cung cấp không sẵn sàng cung cấp lô nhỏ nên doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Một số doanh nghiệp tiến hành đàm phán với đối tác lùi đơn hàng, hoặc thay đổi một số nguyên, phụ liệu nhưng kết quả chưa rõ ràng. Theo các doanh nghiệp nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài mà không có nguyên, phụ liệu hoặc giá tăng cao thì ngay trong tháng 4-2020, một số đơn vị sẽ phải giảm sản lượng sản xuất; về lâu dài có thể phải ngừng sản xuất dẫn đến giảm ca làm hoặc một số lao động phải cho nghỉ việc. 

Hiện tại, Sở Công Thương tiếp tục nắm bắt thông tin về thiệt hại, khó khăn của các doanh nghiệp do tác động của dịch bệnh COVID-19; tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tháo gỡ, giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động. Để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nông sản chế biến, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Sở Công Thương sẽ điều chỉnh, đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm các thị trường mới. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch để làm căn cứ xây dựng kịch bản và phương án tiêu thụ nông sản, hàng hóa chủ lực trên địa bàn; hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước. Đặc biệt, phát triển mạnh kênh phân phối, tiêu thụ trong siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích và tăng cường tiêu thụ hàng hóa theo phương thức thương mại điện tử do người dân đã tăng nhanh nhu cầu mua sắm qua mạng internet kể từ khi phát sinh dịch bệnh COVID-19. Nhằm đảm bảo nguồn cung các nguyên liệu đang nhập khẩu từ Trung Quốc, Sở Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế; khuyến khích các doanh nghiệp cùng ngành hàng tăng cường trao đổi, liên kết với nhau để có thể tận dụng tối đa cơ hội hợp tác, sử dụng nguyên, phụ liệu có sẵn trong nước với mức giá thương thảo đôi bên cùng có lợi. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đặt nhiệm vụ hàng đầu là ưu tiên đảm bảo nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước và chỉ đạo các đơn vị, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tìm kiếm các nhà phân phối, sản xuất nguyên phụ liệu nước ngoài để thông tin cho các ngành sản xuất trong nước sớm có sự kết nối, thực hiện kế hoạch tiếp cận phù hợp nguyên, phụ liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com