Bảo đảm tái đàn lợn nuôi an toàn, có kiểm soát

08:03, 31/03/2020

Hiện nay, giá thịt lợn đang ở mức cao từ 80-90 nghìn đồng/kg lợn hơi và 120-150 nghìn đồng/kg thịt tùy từng loại mặc dù Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp, tạo nguồn thịt lợn nhập khẩu. Do vậy, công tác tái đàn lợn thời điểm này là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân và ổn định thị trường. Tuy nhiên, do nguy cơ mầm bệnh vẫn tiềm ẩn trong môi trường nên việc tái đàn cần được kiểm soát để phòng ngừa tái dịch. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi tái đàn lợn. 

Việc tái đàn lợn nuôi phải được thực hiện ở các cơ sở đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn sinh học (Trong ảnh: Trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Thành, xã Yên Phong, huyện Ý Yên).
Việc tái đàn lợn nuôi phải được thực hiện ở các cơ sở đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn sinh học (Trong ảnh: Trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Thành, xã Yên Phong, huyện Ý Yên).

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), đến nay các địa phương trong toàn tỉnh đã tái đàn được khoảng 100 nghìn con lợn, nâng tổng số lợn bằng gần 85% so với cùng kỳ năm 2019. Khó khăn đầu tiên trong công tác tái đàn lợn của tỉnh hiện nay là con giống khan hiếm do đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua đã khiến 57.954 con lợn nái (chiếm 46%) phải tiêu hủy nên nguồn cung con giống bị hạn chế. Giá lợn giống trên thị trường do thế bị đẩy cao từ 2-2,5 triệu đồng/con có trọng lượng 6-8kg; trong khi người chăn nuôi giảm vốn thậm chí mất hết vì dịch bệnh. Đặc biệt hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi nên người chăn nuôi còn e dè… Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh và ngành Nông nghiệp đã chủ động trong công tác chỉ đạo, từ cuối năm 2019 đã yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt việc tái đàn với yêu cầu triệt để bảo đảm an toàn. Qua thực tế kiểm tra công tác tái đàn tại các địa phương mới đây của lãnh đạo UBND tỉnh và Sở NN và PTNT cho thấy, người chăn nuôi đã chủ động trong việc lựa chọn con giống, duy trì chế độ dinh dưỡng cho đàn lợn, giữ gìn vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi đã được người chăn nuôi quan tâm và nâng lên rõ rệt. Đã có những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển đàn lợn nuôi. Xuất hiện một số mô hình chăn nuôi lợn mới với việc hình thành bước đầu chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ thịt lợn thương phẩm, mở ra hướng đi mới, bền vững trong chăn nuôi lợn. Trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong công tác quản lý đàn vật nuôi nói chung, công tác tái đàn lợn nuôi sau dịch tả lợn châu Phi đã tốt hơn; đội ngũ cán bộ phụ trách chăn nuôi của UBND cấp xã, cán bộ thú y cơ sở đã nắm chắc số lượng đàn vật nuôi, số hộ, các gia trại, trang trại trên địa bàn, tạo cơ sở để quản lý, giám sát việc tái đàn lợn thận trọng, đảm bảo an toàn, có sự kiểm soát chặt chẽ, có lộ trình phù hợp với từng cơ sở chăn nuôi và tình hình thực tế của địa phương. Đây là cơ sở để các địa phương tổ chức tái đàn lợn nuôi có kiểm soát, số hộ dân thực hiện tái đàn lợn đang tăng dần bởi giá lợn hơi trên thị trường đang cao, người nuôi có lãi, trong đó chủ yếu là các trang trại, gia trại bảo đảm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chăn nuôi an toàn sinh học… Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cần tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi. Trên cơ sở đó tập trung hướng dẫn, khuyến khích các hộ chăn nuôi tăng đàn lợn nhưng phải thận trọng, có lộ trình cụ thể và phù hợp với từng cơ sở chăn nuôi, từng địa phương, bảo đảm an toàn, hiệu quả, không để dịch bệnh tái phát; việc thực hiện nuôi tái đàn lợn phải thận trọng, đảm bảo an toàn, có sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, thú y cơ sở và người chăn nuôi. Cơ sở chăn nuôi phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học; phải thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi ít nhất 1 tuần trước khi nhập lợn vào nuôi để tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường; chủ cơ sở chăn nuôi phải có đơn đăng ký về thời gian, số lượng, đối tượng lợn nuôi tại cơ sở và cam kết thực hiện các biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học với UBND cấp xã. UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra thực tế, nếu cơ sở chăn nuôi có đủ các tiêu chí cơ bản để đảm bảo thực hiện biện pháp an toàn sinh học mới ký xác nhận cho nuôi tái đàn; đồng thời việc nuôi tái đàn được giám sát, theo dõi, quản lý bởi hệ thống thú y các cấp theo phân cấp quản lý. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 27/UBND-VP3 ngày 10-1-2020 về việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng; Hướng dẫn số 1061/HD-SNN ngày 6-11-2019 Sở NN và PTNT về một số biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn; Công văn số 1161/SNN-CNTY ngày 27-11-2019 của Sở NN và PTNT về việc hướng dẫn quản lý tái đàn lợn. Các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn vật nuôi, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, phát sinh, lây lan trên đàn lợn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục huy động các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, người dân cùng tham gia giám sát dịch, giám sát các cơ sở giết mổ; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, không giấu dịch. Tổ chức giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh trên địa bàn, không để dịch lây lan trên diện rộng; trước mắt thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin vụ xuân cho đàn lợn; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và hoạt động sản xuất, buôn bán con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt lợn.

Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nắng mưa xen kẽ làm giảm sức đề kháng của đàn lợn nuôi, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh, phát triển và lây lan. Mặt khác, mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát nhưng mầm bệnh vẫn còn lưu hành ngoài môi trường nên khả năng tái phát dịch cũng rất cao, ảnh hưởng đến sự an toàn, hiệu quả trong chăn nuôi lợn. Vì vậy, người chăn nuôi lợn cần nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật chăn nuôi, khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương để bảo đảm tái đàn lợn nuôi an toàn, hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com